Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giữa tháng 5 kết thúc với một thỏa thuận giảm đáng kể các khoản thuế mà hai nước áp lên hàng hóa của nhau. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giờ đây chỉ phải chịu mức thuế tối thiểu 30%, giảm từ 145%, trong khi Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ xuống 10%, từ mức 125%. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
* Hơn một lần ông cho rằng việc Mỹ áp thuế là cơ hội cho Việt Nam định hình lại chuỗi cung ứng ra thị trường toàn cầu, nhưng chúng ta tiếp cận cơ hội đó từ khía cạnh nào?
– Ngay sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam đã có những ứng xử, phản ứng chính sách rất kịp thời đảm bảo nguyên tắc thương mại công bằng, minh bạch, cùng có lợi. Chúng ta đã nêu ra những vấn đề trong chính sách thuế quan về xuất xứ và công bằng thương mại, với thiện chí giảm thuế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để góp phần giảm thâm hụt thương mại, hoặc sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng quan trọng, chiến lược từ Mỹ để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Không dừng lại ở những động thái trên, Việt Nam cũng đang xúc tiến các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến thương mại, nâng cao khả năng thực thi các cam kết về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, cũng như quá trình chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Bộ Công Thương cũng sẽ sớm công bố dự thảo nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược – một phần quan trọng trong nỗ lực ứng xử thương mại, đầu tư công bằng không chỉ với Mỹ mà cả với các đối tác quan trọng khác của Việt Nam.
Chúng ta đang hội nhập một cách có trách nhiệm dựa trên những nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, phù hợp và hài hòa lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, thuế quan của Mỹ không chỉ là câu chuyện của hôm nay mà còn là vấn đề quan trọng trong dài hạn. Do đó, chúng ta cần cùng lúc vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa xác định lại các chuỗi giá trị, góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.
* Sự không thuận lợi về thương mại với Mỹ có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng về nền kinh tế tự chủ Việt Nam đang hướng tới?
– Năm nay, khu vực FDI có thể sẽ không có nhiều thuận lợi dù vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tăng trưởng được kỳ vọng nhiều hơn vào khu vực doanh nghiệp trong nước, vốn là khu vực có thể giúp nền kinh tế tự chủ. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam chỉ thực sự tự chủ nếu có sự thay đổi đột phá về thể chế.
Một nền kinh tế tự chủ trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là phải chủ động được nguồn nguyên vật liệu. Nhưng trên thực tế, việc không đảm bảo được nguyên tắc xuất xứ tại một số thị trường lớn, thị trường truyền thống, đã khiến hàng hóa Việt Nam phải chịu thiệt, ngay cả khi làm ra các sản phẩm nhận được đánh giá tốt về chất lượng và mẫu mã, như gỗ hay dệt may, da giày.
* Như ông nói, Chính phủ Mỹ chỉ để lại dư địa cho đàm phán, không phải cuộc chiến thuế quan đã kết thúc?
– Chính sách thuế quan phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu. Các mức thuế mới của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy một cuộc cạnh tranh mới khi bán hàng vào Mỹ thay vì từ bỏ thị trường này. Đặc biệt, với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vốn có biên lợi nhuận mỏng, như ngành gỗ chiếm 55% thị phần ở thị trường Mỹ, việc áp thêm thuế khoảng 10-20% trở lên gần như sẽ ăn mòn hết lợi nhuận. Thậm chí, việc xuất khẩu sang Mỹ sẽ trở thành không thể với nhiều doanh nghiệp nếu Mỹ tiếp tục điều tra theo Mục 232 – Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 đối với gỗ và sản phẩm gỗ.
* Trong phát triển bền vững có cả đầu tư, thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhưng theo ông, nền kinh tế đang cần một giải pháp toàn diện?
– Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng chưa thể đưa ra một giải pháp toàn diện, mang lại hiệu quả cho tất cả các vấn đề liên quan đến thuế quan, hay thương mại toàn cầu. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả đầu tư và thương mại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động xúc tiến mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa những ưu đãi và cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, vốn là công cụ để xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, lên gần 800
tỷ USD.
Tất nhiên, việc khai thác các FTA chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là tuân thủ các quy định về xuất xứ và gian lận thương mại. Do đó, sự thay đổi thể chế thương mại cần hướng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực tận dụng thị trường lớn, thị trường tiêu chuẩn cao như: Mỹ, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, thị hiếu người dùng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có ít kinh nghiệm xuất khẩu. Chẳng hạn, với ngành gỗ, thay vì ngồi đợi mức thuế mới của Mỹ, cũng như việc Chính phủ đưa ra các thể chế đột phá, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động làm sạch chuỗi cung ứng, đảm bảo không có mượn xuất xứ.
* Cảm ơn ông.
Nếu Mỹ áp mức thuế nhập khẩu cao hơn sau 90 ngày tạm ngừng sẽ tác động lên ba khía cạnh chính của nền kinh tế.
Thứ nhất, sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ, như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử hay đồ gỗ, may mặc và da giày, đều sẽ suy giảm, nhất là khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp chịu mức thuế thấp hơn.
Thứ hai, dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1 sẽ chịu ảnh hưởng nhất định ngay cả khi Mỹ giảm thuế cho Việt Nam xuống 10%.
Thứ ba, tỷ giá USD/VND sẽ chịu thêm sức ép tăng khi Việt Nam tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.
Vân Nguyễn thực hiện