Ellen MacArthur
Chủ tịch Quỹ Ellen MacArthur
Để đạt được mục tiêu zero phát thải ròng, các nhà thiết kế và thương hiệu phải vượt ra khỏi việc tái chế và tập trung vào thực hiện những thay đổi lớn hơn ở cấp độ hệ thống để giúp thế giới chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn.
Ngày nay, Trái đất đang phải gồng mình tương đương 1,6 năng lực của chính nó mỗi năm để cung cấp nguồn tài nguyên và hấp thụ chất thải của chúng ta. Nghĩa là hành tinh phải mất 20 tháng để tái tạo những gì chúng ta sử dụng trong một năm.
Giống như các khoản nợ tài chính tăng dần có thể dẫn đến phá sản, khi chúng ta rút quá nhiều “cổ phiếu” từ môi trường tự nhiên mà không đảm bảo và khuyến khích sự phục hồi của nó, hệ sinh thái địa phương, khu vực và cuối cùng là toàn cầu sẽ có nguy cơ sụp đổ. Với thực tế này, nền kinh tế tuần hoàn là một phương kế để giải quyết vấn đề. Chỉ có cách tách tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn, chúng ta mới cứu được sự quá tải của trái đất. Phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?
Vai trò của thiết kế
Cách đầu tiên, và quan trọng, là thiết kế lại các sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp (DN) phải cố gắng chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ chỗ bị khóa chặt trong một hệ thống xử lý chất thải sang một hệ thống loại bỏ chất thải, luân chuyển sản phẩm và vật liệu, tái tạo thiên nhiên.
Nền kinh tế tuần hoàn cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ có thể giúp giải quyết những thách thức toàn cầu lớn nhất cùng một lúc. Và hai năm qua đã chứng kiến sự đổi mới, thiết kế tuần hoàn đang gia tăng nhanh chóng, xuất hiện khá nhiều ở mọi nơi. Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều DN sử dụng nền kinh tế tuần hoàn để thay đổi cách thức hoạt động và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề biến đổi khí hậu, mất đi sự đa dạng sinh học, vấn đề chất thải và ô nhiễm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tập trung ngăn chặn chất thải trước khi nó được tạo ra. Các nhà thiết kế phải đi xa hơn là chỉ đơn giản suy nghĩ lại về cách tạo ra các sản phẩm đơn lẻ, họ cần cân nhắc toàn bộ hệ thống bao quanh chúng. Điều này bao gồm các mô hình kinh doanh, cách thức mà khách hàng tiếp cận sản phẩm và điều gì xảy ra với những sản phẩm đó khi chúng ta không còn sử dụng chúng, để có thể giữ lại vật liệu trong hệ thống càng lâu càng tốt.
Kéo dài vòng đời sản phẩm
Một số ví dụ mạnh mẽ về các nhà thiết kế và các công ty lớn đổi mới vì một tương lai tuần hoàn được nêu trong nghiên cứu gần đây của Quỹ Ellen MacArthur, nghiên cứu tập trung vào việc xem xét lại các mô hình kinh doanh cho ngành công nghiệp thời trang đang phát triển mạnh.
Nghiên cứu cho thấy, bằng cách tối đa hóa tiềm năng của các tác động lên kinh tế và môi trường, mô hình kinh doanh tuần hoàn trong các lĩnh vực như cho thuê, bán lại, làm lại và sửa chữa có khả năng chiếm đến 23% thị trường thời trang toàn cầu vào năm 2030 và nắm bắt một cơ hội trị giá 700 tỷ USD.
Quỹ Ellen MacArthur là tổ chức kêu gọi thúc đẩy thay đổi xã hội hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Tổ chức từ thiện này đã hợp tác với một số thương hiệu lớn nhất trên thế giới xuất bản một số báo cáo có tác động lớn về ô nhiễm nhựa và chất thải dệt, cùng với các hướng dẫn thực hành về cách thiết kế sản phẩm và hàng may mặc theo hướng tuần hoàn.
Trong số nhiều công ty đang đổi mới để áp dụng mô hình tuần hoàn có thể xem xét đến cách các DN đang vận hành các nền tảng bán lại như RealReal và Rent the Runway (RTR)… Nổi bật, Back Market – một doanh nghiệp tân trang iPhone rồi bán lại, có trụ sở tại Paris – được định giá 5,7 tỷ USD, trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất nước Pháp.
Sự đổi mới tiếp tục tăng lên khi thế giới tìm kiếm các giải pháp cho ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, thị trường này luôn phải đối mặt với rất nhiều rào cản của riêng nó. Cần phải có những nỗ lực tập trung vào các giải pháp hạ nguồn như tái chế, và phải đảm bảo loại bỏ tất cả những đồ nhựa không cần thiết. Những đồ nhựa mà chúng ta có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy và tuần hoàn để giữ chúng luôn ở trong nền kinh tế chứ không bị thải ra môi trường.
Lợi ích cho khí hậu và đa dạng sinh học
Nền kinh tế tuần hoàn là cần thiết để đạt được mức phát thải ròng bằng không. Trong khi 55% lượng khí thải có thể giải quyết bằng cách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, thì 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn lại đến từ cách chúng ta sản xuất và sử dụng các sản phẩm, thực phẩm và quản lý đất đai.
Để nền kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích cho khí hậu và đa dạng sinh học, DN và chính phủ phải cùng làm việc để thay đổi về hệ thống, điều này có nghĩa là thiết kế lại cách chúng ta sản xuất và sử dụng các sản phẩm, thực phẩm. Sự thay đổi này sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để không chỉ giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra sự thịnh vượng, thêm nhiều việc làm và khả năng phục hồi nhanh.
Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến vô số cải tiến tích cực tập trung vào việc giải quyết sự biến đổi khí hậu – đặc biệt là tổ chức Winnow tại Vương quốc Anh – có mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm thông qua dữ liệu và hiện tiết kiệm được 61.000 tấn khí thải carbon mỗi năm. Các bước tiếp theo chúng ta phải làm đảm bảo liên tục hỗ trợ và cho phép sự đổi mới để tăng tốc và mở rộng quy mô.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi tất cả các bên liên quan trên tất cả các hệ thống phải làm tốt vai trò của mình. Vai trò của tất cả DN, dù ở quy mô nào, cũng đều rất quan trọng nếu tìm ra những cách thức tuần hoàn mới mẻ, cung cấp và nắm bắt giá trị vốn cũng mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Không ai có thể nói quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra trong bao lâu, nhưng điều chúng ta có thể nói là nó đã và đang được tiến hành rất tốt. Do vậy, rất cần DN và chính phủ cùng làm việc để tạo ra một hệ thống cho phép tất cả đưa ra những lựa chọn tốt hơn, những lựa chọn là một phần của giải pháp cho các vấn đề thách thức toàn cầu chứ không chỉ một phần của vấn đề.
(Theo Dezeen)