,

3D của tương lai kinh tế thế giới

Ba chữ D (viết tắt của deglobalization, decarbonization và demographics) trong khái niệm 3D Reset mà các chuyên gia tài chính tại Schroders tin rằng đã, đang và sẽ tiếp tục tác động to lớn với nền kinh tế toàn cầu. Khi kết hợp với nhau, 3 chữ D ấy cũng đang định hình lại bối cảnh đầu tư.

 

Deglobalization  – Phi toàn cầu hóa

Một quá trình toàn cầu hóa kéo dài nhiều thập niên đang đi đến hồi kết khi thế giới ngày càng ủng hộ chính sách bảo hộ, ưu tiên các cơ hội gần nhà hơn. Xu hướng này thể hiện sự quay lưng với mô hình toàn cầu hóa của chuỗi cung ứng mở rộng vốn định hình nền thương mại quốc tế suốt vài thập niên qua.

Covid-19 và các lệnh phong tỏa sau đó vào năm 2020 đã phơi bày những điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là những chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào Trung Quốc và hàng nhập khẩu của quốc gia này.

Việc tổ chức lại chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi năng lượng và chi tiêu nhiều hơn cho quân sự sẽ gây tốn kém. Đồng thời, chuỗi cung ứng giảm hiệu quả cũng sẽ làm tăng chi phí. Do đó, lạm phát và lãi suất có khả năng sẽ cao hơn về mặt cấu trúc, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn.

Mô hình toàn cầu hóa hiện tại của chuỗi cung ứng mở rộng đang ngày càng bị nghi ngờ. Các công ty đa quốc gia đang cân nhắc chuyển sản xuất về quê nhà, gần quê nhà và/hoặc đồng minh với quê nhà, do lo ngại về khả năng phục hồi và độ tin cậy của chuỗi cung ứng. Do đó, những lợi ích dễ dàng (tiền lãi nhờ toàn cầu hóa) có thể kết thúc khi an ninh nguồn cung ngày càng trở nên quan trọng.

Đại dịch làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc khi tình trạng tắc nghẽn lan rộng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc làm tăng thêm lạm phát. Xung đột Nga – Ukraine đã phơi bày những sự phụ thuộc tương tự, nhất là liên quan đến lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp ở châu Âu. Các quốc gia muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và củng cố mong muốn đạt được tiến bộ thực sự trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Decarbonization – Giảm phát thải carbon

Khi thế giới đẩy nhanh hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn.

Các quốc gia có khả năng sẽ đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon trong lĩnh vực sản xuất điện vì mục tiêu giảm hơn 40% khí thải trong 7 năm tới là một bước đi quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu về net-zero vào năm 2050. Việc chuyển sang net-zero đại diện cho một xu hướng cấu trúc mới, rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, vì nó đòi hỏi một sự thay đổi triệt để trong hệ thống năng lượng và các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế.

Phản ứng với biến đổi khí hậu đã tăng tốc trong những năm gần đây, nhưng sẽ còn nhiều thay đổi nữa khi các nền kinh tế phải đối mặt với thiệt hại vật chất lớn hơn do nhiệt độ tăng cao.

Các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang sử dụng luật pháp, trợ cấp và thuế để thúc đẩy thay đổi, với động lực ngày càng tăng hướng tới việc định giá carbon.

Tình hình căng thẳng địa chính trị gần đây đã thúc đẩy các quốc gia chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và tăng cường mong muốn hành động để chuyển đổi năng lượng.

Các khoáng sản quan trọng như coban, niken và than chì rất cần thiết cho công nghệ năng lượng sạch. Nhưng số lượng có hạn của các vật liệu này và sự cạnh tranh để giành quyền kiểm soát chúng sẽ làm phức tạp thêm quá trình chuyển đổi năng lượng và có khả năng thúc đẩy lạm phát nhiên liệu hoặc lạm phát xanh.

Đổi mới công nghệ sẽ là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu về dài hạn. Động thái giảm phát thải carbon sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào công nghệ xanh và cơ sở hạ tầng cần thiết trong thập niên tới.

Việc tái cấu trúc nền kinh tế xung quanh năng lượng tái tạo có thể sẽ phải trả giá. Nó có thể ảnh hưởng đến năng suất vì việc tăng giá carbon sẽ làm giảm sản lượng và làm giảm tổng sản lượng kinh tế. Đó là lý do tại sao hành động chống lại biến đổi khí hậu nhanh chóng được dự đoán sẽ là một yếu tố gây ra lạm phát kèm suy thoái, kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng tốc.

Demographics – Nhân khẩu học

Chúng ta đang chứng kiến dân số ở nhiều nền kinh tế tiên tiến trên thế giới già đi. Khi thế hệ baby boomer (có năm sinh từ 1946 đến 1964 ) sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhiều nền kinh tế không còn đủ người trẻ đến tuổi trưởng thành để thay thế họ. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi đại dịch khiến nhiều người rời bỏ lực lượng lao động kể từ năm 2020 do nghỉ hưu sớm hoặc ốm đau kéo dài. Sự thiếu hụt lao động này có thể tác động đáng kể đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong môi trường này, doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều hơn cho các công nghệ tăng năng suất như robot, tự động hóa và AI.

Dự đoán tăng trưởng dân số toàn cầu sẽ giảm, số lượng lao động sẽ giảm theo. Doanh nghiệp có thể cần phải trả nhiều tiền hơn để thu hút người tài, làm trầm trọng thêm lạm phát. Người lao động sẽ yêu cầu tăng lương để bù chi phí sinh hoạt tăng cao. Doanh nghiệp sẽ không thể dễ dàng bù đắp những chi phí này bằng cách chuyển ra nước ngoài và di cư, vì những lựa chọn này đã trở nên kém hấp dẫn hoặc kém khả thi về mặt chính trị.

Trần An (Nguồn: schroders.com)

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác