Sau 6 tháng chuẩn bị, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã chính thức ra mắt khóa học Kỹ thuật chế biến gỗ trong chương trình đào tạo mộc dân dụng vào sáng ngày 05/11. Đây là lân đầu tiên, HAWA thực hiện mô hình kết hợp giữa ba bên: Hiệp hội – Trường học – Doanh nghiệp (DN) để đào tạo nhân sự cho ngành.
Đơn đặt hàng từ doanh nghiệp
Theo kết quả cuộc khảo sát “Phản hồi về chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu tuyển dụng của DN” do Liên đoàn giới chủ Na Uy phối hợp với VCCI và HAWA thực hiện tại các DN chế biến gỗ điển hình vào tháng 09/2016, có đến 76% đọi ngũ nhân lực đang làm việc tại DN hiện tại chưa đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần yêu cầu công việc. Tỷ lệ này tập trung ở ba đối tượng chính: đội ngũ kỹ thuật viên chiếm 48%, quản lý chiếm 30% và thiết kế chím 18%. Theo chia sẻ của nhiều hội viên HAWA, hiện việc tìm kiếm nhân sự có chuyên môn và có kỹ năng tốt cực kỳ khó khăn. Một số DN phải mất khá nhiều thời gian và tiền bạc cho công tác tuyển dụng.
Thêm vào đó, tại Việt Nam, các chương trình đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho ngành chế biến gỗ chỉ tập trung tại một số trường, trung tâm dạy nghề, chưa đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của ngành. Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Dũng, Trung tâm Tin học và Thống kê – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn ngành chỉ có lao động của các DN chế biến gỗ có quy mô vừa và lớn được đào tạo về kiến thức chuyên môn cả kỹ năng về quản lý để thích ứng với yêu cầu sản xuất và áp lực cạnh tranh. Đáng tiếc, số DN này chỉ chiếm khoảng 7% toàn nghành. Lao động của các cơ sở chế biến nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 93%, hầu như không được đào tạo bài bản nên khả năng làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất không cao và năng suất thấp. “Sản lượng bình quân của một lao động chế biến gỗ Việt Nam hiện nay vào khoảng 20.000 USD/năm”, ông Dũng đánh giá.
Giải bài toán nhân sự
Những năm gần đây, với vai trò là cộng đồng chung của các DN trong ngành, HAWA đã ưu tiên chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các hoạt động này cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía UBND TP.HCM thông qua dự án “Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ năm 2015-2016” và các dự án hỗ trợ khác từ các tổ chức trong và ngoài nước. Đáng tiếc, theo đánh giá tổng kết, việc thực hiện chỉ ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hội viên nói riêng và của ngành nói chung.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực HAWA cho biết, đó chính là lý do và động lực để HAWA phải nỗ lực hơn nữa tỏng việc phát triển mảng đào tạo nhân lực. Và, khóa học Kỹ thuật chế biến gỗ, khai giảng sáng ngày 05/11 là một trong những nỗ lực đó. Đây là chương trình đào tạo chính quy về ngành do HAWA phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM và Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) tổ chức. Có thể nói, khóa học là một thử nghiệm đàu tiên của HAWA trong mô hình kết hợp giữa Nhà trường – Hiệp hội – Doanh nghiệp nhằm rút ngắn dần khoảng cách giữa đào tạo với thực tiễn. “Đây cũng là một khóa mang ý nghĩa rất quan trọng đối với HAWA, đánh dấu những bước đi chủ động của Hội trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho ngành, cung cấp nguồn nhân lực cho những vị trí chuyên môn đang thiếu hụt tại DN và tiền đề để cho sự ra đời trung tâm đào tạo HAWA sau này”, ông Hạnh nói.
Trong quá trình triển khai khóa học, bên cạnh sự nỗ lực từ phía các bên tham gia là sự đồng hành và hỗ trợ của các DN hội viên HAWA: Công ty TNHH TM Vĩ Đại, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu, Công ty CP Lâm Việt, Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Tường Văn để cùng góp sức mang lại một chương trình đào tạo chất lượng và tiếp tục phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.