Để có thể vươn ra thị trường quốc tế, trực tiếp tiếp cận người dùng, doanh nghiệp nội thất Việt Nam cần có cách thức tổ chức hoạt động logistics hiệu quả và phù hợp nhất, trong đó, ứng dụng công nghệ là nền tảng quan trọng.
Sự trỗi dậy của những mô hình kinh doanh mới
Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động lớn trong ngành logistics toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và hoạt động của doanh nghiệp (DN), trong đó có DN Việt Nam. Từ khủng hoảng Biển Đỏ, đình công tại các cảng ở Mỹ, đến các yếu tố thiên tai bất ngờ đã tạo ra những thách thức lớn, đòi hỏi DN phải linh hoạt ứng phó.
Những sự cố này dẫn đến gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa, kéo dài thời gian giao hàng, đặc biệt là trên các tuyến vận chuyển qua Biển Đỏ. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển đường biển cũng tăng mạnh, với mức tăng trung bình 133,3% so với năm 2023, gây áp lực lớn lên hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Những biến động của ngành logistics cũng đã ảnh hưởng không ít đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong bối cảnh đó, đã có những DN mạnh dạn chuyển hướng sang các mô hình kinh doanh mới như B2C (Business-to-Consumer), D2C (Direct-to-Consumer) và thương mại điện tử (TMĐT). Đây là những xu hướng tất yếu trong ngành hàng tiêu dùng, giúp DN tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng cuối và khai thác tối đa giá trị trên chuỗi cung ứng. Với tinh thần tự cường và khả năng thích ứng cao, DN nội thất Việt Nam đã nghiên cứu và có những bước chân đầu tiên trên hành trình này.
Để phục vụ cho mục tiêu ấy, DN cần chú trọng đến việc tổ chức logistics một cách chủ động và hiệu quả. Bởi, mô hình B2C, D2C hay TMĐT đều đòi hỏi dịch vụ logistics phải nhanh (có khi chỉ trong vòng 48 giờ), chính xác và hiệu quả. Những giá trị ấy đòi hỏi DN phải có thỏa mãn đầu tiên là bố trí hệ thống kho hợp lý. Cần ưu tiên các vị trí kết nối giao thông thuận tiện, gần thị trường tiêu thụ chính. Đồng thời, có thể chuyển đổi từ mô hình trung tâm phân phối vùng sang mạng lưới kho nhỏ hơn tại từng khu vực để rút ngắn thời gian giao hàng.
DN cần đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông suốt từ khâu tiếp nhận đơn hàng đến giao hàng, đảm bảo theo dõi đơn hàng và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Quan trọng nhất là lựa chọn đối tác logistics có năng lực cung cấp dịch vụ trọn gói từ đầu chuỗi đến khâu giao hàng, đồng thời có phương án dự phòng cho các tình huống phát sinh.
Vai trò của fulfillment và giao hàng chặng cuối
Chiếm hơn 55% tỉ trọng xuất khẩu nội thất của Việt Nam, Mỹ luôn là mục tiêu quan trọng của DN chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi DN phải có chiến lược tiếp cận phù hợp, nếu muốn trực tiếp tiếp cận người dùng cuối.
Nhờ hệ thống hạ tầng kinh tế tốt, thị trường Mỹ có khá nhiều giải pháp giúp DN tối ưu hóa vận chuyển và logistics. Đơn cử như việc kết nối với các sàn TMĐT lớn là Amazon, Wayfar… tận dụng hệ thống logistics của các sàn này để xử lý đơn hàng. Thị trường nội – ngoại thất trên các kênh TMĐT tại Mỹ đang tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt 177 tỷ USD vào năm 2029. Amazon hiện chiếm hơn 40% thị phần TMĐT ở Bắc Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt.
Bên cạnh các sàn TMĐT, việc hợp tác với các nhà bán lẻ nội thất, gửi hàng vào hệ thống của họ hoặc chủ động bán hàng qua các kênh mà DN tìm kiếm được cũng là giải pháp. Trong trường hợp này, DN cần chủ động thu xếp các hoạt động logistics để đưa hàng đến khách hàng. Hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển trọn gói từ Việt Nam sang Mỹ cũng là một lựa chọn.
Đặc biệt, DN có thể tìm kiếm các đơn vị fulfillment và giao hàng chặng cuối tại Mỹ. Việc hợp tác với các đối tác này để hỗ trợ hoạt động logistics, giúp DN có điều kiện đảm bảo tốt cho quá trình phục vụ khách hàng bản địa. Cũng cần lưu ý, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, DN nên tìm kiếm đối tác thông qua các DN logistics đa quốc gia, có trụ sở tại Việt Nam hoặc các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam.
Hiện, DN logistics Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn cầu. Phần lớn, họ có xu hướng tập trung vào các tuyến kết nối với Trung Quốc và châu Á. Trong khi đó, các DN đa quốc gia từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc như DHL, Schenker, DSV… lại có mạng lưới kết nối tốt hơn đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Tuy nhiên, DN không nên quá xem xét về xuất xứ của đối tác logistics. Điều quan trọng nhất là năng lực của họ có đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng của DN hay không, và thế mạnh của họ có phù hợp với thị trường đang hướng đến hay không. Bởi đích đến cuối cùng của bất cứ DN nào cũng là phát triển hoạt động logistics một cách hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và vươn xa trên thị trường quốc tế.
Phạm Thị Lan Hương – Trưởng ban Logistics
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
M.H ghi