,

Tự cường trên chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh kinh tế và đời sống tiếp tục bị chi phối bởi tính bất định thì định hướng và khát vọng làm chủ chuỗi cung ứng của ngành chế biến gỗ đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Có thêm trợ lực từ công nghệ, số hóa, chuyển đổi xanh… khả năng ngành gỗ tự cường trên chuỗi cung ứng thực sự trong tầm tay.

 

Tinh thần tự cường là khả năng và ý chí vượt khó, luôn cải tiến, nỗ lực chinh phục mọi thách thức, kiên định và sáng tạo trong hành động. Đây là phẩm chất quan trọng của một doanh nhân, một ngành nghề… Nó thể hiện qua sự tự tin, độc lập và khả năng làm chủ cuộc chơi.

Trui rèn từ gian khó

Trong suốt quá trình phát triển hơn 30 năm, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách, từ sự biến động của thị trường quốc tế đến các yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và môi trường. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó đã rèn luyện và khơi dậy tinh thần tự cường, sáng tạo và kiên định của các doanh nhân trong ngành.

Tinh thần đó không chỉ thể hiện qua việc tăng trưởng doanh số, vượt qua các rào cản kỹ thuật và thị trường… mà còn ở việc không ngừng cải tiến sáng tạo, năng động, luôn thích ứng với những biến đổi. Doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và hệ sinh thái các DN phụ trợ không ngừng đầu tư vào công nghệ hiện đại, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tạo ra phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng tài nguyên rừng bền vững.

Ở tầm vĩ mô, không thể phủ nhận các doanh nhân ngành chế biến gỗ là những người tiên phong xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định vị thế của sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam trên trường quốc tế. Không ngừng chinh phục người mua hàng, góp mặt trong các dự án ở phân khúc cao cấp, nhiều DN gỗ và nội thất từng bước tiến đến mục tiêu phân phối trực tiếp; ngày càng tiến sâu vào việc khai thác những giá trị từ thiết kế, phân phối thương mại, thương hiệu bên cạnh giá trị cốt lõi là sản xuất.

Nhìn ở vi mô, ngành chế biến gỗ Việt Nam chứng tỏ khả năng thích ứng cực kỳ tốt với thời cuộc. Trong các mốc suy giảm do ảnh hưởng bởi các “cơn bệnh” của kinh tế toàn cầu, ngành gỗ luôn gượng dậy rất nhanh. Ngay trong khó khăn, các doanh nhân của ngành đã tính toán đến việc đón đầu khi thị trường hồi phục. Khó có ngành sản xuất nào hội tụ được các thế mạnh này.

Cơ hội thoát khỏi mô hình gia công đơn thuần

Tinh thần tự cường không chỉ nằm ở việc đối mặt và vượt qua những khó khăn trước mắt mà còn ở khả năng học hỏi từ những thất bại, biến chúng thành bài học kinh nghiệm để không ngừng phát triển. Lịch sử đã chứng minh tinh thần tự cường là tụ hội của các phẩm chất đáng quý của ngành nội thất Việt Nam. Bao gồm:

Tự tin, chủ động và sáng tạo: Tìm kiếm các giải pháp mới, linh hoạt trong cách tiếp cận, tin vào khả năng vượt khó, chinh phục thử thách trong sân chơi toàn cầu, từng bước khẳng định vị thế.

Kiên cường, học hỏi và thích nghi: Không ngừng nỗ lực, không bỏ cuộc dù gặp phải những trở ngại lớn. Luôn sẵn sàng học hỏi từ thất bại và điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Trách nhiệm: Gắn sự phát triển của mình vào đóng góp chung cho cả nước. Trách nhiệm với thế hệ sau thể hiện qua việc trồng rừng, tích lũy tín chỉ carbon…

Trong bối cảnh riêng một DN, tinh thần tự cường của một doanh nhân là yếu tố then chốt giúp họ lãnh đạo công ty vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội và tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Tinh thần này không chỉ giúp DN vượt qua thử thách mà còn truyền cảm hứng và động lực cho toàn ngành cùng tiến lên phía trước, khẳng định vị thế trên toàn chuỗi cung ứng.

AI/ robot, chuyển đổi xanh là động lực phát triển của kinh tế thế giới. Cùng với đó, tiêu dùng online tăng trưởng vững chắc, cơ hội trên môi trường kinh doanh số chia đều cho tất cả các ngành, các DN. Ngành gỗ cũng sẽ sử dụng các động lực này để tạo lợi thế cạnh tranh, thích ứng với sự chuyển biến không ngừng của thị trường. Nghĩa là chúng ta có được nền tảng lẫn công cụ để thoát khỏi mô hình gia công đơn thuần, tiến đến ODM, từng bước mở rộng thị trường, tham gia bình đẳng vào chuỗi cung ứng, tiến tới làm chủ cuộc chơi.

Sau mỗi cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, xã hội thì hành vi làm việc, sinh hoạt, tiêu dùng thường chịu nhiều tác động và biến đổi. Đây là thời điểm DN cần nâng cao nội lực để thích ứng, bắt kịp xu thế cạnh tranh toàn cầu, gia tăng năng lực cạnh tranh để vươn lên. Nhiệm kỳ mới của HAWA sẽ đặt tinh thần tự cường làm trọng tâm cho các hoạt động. Trong đó, việc gia tăng các giá trị, nâng cao năng suất lao động chính là động lực phát triển, bắt kịp xu thế của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang không ngừng biến đổi trong môi trường nhiều bất định.

Phùng Quốc Mẫn – Chủ tịch HAWA

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác