,

Xuất khẩu hàng nội thất sang Hoa Kỳ: Việt Nam trở lại vị trí số 1

Một năm sau cuộc rượt đuổi sít sao giữa Trung Quốc và Việt Nam về vị trí nhà xuất khẩu đồ nội thất sang Hoa Kỳ, Việt Nam đã giành lại vị trí đứng đầu, đồng thời nới rộng khoảng cách với quốc gia này.

Việt Nam chứng kiến xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 7%, đạt gần 9,7 tỷ USD vào năm 2022, trong khi hoạt động kinh doanh của Trung Quốc giảm 7%, xuống còn khoảng 8,5 tỷ USD, khiến thị phần trên toàn bộ thị trường của họ giảm xuống còn 28%. Vào năm 2021, Trung Quốc và Việt Nam mỗi nước chiếm 31% thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chỉ cách nhau 17,5 triệu USD.

Thế mạnh của sự đa dạng

Chính sự kết hợp đa dạng các hạng mục hàng hóa đã đưa Việt Nam lên vị trí số 1. Không như năm 2021, khi tất cả các hạng mục hàng hóa đều tăng trưởng để mang lại cho Việt Nam được mức tăng 23% trong hoạt động kinh doanh, mức tăng 7% của năm 2022 chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của đồ nội thất bằng gỗ tạp, nội thất phòng ngủ bằng gỗ và giường gỗ, trái ngược với sự sụt giảm của nội thất bọc nệm, bao gồm ghế và ghế nệm khung gỗ.

Trung Quốc đã sụt giảm hai con số ở ba trên năm hạng mục hàng đầu của họ trong năm 2022 là ghế, ghế nệm khung gỗ, đồ nội thất bằng gỗ tạp, dù đã tăng trưởng ở mức nhỏ hơn với ngành hàng đứng đầu mới, ghế ngồi ngoài trời bằng kim loại có đệm bọc vải và ghế nệm khung kim loại.

Jade Russell, giám đốc điều hành của công ty thiết kế nội thất Design Environments có trụ sở tại Marietta, Georgia, Hoa Kỳ, và là chuyên gia tìm nguồn cung ứng toàn cầu, cho biết bà không ngạc nhiên khi Việt Nam giành lại vị trí là nhà nhập khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ hay việc Trung Quốc đã mất đi một vị thế nào đó. Bà nhận xét: “Năng lực sản xuất của cả Việt Nam và Trung Quốc vẫn rất lớn… và Trung Quốc sẽ không “biến mất”, nhưng các mức thuế hiện tại đã khiến Trung Quốc khó bắt kịp tốc độ hơn, đặc biệt là khi một số chủ doanh nghiệp nội thất Trung Quốc đã mua các nhà máy tại Việt Nam”. Theo Jade Russell, sự hoán đổi vị trí hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên và nó có thể tiếp diễn.

Siết chặt khoảng cách

Để phù hợp với kịch bản ôn hòa hơn vào năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu nội thất của thế giới đã tăng 7%, lập mốc 31 tỷ USD so với hơn 29 tỷ USD trong năm 2021. Nhìn lại vài năm qua, Hoa Kỳ như trải qua một chuyến tàu lượn siêu tốc trên thị trường nhập khẩu, với mức tăng trưởng âm trong năm 2019 và 2020, sau đó là mức tăng 28% vào năm 2021 và hiện là mức tăng khiêm tốn của năm 2022.

Ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia khác thuộc Top 10 quốc gia xuất khẩu đồ nội thất gia dụng vào Hoa Kỳ nhiều nhất trong năm 2022 đều tăng trưởng. Và bỏ qua mức tăng 7% của Việt Nam, tất cả các quốc gia khác đều đạt mức tăng trưởng hai con số, dù không mạnh bằng năm 2021. Ví dụ: Mexico, vẫn giữ vị trí là nguồn cung cấp đứng thứ ba của Hoa Kỳ, đã tăng 20% lên khoảng 2,3 tỷ USD, nhưng con số đó không thể sánh với mức tăng 61% trong cùng kỳ của năm 2021. Tuy nhiên, Mexico đã củng cố được vị trí thứ ba của mình, nới rộng khoảng cách với Malaysia.

Dẫn đầu các hạng mục sản phẩm nhập khẩu chính vào Hoa Kỳ của Mexico là ghế nệm khung gỗ, tăng 31%, thế chỗ cho đồ nội thất bằng gỗ tạp. Tuy nhiên, mức tăng lớn nhất là bước nhảy vọt 50% của đồ nội thất nhà bếp bằng gỗ, tăng 100 triệu USD lên 304,4 triệu USD. Bà Russell lưu ý rằng các nhà cung cấp đã chuyển sang Mexico khi giá container tăng vọt và nhận thấy đây là một giải pháp thay thế thuận tiện để đối phó với chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Khi giá cước container đã giảm, cơ sở hạ tầng vẫn còn ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á, sự phụ thuộc vào Mexico có thể thay đổi, Russell nói.

Bốn quốc gia, gồm Malaysia, Canada, Indonesia và Ý đã siết chặt khoảng cách thứ hạng, bất kỳ quốc gia nào trong số này đều có khả năng giành vị trí thứ tư vào cuối năm 2023 nếu căn cứ vào số liệu của năm 2022.

Mức tăng trưởng 10% của Malaysia là mức nhỏ nhất trong số bốn quốc gia, mang lại cho nước này gần 1,571 tỷ USD, vừa đủ để xếp trên Canada, quốc gia đã xuất khẩu 1,546 tỷ USD sản phẩm đến Hoa Kỳ, tăng 18% so với năm 2021. Với mức tăng trưởng lần lượt là 20% và 24%, Indonesia và Ý cũng tham gia cuộc chạy đua. Khoảng cách giữa vị trí thứ tư và vị trí thứ 7 hiện chỉ là 181,2 triệu USD.

Với Indonesia, Chuck Foster, giám đốc điều hành kiêm chủ sở hữu American Woodcrafters, đã kinh doanh ở quốc gia này hơn 15 năm cho biết, điểm hấp dẫn đối với Indonesia là khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ mahogany, gỗ keo, gỗ cao su, gỗ thông trồng trong đồn điền và gỗ tếch. Về tiềm năng tăng trưởng, môi trường kinh doanh hiện tại đang ngăn cản các nhà sản xuất của Indonesia đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, “giá cả, quy mô và trình độ kỹ năng ở đó thực sự phù hợp với nhu cầu của chúng tôi”, ông nói.

Cả Russell và Foster đều đồng ý rằng địa điểm kinh doanh ngày nay đã trở nên linh hoạt hơn, sau đại dịch và những thách thức mà nó gây ra, cùng với trọng tâm hiện tại là quản lý chi phí lao động. Mặc dù là một đối thủ nhỏ hơn nhiều trên thị trường nhập khẩu của Hoa Kỳ, nhưng Thái Lan cũng đã chứng kiến con số tăng trưởng 29%, lên gần 593 triệu USD, sau mức tăng 55% vào năm 2021. Ấn Độ và Ba Lan, lần lượt xếp thứ 8 và 10, xuất khẩu của mỗi nước sang Hoa Kỳ tăng thêm 10% vào năm 2022, mặc dù không bằng mức 58% của Ấn Độ và 46% của Ba Lan vào năm 2021.

HIỆP CA (Theo Furniture Today)

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác