,

Từ thiết kế đến tự cường

Đầu tư cho công tác thiết kế, sáng tạo từ 2015, sau gần một thập kỷ, Gỗ Minh Long đã có được trong tay những bộ sưu tập để có thể chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều mẫu bị thị trường cạnh tranh nước ngoài sao chép. Theo ông Nguyễn Minh Cương – Tổng giám đốc công ty, hành trình gia tăng hàm lượng sáng tạo là điều kiện hàng đầu để doanh nghiệp có thể tự chủ trên chuỗi cung ứng.

 

Thời trang cho nội thất

Tháng 5/2024, Gỗ Minh Long cho ra mắt bộ sưu tập vân vải Kén trên bề mặt melamine, có khả năng kháng khuẩn an toàn cho sức khỏe người sử dụng với kích thước tùy biến, có thể kịch trần 1,22m x 2,745m; ứng dụng đa dạng làm vách trang trí, cánh tủ quần áo, tủ bếp, làm đồ rời… 50 mẫu thiết kế trong một bộ sưu tập là một nỗ lực không hề nhỏ của một đơn vị cung ứng nguyên liệu cho ngành nội thất.

Ông Nguyễn Minh Cương cho biết, thời gian mới tham gia thị trường, cũng như bao doanh nghiệp (DN) khác, Gỗ Minh Long hoàn toàn không có thiết kế riêng. Tất cả là sao chép từ các bề mặt thịnh hành trên thị trường. “Mãi đến năm 2015, Gỗ Minh Long mới triển khai chiến lược phát triển thiết kế, bắt đầu từ việc sang thị trường châu Âu nghiên cứu, thuê nhân lực và mua mẫu thiết kế mang về. Tiếp đó là kết hợp với đội ngũ sáng tạo nước ngoài cùng tham gia thực hiện, rồi sau nữa mới tự thiết kế”, ông Cương nói.

Sau 2 năm đầu tư, với đội ngũ thiết kế mỹ thuật lẫn kỹ thuật lên đến 13 nhân sự, Minh Long mới có thể cho ra đời bộ sưu tập đầu tiên và nỗ lực duy trì việc phát hành bộ sưu tập mới mỗi năm. Từ những thiết kế học được ở châu Âu, đội ngũ sáng tạo Minh Long đối chiếu góc nhìn văn hóa của người bản địa để cho ra đời thiết kế riêng. Ấn tượng nhất là bộ sưu tập V Số Son lấy cảm hứng từ hai vân gỗ quý là hoàng đàn và cẩm lai, cùng với những màu sắc mang yếu tố bản địa và đời sống tinh thần của người Việt. Đến nay, công ty đã có 9 bộ sưu tập, được thị trường đón nhận. Trong đó, có những thiết kế đến cả thị trường nước ngoài cũng sao chép. “Định hướng ODM là hoạt động thú vị, mang lại giá trị lớn cho DN”, ông Cương nói.

Dành hơn 10 năm để theo đuổi mục tiêu này, người sáng lập gỗ Minh Long cho biết, khác với suy nghĩ phổ biến trong ngành, thiết kế thực tế lại là lợi thế của người Việt vì khả năng sáng tạo, tinh thần tự cường của người trẻ rất cao. Kết hợp nền văn hóa bản địa giàu chất liệu riêng, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục người dùng thế giới. Tuy nhiên, hành trình này khá mất thời gian, bởi một bộ sưu tập từ khi phát hành cho đến khi thực sự được người dùng đón nhận phải mất ít nhất từ 1 đến 3 năm, đòi hỏi DN phải kiên nhẫn.

Sở trường thay sở đoản

Thị trường cung ứng gỗ công nghiệp chủ lực của Minh Long tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Phần còn lại xuất khẩu sang Ấn Độ, Australia, Nhật, Philippines… Theo ông Cương, thị trường nguyên vật liệu ngành gỗ khá đặc thù, phải có thiết kế đặc biệt mới có thể xuất khẩu nguyên vật liệu tinh được. Hướng đầu tư thiết kế mang đến cho công ty cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu nhiều hơn.

Đối chiếu với mô hình phát triển ở các quốc gia xuất khẩu nội thất hàng đầu như Đức, Ý… dễ thấy, họ không chạy theo giá thành mà cạnh tranh bằng thiết kế, tính độc đáo nên dù quy mô là những DN gia đình, nhỏ nhưng chất lượng và hàm lượng phát minh, sáng tạo rất cao. Kết quả, giá thành nội thất của họ rất tốt. “Bên cạnh khả năng chinh phục người dùng thế giới, phương thức ODM giúp DN mang về giá trị thặng dư tốt hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA nhận xét. Theo ông Khanh, giá nhân công hiện đang cao và sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới do những cạnh tranh nhân lực từ phía các ngành khác cũng như lực lượng FDI. Hiện, điều kiện sản xuất lẫn gia công đều trong ngành đã tăng nhanh. Nếu nếu cứ tiếp tục an phận với việc gia công, DN chắc chắn lỗ. Dẫn đến tương lai không xa, đơn hàng sẽ dịch chuyển đến các quốc gia khác.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cương cho rằng, chính sách di dời nhà máy từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang triển khai mạnh. Họ vươn ra nước ngoài để có doanh số tốt hơn và điểm đến là cạnh tranh trực tiếp với DN Việt Nam. Đơn hàng gia công muốn có được lợi nhuận tốt thì cần sản xuất được với số lượng lớn và quy chuẩn cao. Các nhà sản xuất Trung Quốc rất mạnh về điều này. “Cạnh tranh về sản xuất nghĩa là DN Việt Nam đang lấy sở đoản của mình cạnh tranh với sở trường của người khác”, ông Cương nói.

Trong thực tế này, lựa chọn vừa củng cố nền tảng, vừa gia tăng lợi thế sáng tạo và tập trung khai thác yếu tố văn hóa bản địa cốt lõi sẽ phù hợp với ngành chế biến gỗ Việt Nam. Theo ông Cương, trong mảng OEM, ngành cần xác định tinh thần tự cường trên chuỗi cung ứng, chủ động hội tụ các giá trị và xây dựng những DN lớn, có năng suất và tính chuyên môn cao. Song song đó là việc theo đuổi ODM: Tự may đo, thiết kế phục vụ đối tượng khách hàng nhỏ hơn nhưng thị hiếu khác biệt hơn. “Khi tích lũy đủ sáng tạo, công nghiệp thiết kế Việt Nam có thể tạo dấu ấn và chinh phục thị trường thế giới”, ông Cương nói.

Phương Mai

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác