Đặc điểm của DN Việt Nam và chính sách hỗ trợ đào tạo
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi xây dựng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2015) cho thấy 97,6% DN Việt Nam nhỏ và vừa, trong đó 77% DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh; Về kết quả kinh doanh, có đến 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN vừa thua lỗ. Có thể nói DN quy mô càng nhỏ, càng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong đào tạo nhân lực là một việc làm rất cần thiết, đảm bảo DN đủ sức tồn tại và cạnh tranh khi hàng rào bảo hộ thuế quan không còn và chính sách đối xử phải bình đẳng giữa các loại hình DN. Vấn đề hỗ trợ như thế nào cho hàng ngàn, hàng chục ngàn DN đảm bảo hiệu quả, tức là đáp ứng đúng nhu cầu của các DN khác nhau, đồng thời có thể huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm WTO, hiện Tp.HCM có 19 quy định hỗ trợ, ưu đãi cho DN (chưa tính các Chương trình của TW), chia thành 6 nhóm:
- Hỗ trợ về vốn tín dụng
- Hỗ trợ về đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Hỗ trợ về công nghệ, chất lượng
- Hỗ trợ phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm
- Hỗ trợ pháp lý và thủ tục hành chính
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: giao 4 đơn vị thực hiện
- Hiệp hội DN thành phố
- Viện Nghiên cứu phát triển thành phố
- Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư
- Thành Đoàn Tp.HCM
Đánh giá chung các Chương trình hỗ trợ cho thấy:
- So với các tỉnh thành khác, Tp.HCM có khá nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng chưa xuyên suốt theo giai đoạn phát triển của các DN.
- Cơ bản các Chương trình hỗ trợ được giao cho Sở ngành (cơ quan quản lý Nhà nước) chủ trì và triển khai: chủ trương này đảm bảo việc quản lý, nhưng thực tế có sát với nhu cầu của DN không cần phải xem xét kỹ.
- Chưa có sự phối hợp giữa các Chương trình hỗ trợ đảm bảo sự đồng bộ
- Từ đó cần đánh giá lại hiệu quả cuối cùng của các Chương trình hỗ trợ này
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Nhà nước tiếp tục triển khai trực tiếp các Chương trình hỗ trợ có còn phù hợp hay không? Trong khi đó, cần thay đổi cách tiếp cận về xã hội dân sự nói chung theo xu hướng “nhà nước nhỏ, thị trường lớn“. Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm về “Nhà nước kiến tạo cho DN phát triển”.
Cần có cách tiếp cận mới về hỗ trợ DN
Nguyên tắc chung để đảm bảo hiệu quả của các Chương trình hỗ trợ DN là việc triển khai phải được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức nào có thể nắm rõ nhu cầu và thực trạng của DN.
Báo cáo PCI 2015 có đề xuất:“Cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN trong đó cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng là các DNNVV. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tính toán rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ DN và chuyển giao cho các hiệp hội DN và khu vực tư nhân thực hiện chức năng này, Nhà nước nên tập trung vào chức năng hoạch định chính sách và giám sát chất lượng dịch vụ”. Đây là hướng đi mà Tp.HCM đã triển khai thí điểm, cụ thể là chương trình Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Chế biến Gỗ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.HCM thực hiện trong năm 2014-2015.
Chương trình Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Chế Biến Gỗ là một nhánh trong chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu thành phố 2014-2015 do UBND Tp.HCM và Sở Công thương giao cho HAWA là đơn vị triển khai thực hiện. Trong những năm trước đó, hoạt động đào tạo nhân lực đã được HAWA đặc biệt chú trọng và xác định là một trong những vai trò trọng điểm của Hội. Tuy nhiên các chương trình vẫn còn hạn chế về quy mô tổ chức và yếu nguồn lực triển khai. Sau khi tiếp nhận chương trình Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Chế Biến Gỗ, Hội đã phát huy được những thế mạnh và sự chủ động, từng bước nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo.
Để thực hiện chương trình này, bước đầu HAWA đã tiến hành hoạt động khảo sát cung cầu đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo khung cho ngành. HAWA đã chủ động mở rộng kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, tận dụng được nguồn tài trợ của các đối tác trong nước và quốc tế như Tổ chức ILO, GIZ, CBI, VCCI, Bristish Council, dự án PPP… Trong vòng 8 tháng cuối năm 2015, Hội đã triển khai thành công 21 khóa học chuyên sâu cho tổng số lượt học viên là 740 người. Trong đó, 218 học viên thuộc đối tượng quản lý cấp cao, 206 học viên thuộc đối tượng quản lý cấp trung, 176 học viên thuộc đối tượng công nhân kỹ thuật và 140 học viên thuộc đối tượng thiết kế.
Các chương trình đào tạo do HAWA thực hiện được DN đánh giá cao, đáp ứng đúng nhu cầu của DN, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành. Tại buổi tổng kết dự án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ do HAWA tổ chức vào ngày 7-4-2016, Ông Nguyễn Trọng Hiếu – Giám đốc Công ty Cổ Phần Nội thất Gamma cho biết: “Tham gia các khóa học của HAWA, DN được hướng dẫn rất cụ thể, nội dung đào tạo sát với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, kiến thức dễ áp dụng, hiệu qủa có thể nhận thấy được ngay”. Ông cho biết thêm “Xã hội hóa đào tạo là một chủ trương đúng đắn. Nhà nước bỏ 1 đồng, DN bỏ 1 đồng. Nếu chương trình không đem lại lợi ích thì DN sẽ không bỏ tiền để đầu tư”.
Thành công của chương trình sẽ là một ví dụ điển hình để có thể nhân rộng mô hình hỗ trợ của nhà nước sang các hiệp hội khác. Bên cạnh đó, không chỉ trong đào tạo mà có thể mở rộng ra những lĩnh vực khác như xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu,…
Một số nguyên tắc cần chú trọng khi thực hiện xã hội hóa hỗ trợ DN:
- Về tổ chức thực hiện: Nhà nước không nên trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ, mà xây dựng khung khổ chung về phương thức quản lý, từ đó chuyển giao cho các tổ chức xã hội đứng ra thực hiện. Hội/Hiệp hội là các đơn vị thích hợp để tiếp nhận và triển khai hoạt động hỗ trợ này cho DN trong ngành. Về lâu dài, nên theo cơ chế đấu thầu, theo các tiêu chí công khai, nhằm huy động các tổ chức khác, nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa cho các Chương trình hỗ trợ. Các đơn vị, Trung tâm có chức năng đào tạo khác đều có khả năng nhận và thực hiện Chương trình để nâng tính cạnh tranh.
- Về kinh phí: Nhà nước không bao cấp, mà có sự đóng góp của DN. Tuy nhiên, cần xem xét lại tỷ lệ huy động phù hợp cho từng chương trình, không nên máy móc tỷ lệ 50/50 như hiện nay.
- Hoạt động giám sát: Nhà nước cần giám sát hiệu quả xuyên suốt của các chương trình được xã hội hóa. Nguyên tắc giao mức kinh phí gắn với khối lượng nội dung chương trình.Việc các cơ quan nhà nước tham gia trong việc tổ chức Chương trình ở mức độ nào cần phải xem xét để đảm bảo tính tự chủ của các đơn vị được giao. Về cơ bản, việc quản lý giám sát của Nhà nước chỉ ở những khâu then chốt.
- Cuối cùng cần có phương pháp đánh giá hiệu quả Chương trình hỗ trợ theo kết quả đầu ra, tức là hiệu quả của các doanh nghiệp được thụ hưởng Chương trình.
Phạm Bình An
Giám đốc Trung tâm WTO