“TP. Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên khởi động thị trường tín chỉ carbon và là trung tâm tài chính xanh trong tương lai” là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố sẽ nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh thông qua 2 mô hình tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon để tạo năng lực cạnh tranh mới”.
Nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo đồng ý “TP. Hồ Chí Minh phải là địa phương đầu tiên của Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính xanh (TCX) và kích hoạt thị trường tín chỉ carbon” vì hội đủ điều kiện về chiến lược phát triển, chính sách, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh “là trung tâm tài chính lớn nhất nước”…
Có nhiều ưu thế
Trong báo cáo đầu tiên tại hội thảo, GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “TP. Hồ Chí Minh hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp khoảng 20 triệu tấn, ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn… Với Quyết định số 3273/QĐ-UBND năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Điều đó chứng tỏ địa phương này đã xác lập mô hình phát triển mới theo xu hướng xanh”.
Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần tận dụng các ưu đãi của Nghị quyết 98 của Quốc hội khóa XV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023) để thúc đẩy các giải pháp cải thiện môi trường, kết nối thị trường TCX và thị trường tín chỉ carbon tự nguyện trong nước với khu vực.
Với mục tiêu tăng trưởng xanh đã xác định và những chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 98, theo TS. Trần Văn – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), không quá khó trong việc xây dựng đề án trung tâm TCX để phát hành trái phiếu xanh (TPX), cổ phiếu xanh (CPX) của địa phương, khuyến khích doanh nghiệp (DN) phát hành TPX phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh, như: điện gió khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời mái, chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống rác phát điện từ nguồn rác thải sinh hoạt 10.000 tấn/ngày hiện nay, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu khách trên sông, xe buýt điện, trồng cây xanh đô thị, xây dựng công viên, phát triển rừng che phủ và cây xanh phân tán…
“Singapore chi 5 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo đầy đủ toàn bộ nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, TCX. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh, phát triển bền vững. Tiền đầu tư cho trung tâm này không quá nhiều và các nguồn tài trợ sẵn sàng nếu thực sự bắt tay vào làm”, bà Trần Thị Thúy Ngọc – Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam gợi ý. Theo bà Ngọc, đây là số tiền quá nhỏ với năng lực tài chính hiện nay của TP. Hồ Chí Minh!
Làm như thế nào?
“TP. Hồ Chí Minh cần ban hành cơ chế, chính sách, quy định cho thị trường TPX, CPX để người dân và DN tham gia; công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước, lãi suất, thời hạn trả nợ…”, TS. Trần Văn phân tích.
Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng hiện có khoảng cách quá lớn giữa cơ quan nhà nước và DN, hai bên không gắn kết và chia sẻ với nhau. Bộ nói đã làm rất nhiều việc nhưng DN và các địa phương nói không biết gì! “TP. Hồ Chí Minh muốn đi đầu phải có nhiều sáng kiến huy động DN tham gia vì đó là người chơi chính”, bà Thủy nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, nhận thức của DN về kinh tế xanh đã có bước chuyển lớn nhưng “mong được hướng dẫn, sớm có định chế để chúng tôi thực hiện vì hiện nay, nếu DN “không xanh” sẽ không xuất được hàng vào nhiều thị trường lớn.
Từ thực tế hoạt động của thành phố, nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong lộ trình thực hiện mô hình trung tâm TCX và thị trường tín chỉ carbon cần có các ưu đãi chính sách giảm rào cản gia nhập tín dụng xanh, trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành TPX cho các tổ chức phát hành. Với vai trò trung tâm phân phối, việc xây dựng sàn trao đổi tín chỉ carbon theo dạng ETS (hệ thống giao dịch phát thải) cần được thực hiện vào năm 2025, các DN xuất khẩu trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng của CBAM cần được ưu tiên tham gia thị trường ngay từ giai đoạn thí điểm để giảm chi phí tăng lên theo yêu cầu từ phía EU…
Dẫn chứng từ mô hình phát triển xanh của Singapore, TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh Quốc) cho biết, từ năm 2019, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã ra mắt kế hoạch hành động TCX, thành lập Ủy ban Công nghiệp tài chính xanh (GFIT) để xây dựng Singapore thành trung tâm TCX lớn của châu Á, như một cách tiếp cận chính để đạt các cam kết giảm phát thải. Kết quả, chỉ số TCX toàn cầu (Global Green Finance Index) trong 3 năm qua, Singapore đứng đầu khu vực.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên dám nghĩ về mô hình “tài chính xanh và là thị trường tín chỉ carbon”. Trong vòng 2 – 3 năm còn quá nhiều việc để làm, nhất là hành lang pháp lý của địa phương phải phù hợp với chính sách quốc gia. Như lời TS. Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, mục tiêu tăng trường kinh tế từ 7,5 – 8% mỗi năm để trở thành nước công nghiệp đặt ra hàng đầu nhưng hạn chế khí thải nhà kính là vấn đề phải được ưu tiên. Đó là bài toán đầy thách thức.
Vân Khôi