,

Đơn hàng sẽ sớm trở lại

Pháp Hạnh thực hiện

Đây là nhận định của ông Điền Quang Hiệp, Phó chủ tịch Viforest, nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, nguyên ủy viên BCH HAWA trước tình trạng đơn hàng giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp không còn tăng ca hay sản xuất vào các ngày cuối tuần. Theo ông Hiệp, doanh nghiệp không nên bi quan bởi đây chỉ là hiện trạng mang tính tạm thời.

* Sau một năm tăng trưởng đẹp mắt, bất chấp đại dịch và những ngăn trở của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, tình hình chế biến gỗ Việt Nam đang rất khác. Khảo sát sơ bộ cho thấy đơn hàng giảm khoảng 30%. Ông đánh giá thế nào về con số này?

– Năm 2020 – 2021, nhu cầu nội thất tăng do xu hướng cải tạo nhà cửa, làm việc tại nhà ứng phó đại dịch… dẫn đến việc đặt hàng cũng tăng cao. Doanh nghiệp (DN) gỗ giai đoạn đầu đại dịch cũng điêu đứng như những ngành khác nhưng lập tức được “hồi tỉnh” nhờ đơn hàng đổ về và nhờ công tác chống dịch hiệu quả. Từ đó, trở thành nguồn cung dẫn đầu của nội thất thế giới.

Năm 2021, dù dịch bệnh có biến chuyển, giãn cách xã hội diện rộng, đòi hỏi phải vận hành tiêu chí “3 tại chỗ” nhưng ngành nội thất Việt Nam vẫn sản xuất được, đáp ứng đơn hàng của thế giới. Đó là thời điểm DN nhập khẩu ồ ạt bù cho khoản thiếu hụt chuỗi cung trước đó. Đáng tiếc, cuối 2021, giá container tăng cao, chuỗi cung ứng rối loạn, dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tồn kho trong khi DN phân phối không có hàng để bán, người mua thì chờ đợi mỏi mệt.

Đến đầu năm 2022, khi những xáo trộn do Covid-19 dần ổn định, mọi ngăn trở được giải phóng, những đơn hàng tồn đọng được giải quyết. Vì đã đặt hàng trước đó khá nhiều, nay mới nhận được hàng, lấp đầy kho nên việc các nhà phân phối, các nhãn hàng tạm thời không đặt hàng nữa là điều dễ hiểu. Do vậy, việc thiếu hụt đơn hàng dẫn đến giảm năng lực sản xuất như hiện nay không mang tính bi quan mà ngược lại. 

* Tính tích cực, cụ thể nên hiểu thế nào, thưa ông?

– Khái niệm VUCA – bất định, khó đoán của thế giới đã trở nên quen thuộc trong những năm qua. Như việc năm 2019, ngành gỗ đang phát triển mạnh thì dịch bệnh. Khi mà từ người dân, DN đến chính phủ các quốc gia nỗ lực đối phó, thích ứng với biến chủng để sống và sản xuất trong tình trạng “bình thường mới” thì đầu 2022 xung đột Nga – Ukraine lại nổ ra, gây lạm phát lan rộng. Nghĩa là khó chồng khó cho nền kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc càng lúc càng lớn, có thể tạo nên những vấn đề mới trong thời gian tới. Điểm lại quá khứ để thấy rằng tương lai sẽ có nhiều biến động. Mặc dù chúng ta không thể biết chính xác đó là gì nhưng có một điều chắc chắn. Đó là sự bất ổn.

Tâm lý kinh doanh bất ổn, DN không dám vay để mua thêm hàng bởi lãi suất ngân hàng đang tăng để kìm chế lạm phát. Trong tình hình như thế, DN không dám mở rộng đầu tư, hạn chế đơn đặt hàng cũng là điều đương nhiên. Ngành gỗ có thể thiếu đơn hàng giai đoạn hiện tại nhưng DN không nên quá lo lắng. Theo quan sát cá nhân tôi ở thị trường nội thất Mỹ chẳng hạn, hàng tồn kho nhiều nhưng cũng có nhiều mặt hàng người mua cần mà không có.

* Liệu đây có phải là câu chuyện lâu dài trong vài năm tới?

– Dù đã lấp đầy kho bằng các đơn hàng cũ nhưng thị trường có khả năng hấp thụ  thì khách vẫn đặt hàng. Dù có nhiều biến động nhưng cơ bản tình hình thị trường thế giới vẫn khá tốt. Chẳng hạn, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ vào khoảng 3,6%. Lạm phát hiện nay do hậu quả cạnh tranh địa chính trị hơn là do bản chất kinh tế. Nếu tình hình bất ổn kéo dài sẽ dẫn đến suy thoái thực sự, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên tạo áp lực cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, các “ông lớn” của thế giới phải có những quyết sách để giải quyết sớm tình hình chính trị rối loạn hiện nay, từng bước dỡ bỏ các cấm vận để bình ổn lại thị trường.

Tôi cho rằng tình hình không đến mức tồi tệ. Mùa mua sắm cuối năm tới, nhu cầu nội thất vẫn sẽ cao. Dù chịu nhiều yếu tố tác động nhưng ngành nội thất sẽ sớm đón đơn hàng quay trở lại. Dù người dùng có thắt chặt chi tiêu thì nội thất vốn được xem là hàng tiêu dùng, vẫn có cơ hội kinh doanh.

* Nghĩa là nhu cầu tái cân bằng đơn hàng của các nhà nhập khẩu quốc tế trong tương lai gần sẽ giúp DN Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi tình trạng hiện nay?

– Sẽ có khoảng vài tháng khó khăn nhưng khả năng chống chịu của DN nội thất Việt Nam tương đối cao, nhất là khả năng ứng phó. Điều ấy thấy được từ việc thích ứng với đại dịch thời gian qua. Do vậy không nên bi quan về tương lai của ngành.

Lúc này, khi mà đơn hàng đang giảm và những bất ổn vẫn còn thì thái độ “bình thường mới” là điều quan trọng hơn cả. Chấp nhận thực tế là thị trường khi lên, khi xuống và xem đó là bình thường. Ung dung trong mọi tình huống kinh doanh, càng khó khăn DN càng phải bình tĩnh. Thách thức thời cuộc đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn để có được giải pháp tốt nhất.

* Cụ thể DN cần chú ý đến các yếu tố nào?

– Quan sát thị trường nội thất toàn cầu, dễ thấy tiêu thụ nhiều là ở Mỹ và châu Âu nhưng đơn hàng chủ yếu thực hiện từ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Hiện Việt Nam đứng thứ hai châu Á về xuất khẩu nội thất, sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh… nhưng lại là quốc gia có năng suất lao động thuộc top thấp nhất châu Á. Giai đoạn khó khăn này, nếu DN dồn sức củng cố bộ máy quản lý, xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh và tích cực tham gia các hội chợ triển lãm Quốc tế trong và ngoài nước sẽ là điều tuyệt vời nhất.

“Càng khó khăn doanh nghiệp càng phải bình tĩnh. Thách thức thời cuộc đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn để có được giải pháp tốt nhất”

Bên cạnh đó là việc xây dựng hệ thống quản trị, hệ thống văn hóa DN cũng như mạnh dạn đầu tư tự động hóa để sản xuất tốt hơn. Thời gian trước do tất bật với đơn hàng, có thể DN không đủ tỉnh táo để quan sát toàn bộ dây chuyền, bộ máy… thì giai đoạn nhàn rỗi hiện nay, nên tranh thủ thuê tư vấn, quan sát mọi vấn đề trong vận hành, không chỉ là sản xuất, sẽ giúp DN kiện toàn nội lực. Khi đơn hàng quay lại, DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Tôi cho rằng đây là thời gian vàng để cải tổ bộ máy.

* Về phía các cơ quan quản lý, theo ông, cần có những hoạch định nào để đồng hành cùng DN trong thời điểm khó khăn này?

– Cơ quan quản lý nhà nước là những người làm chiến lược và chính sách. Tôi cho rằng thời gian tới nhà nước vẫn phải tập trung vào giao thông vận tải – huyết mạch của kinh doanh để tạo nền tảng cho DN thuộc tất cả các ngành kinh tế phát triển.

Với ngành gỗ, thực tế từ đại dịch vừa qua cho thấy sự cần thiết của một khu công nghiệp chuyên ngành. Việc đầu tư các khu công nghiệp thời gian trước đã tạo nền tảng cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh nhiều ngành nghề sản xuất như hiện nay. Bước tiếp theo, phải là hình thức khu công nghiệp chuyên ngành, tập hợp theo chuỗi để có thể hưởng lợi cùng nhau, tạo nên sự phân công công việc theo chuỗi, tăng năng suất lao động, chuyên môn hóa và nhất quán. Mô hình tập trung, dù có dịch bệnh thì DN vẫn có thể vận hành được, tạo điều kiện cho DN tiết kiệm chi phí và tận dụng được sức mạnh liên kết. Khi tính liên kết trong chuỗi được thiết lập, ngành có thể tạo nên giá trị tốt hơn, khả năng cạnh tranh quốc tế cũng cao hơn.

Trong thời điểm hiện nay, khi mà DN đang khó khăn, nhà nước có thể chú ý đến câu chuyện lãi suất ngân hàng và thời gian đáo hạn. Đó là hỗ trợ mà DN đang rất cần.

Với các tổ chức hiệp hội, trong tình hình nhiều biến động như hiện nay, hỗ trợ thiết thực nhất dành cho DN là đồng hành, giúp các DN nắm bắt thông tin để kịp thời điều chỉnh chiến lược. Hiệp hội cũng cần hỗ trợ DN tiếp cận các công cụ quản lý hiện đại, giúp DN đầu tư vào quản trị, nâng cao nội lực. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ và tạo cơ chế thuận lợi cho DN tham gia các hội chợ nội thất Quốc tế trong và ngoài nước.

* Cuối cùng, Trung Quốc, sau một năm bị Việt Nam vượt mặt thì cũng đã lấy lại vị trí quốc gia hàng đầu xuất khẩu nội thất sang Mỹ – thị trường tiêu thụ nội thất lớn nhất Thế giới. Với những diễn biến như hiện nay, theo ông, công nghiệp nội thất Việt Nam cần lưu ý gì để có thể cải thiện vị thế?

– Như đã nói, ngành chế biến gỗ Việt Nam được tạo điều kiện, được chào đón, có nhiều lợi thế, nhưng những lợi thế đó không bền vững, có thể mất đi. Việc Trung Quốc lấy lại vị thế của họ là cảnh báo để DN chú trọng đầu tư những giá trị bền vững hơn. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để DN Việt Nam có thể tạo dấu ấn ở bất cứ thị trường nào.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác