Từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số

Thị trường Mỹ được kỳ vọng tiếp tục là điểm đến đặc biệt quan trọng của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam. Trước những biến chuyển khó đoán định của thị trường thế giới, trang bị tâm thế chủ động, chuyển hướng từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Những năm qua, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,42 tỷ USD.

Nguy cơ giảm lợi thế cạnh tranh

Trong số những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ luôn đứng vị trí hàng đầu, chiếm quá nửa thị phần xuất khẩu. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Tháng 1/2025, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với 780 triệu USD, chiếm 54,9% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam cũng là nước cung ứng đồ gỗ nội và ngoại thất lớn nhất cho Mỹ.

Thời gian tới, thị trường này được kỳ vọng tiếp tục là điểm đến đặc biệt quan trọng của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên sau lệnh áp thuế 25% với thép và nhôm, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp cũng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ và đồ gỗ nước ta lo lắng.

Hiện nay mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ là 0%. Nếu bị áp thuế, giá cung ứng gỗ và các sản phẩm từ gỗ cung cấp cho thị trường Mỹ sẽ tăng, có thể khiến ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh cũng như suy giảm lợi nhuận.

Tăng cường hợp tác, tham gia đối thoại

Để ứng phó với các khó khăn phía trước đến từ thuế quan của Mỹ, DN và hiệp hội ngành gỗ Việt Nam cần theo dõi sát thông tin áp thuế để điều chỉnh, thích ứng. Việt Nam là nước nhập khẩu nguyên liệu gỗ Mỹ như sồi, tần bì, dẻ gai, óc chó, dương… nhiều thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Vì vậy DN Việt Nam cần tăng cường hợp tác và tham gia đối thoại với các đối tác xuất – nhập khẩu từ Mỹ cũng như các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Việt Nam.

Về lâu dài, để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường với giá cả hợp lý để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro khi phải phụ thuộc vào một khu vực, thị trường nhất định. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bắt nhịp hiệu quả thị hiếu người tiêu dùng Việt để khai thác triệt để sức mua của thị trường trong nước với trên 100 triệu dân và thị trường cộng đồng kinh tế ASEAN trên 500 triệu dân.

DN cũng cần chuyển hướng từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Chuyển đổi số sẽ giúp DN linh hoạt hơn trong việc tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa quy trình bán hàng.

Với vai trò là cơ quan quản lý về xúc tiến thương mại, chúng tôi luôn ủng hộ những sự kiện xúc tiến thương mại hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu, trong đó có  Hội chợ HawaExpo 2025. Đây sẽ là nơi hội tụ những xu hướng mới nhất, cập nhật tình hình ngành xuất khẩu Việt Nam và mang đến cơ hội gặp gỡ các nhà cung cấp hàng đầu trong các lĩnh vực từ nội thất và trang trí, phụ kiện gia đình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho đến đồ nội thất thiết kế độc đáo.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Ngành gỗ có tiềm năng đáng kể trong việc đóng góp vào các mục tiêu phi carbon hóa, phát triển bền vững của quốc gia. Để hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam bắt nhịp được với xu thế này, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hiệp hội và DN trong một số các trọng tâm:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược xúc tiến xuất khẩu nhằm mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 25 tỷ USD năm 2030, ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững dựa trên việc chủ động nguồn cung nguyên liệu, sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Thứ hai, nâng cao năng lực tuân thủ và đạt chứng nhận cho các DN gỗ góp phần tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường, mở rộng cơ hội xuất khẩu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn cũng giúp giảm thiểu rủi ro về pháp lý và thương mại cho DN.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ Việt. Bên cạnh tổ chức hội chợ triển lãm, sẽ mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại chuyên sâu của các Hiệp hội như tổ chức đoàn giao thương nước ngoài, nghiên cứu thị trường tiềm năng, tổ chức các hội nghị quốc tế, đào tạo về thiết kế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển thương hiệu với kiến thức chuyên sâu và kỹ thuật hơn. Ngoài ra, còn các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong ngành từ khâu nguyên liệu, thiết kế đến sản xuất và phân phối.

Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương

P.T ghi

Bài viết liên quan