Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2021 đến năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia đã vượt mốc 200 tỷ USD.
Vị thế Việt Nam
Phát biểu tại Chương trình đối thoại bàn tròn về Thúc đẩy thương mại gỗ bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc được tổ chức vào sáng 20/12 tại Hà Nội, tiến sĩ Zang Junzuo, Chương trình hợp tác đầu tư thương mại quốc tế giữa Vương Quốc Anh và Trung Quốc – InFIT cho biết về mặt thương mại song phương, Trung Quốc luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong những năm gần đây, Trung Quốc không chỉ mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà còn đẩy mạnh các hoạt động thương mại ra thế giới, trong đó Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là một phần quan trọng trong chiến lược này.
Mục đích chính của buổi thảo luận là về các giải pháp và chính sách để phát triển thương mại gỗ bền vững giữa hai quốc gia, trong bối cảnh các thách thức về pháp lý, bảo vệ môi trường và trách nhiệm giải trình nguồn gốc. Theo các báo cáo mới nhất, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2024, chỉ riêng từ tháng 1 đến tháng 7, thương mại song phương đã đạt hơn 145,08 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hợp tác đầu tư, từ đầu năm 2024 đến nay, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 1,84 tỷ USD vào Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ năm 2016. Nhờ vậy, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Trên nền tảng hợp tác này, mối quan hệ công nghiệp và chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng trở nên chặt chẽ và tác động qua lại, thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.
Tiềm năng của dăm gỗ
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết từ năm 2014, Việt Nam đã thực hiện một bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang mô hình trồng rừng. Hiện nay, Việt Nam đang quản lý và khai thác khoảng 3 triệu ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo, với trữ lượng gỗ hàng năm chủ yếu từ cây keo và một phần từ gỗ cao su. Đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất dăm gỗ và các loại ván công nghiệp xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Trung Quốc.
Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gỗ chủ yếu gồm bốn nhóm chính: (1) Đồ mộc nội ngoại thất (chiếm 70% tổng xuất khẩu), (2) Dăm gỗ, (3) Các loại ván công nghiệp, và (4) Viên nén gỗ. Trong đó, dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với Trung Quốc chiếm khoảng 60% tổng sản lượng xuất khẩu, tiếp theo là Nhật Bản với 30%. Các thị trường khác đóng góp phần nhỏ.
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu dăm gỗ, nhưng để duy trì đà phát triển bền vững, việc nhập khẩu gỗ thô vẫn là nhu cầu quan trọng. Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 – 6 triệu m³ gỗ mỗi năm, trị giá từ 2,5 đến 3 tỷ USD. Một phần lớn trong số này là gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc và các sản phẩm gỗ nhiệt đới từ hơn 20 quốc gia ở châu Phi. Tất cả đều phải đảm bảo tính hợp pháp và khả năng truy xuất nguồn gốc. “Thị trường Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược lâu dài của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam và Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững. Cả hai nước cần tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác để đảm bảo quản lý rừng bền vững, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh và sản xuất xanh”, ông Hoài nói.
Theo đại diện Viforest, trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao nhưng thị trường đang có dấu hiệu giảm, Việt Nam và Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ để duy trì ổn định chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Hợp tác trên cơ sở “cùng có lợi”. Thực tế, nghiệm từ các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, đặc biệt là trong việc phát triển công nghệ chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm là điều DN Việt Nam cần học hỏi.
Thu Phương