Thách thức của ngành nội thất không chỉ là duy trì sản phẩm chất lượng cao mà còn phải có hiệu quả và lợi nhuận. Chìa khóa của bài toán khó này là phải liên tục tối ưu hóa quy trình sản xuất, cho phép tối đa hóa hiệu quả, giảm thiểu chi phí và quan trọng nhất là đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Hiểu về quy trình sản xuất
Nền tảng để xây dựng bất kỳ quá trình tối ưu hóa nào là việc hiểu rõ quy trình sản xuất hiện tại. Bởi không thể cải thiện thứ mà mình không hiểu đầy đủ. Do đó bước đầu tiên là phân tích và hiểu chi tiết về mọi giai đoạn sản xuất, từ khâu nhận đơn hàng, xử lý vật liệu cho đến khâu hoàn thiện và vận chuyển thành phẩm.
Lập bản đồ quy trình: Điều này cho phép trực quan hóa mọi bước sản xuất, giúp xác định các giai đoạn không tạo thêm giá trị cho sản phẩm. Nó cũng giúp nhận thấy “điểm nghẽn”, tức các giai đoạn làm chậm quy trình dẫn đến chậm trễ và tăng chi phí.
Phân tích thời gian và chi phí: Việc này liên quan đến từng giai đoạn sản xuất, giúp xác định quy trình nào tốn kém nhất và lý do. Đôi khi chi phí cao liên quan đến việc sử dụng vật liệu không hiệu quả, để thời gian chết quá nhiều hoặc lãng phí.
Sự tham gia của đội ngũ: Nhân viên là những người gần gũi nhất với công việc. Kinh nghiệm và hiểu biết của họ mang lại thông tin có giá trị về tiềm năng cải thiện. Kêu gọi đội ngũ sản xuất tham gia quá trình phân tích và lập bản đồ không chỉ giúp họ tăng động lực làm việc và nỗ lực thay đổi mà còn cho phép xác định các vấn đề có thể đã bị bỏ qua ở cấp quản lý cao hơn.
Công nghệ và tự động hóa
Việc triển khai công nghệ hiện đại và tự động hóa là yêu cầu thiết yếu đối với các công ty nội thất. Tự động hóa làm tăng tốc độ sản xuất, giúp duy trì chất lượng sản phẩm cao, đồng đều, giảm thiểu sai sót. Cách mạng hóa quy trình sản xuất đồ nội thất có những lựa chọn khá hiệu quả như:
Máy CNC: Các trung tâm gia công CNC (điều khiển số bằng máy tính) là trái tim của nghề nội thất hiện đại. Những cỗ máy tiên tiến này cho phép cắt, khoan, phay và khắc chính xác với độ chính xác chưa từng có. Việc lập trình máy CNC cho phép tạo ra các mẫu mã và hình dạng phức tạp hơn so với làm thủ công. Hơn nữa những cỗ máy này có thể hoạt động liên tục, tăng hiệu quả sản xuất và cho phép hoàn thành nhiều đơn hàng hơn trong thời gian ngắn hơn.
Phần mềm hệ thống thực thi sản xuất (MES): Hệ thống MES (hệ thống thực thi sản xuất) là công cụ chính để quản lý và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Phần mềm này thu thập dữ liệu thời gian thực từ toàn bộ cơ sở sản xuất, cung cấp thông tin có giá trị về hiệu suất máy móc, mức tiêu thụ vật liệu và tiến độ của từng đơn hàng, cho phép các nhà quản lý ra quyết định sáng suốt, phản hồi nhanh mọi vấn đề và lập kế hoạch hiệu quả cho các đơn hàng trong tương lai.
Robot cộng tác (cobot): Robot cộng tác, còn gọi là cobot là một giải pháp sáng tạo giúp tăng cường tự động hóa trong khi vẫn duy trì tính linh hoạt của công nhân. Cobot được thiết kế để làm việc an toàn cùng với con người, hỗ trợ họ trong các nhiệm vụ đơn điệu hoặc nguy hiểm. Người ta có thể nhanh chóng lập trình chúng cho các nhiệm vụ khác nhau nên cobot có thể làm tăng năng suất đáng kể trong khi vẫn duy trì tính linh hoạt cao trong các quy trình sản xuất.
In 3D: Công nghệ in 3D cho phép tạo ra các thành phần phức tạp mà phương pháp truyền thống khó hoặc không thể thực hiện. In 3D có thể dùng để sản xuất các chi tiết trang trí độc đáo, nguyên mẫu hay thậm chí là các bộ phận của đồ nội thất. Điều này đặc biệt có giá trị với những công ty muốn cung cấp sản phẩm được cá nhân hóa hoặc phản ứng nhanh với các xu hướng thị trường đang thay đổi.
Tích hợp hệ thống và IoT: IoT (internet vạn vật) cho phép tạo ra một môi trường sản xuất thông minh, nơi máy móc, thiết bị và hệ thống có thể giao tiếp với nhau. Điều này cho phép tự động hóa toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu đặt hàng vật liệu đến khâu sản xuất, hậu cần và giao thành phẩm. Sự tích hợp này giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu chất thải và thích ứng tốt hơn với nhu cầu của khách hàng.
Tối ưu hóa sản xuất, quản lý chất lượng hiệu quả là một quá trình liên tục. Nó đòi hỏi phải xây dựng một nền văn hóa mà mọi nhân viên, từ quản lý đến công nhân sản xuất, đều phải cam kết thực hiện quy trình cải tiến chất lượng. Nét văn hóa này có khả năng thúc đẩy sự cởi mở phản hồi, tinh thần sẵn sàng học hỏi và không ngại đổi mới trong doanh nghiệp.
Diệp An (Theo Interioworks.com)