,

Xây dựng trung tâm phân phối tại thị trường trọng điểm

Với năng lực hiện có, thúc đẩy tăng trưởng ngành nội thất Việt Nam không đơn thuần là nhìn trên giá trị sản xuất mà cần mở rộng ở thặng dư cao hơn. Việc hình thành trung tâm phân phối ở các thị trường trọng điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) chinh phục mục tiêu này.

 

Sau gần 30 năm phát triển, khi giới thiệu Việt Nam là quốc gia ở top 5 trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới, các chuyên gia trong ngành nội thất thế giới đã không còn bất ngờ. Bởi, vị thế đó đã được xác lập và giữ vững nhiều năm. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn, họ lại khá bất ngờ trước nội hàm thiếu tính cân bằng của ngành.

Đi tìm sự cân bằng

Nội lực DN nội thất Việt Nam không hề nhỏ. Cụ thể: số lượng lên đến 14.000 DN; tốc độ tăng trưởng trong vòng 5 năm gần đây là 14,67%; khả năng xuất khẩu đến hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ; gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu… Quan trọng nhất, ngành đã thâm nhập được các phân khúc “luxury”, cung ứng nội thất cao cấp; cung ứng công trình nội thất cho các du thuyền, nhà hàng, khách sạn 5 – 6 sao tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Sản phẩm nội thất Việt Nam chất lượng rất tốt, độ tinh xảo cao. Không chỉ “có mặt”, ngành còn xuất khẩu cả không gian nội thất – nghĩa là cung ứng cả khâu thiết kế nội thất cho các công trình cao cấp bậc nhất thế giới. Nhưng, nhiều năm qua, phần lớn DN vẫn mạnh về gia công hơn tất cả các giá trị khác trên chuỗi cung ứng. Rất nhiều DN không ngừng tìm kiếm giải pháp tiếp cận người dùng cuối và thâm nhập trực tiếp vào chuỗi cung ứng nội thất ở các thị trường quốc tế nhưng vẫn không thực sự thành công.

Ví dụ ở thị trường Mỹ. Không ít DN nội thất Việt Nam đã cố gắng thâm nhập thị trường này để có thể xuất khẩu trực tiếp nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân là khi bắt tay vào phân phối tại đây, DN đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như vấn đề pháp lý. Theo luật pháp Mỹ, DN buộc phải thành lập DN tại đây để có thể chịu trách nhiệm nếu muốn bán hàng. Tiếp đó là vấn đề kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự… Đặc biệt nhất là văn hóa hàng trả hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam. Việc hoàn thiện bộ máy, quy trình kinh doanh ở Mỹ đòi hỏi thời gian dài, rủi ro pháp lý cao nên chi phí đầu tư nhiều. Trước những rào cản kể trên, “giấc mơ” phân phối trực tiếp ra thị trường thế giới phải gác lại.

Giải pháp phân phối chung

Năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra trên diện rộng. Những khó khăn khách quan đã khiến tình hình kinh tế thế giới suy giảm, kéo theo sự sụt giảm của thị trường nội thất. Trong những đơn xin bảo hộ phá sản của các DN nội thất Mỹ gần đây, có không ít đối tác của DN chế biến gỗ Việt Nam. Thiệt hại với các DN trong ngành sẽ không nhỏ. Nếu có trung tâm kinh doanh – logistics xuất khẩu đặt tại các thị trường chủ lực giúp DN chủ động tiếp cận khách hàng thay vì “ngồi nhà” chờ đơn hàng.

Mô hình này là sự kết hợp giữa các mô hình kinh tế hiện đại: Business Center + Fulfillment Center + Services Center. Tựa như một văn phòng đại diện, các DN hội tụ trong mô hình này có thể chính thống về mặt pháp lý trong việc kinh doanh ở thị trường sở tại; có không gian để tiếp cận khách hàng, nhận các thông tin liên lạc đến từ nhân viên chính thức bằng tên của DN, dịch vụ thư ký theo yêu cầu… Trung tâm này được xây dựng cốt lõi trên giá trị là hệ thống kho bãi giúp DN có thể trữ hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công tác giao nhận, phản hồi, chăm sóc khách hàng… Ngoài ra, trung tâm còn có thể triển khai các dịch vụ khác như giúp DN nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, showroom tiếp khách, tiếp cận khách hàng, marketing…

Mô hình này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu online của DN. Bên cạnh người dùng cuối, nhiều nhà nhập khẩu tìm mua hàng container trên các nền tảng Amazon, Wayfair, Alibaba,… nhưng với nhu cầu về số lượng nhỏ hơn so với đặt hàng gia công hàng loạt. Nếu có kho hàng ở nước sở tại, DN có thể đáp ứng nhu cầu này với thời gian nhanh nhất.

Mô hình này cũng tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu dự án. Nhờ sự phát triển của công nghệ, chính xác và trực quan trong các thiết kế hiện nay rất cao. Thêm quy trình sản xuất được số hóa, sản xuất ứng dụng CNC… DN hoàn toàn có thể xuất khẩu dự án thông qua trung tâm kinh doanh – logistics xuất khẩu. Chỉ cần đội thi công lắp ráp hoàn thiện, DN sẽ có điều kiện thực hiện các dự án nhỏ và vừa tại các nước phát triển như shop café, nhà hàng, khách sạn, trường học…

Xuất khẩu dự án có khả năng mang lại giá trị gia tăng cao, nhu cầu những dự án nhỏ kể trên thì nhiều. Các nhà máy có thể phát triển kênh này thông qua các nhà thầu, nhà thiết kế địa phương. Đây cũng là cơ hội cho các start-up trẻ, năng động và sáng tạo.

Trong năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ tăng 7%, đạt gần 9,7 tỷ USD, trong khi xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc giảm 7%, xuống còn khoảng 8,5 tỷ USD. Cơ hội dành cho DN Việt Nam ở thị trường này là rất lớn. Xa hơn, nếu thành công ở Mỹ, mô hình này sẽ dễ dàng triển khai ở các thị trường trọng điểm khác.

Với khối lượng công việc và quy mô, một DN đầu tư để triển khai được mô hình này sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các DN xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc nêu trên. Chi phí vận hành cũng giảm đi rất nhiều, tính chuyên nghiệp cũng sẽ được nâng cao. HAWA đang nghiên cứu và sẽ khởi xướng, tìm kiếm các DN có chung tầm nhìn và khát vọng để triển khai ý tưởng này. Hy vọng con đường mới có thể hiện thực hóa “giấc mơ” cũ của các DN nội thất Việt Nam.

Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác