Hoạt động xuất khẩu vẫn còn khó khăn trong quý II, trước khi phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể chậm hơn so với kỳ vọng do diễn biến bất ổn ở các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu.
Sáng 25/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với đại diện hiệp hội và doanh nghiệp (DN) các ngành xuất khẩu chủ lực Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc lắng nghe các vướng mắc, bộ trưởng cũng đã trực tiếp thảo luận, đối thoại với các DN nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Áp lực cho lao động
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2023 tiếp tục chậm lại với tổng kim ngạch ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%. “Tình hình này tương đương với xuất khẩu Việt Nam quay về mức của năm 2021, năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nhiều DN thua lỗ, dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận xét.
Theo ông Tân, từ quý IV/2022 Bộ Công Thương đã lường trước thực trạng khó khăn, kịp thời đưa ra các giải pháp tạo động lực cho sản xuất nhưng kết quả vẫn chưa thực sự khả quan. Đồng quan điểm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn Thế giới, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau. Những ngành hàng thế mạnh, xuất sang thị trường lớn như Mỹ, EU… như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy sản… có mức sụt giảm nhiều. “Trong đó, ngành chế biến gỗ khá áp lực bởi mức sụt giảm lên đến 30%”, ông Chinh nói.
Không chỉ thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất tăng khiến nhiều DN phải triển khai phương án sản xuất cầm chừng. Về lâu dài, việc làm và lực lượng lao động đang chịu nhiều tác động. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, chưa bao giờ các ngành thâm dụng lao động lại chịu áp lực cao như hiện nay. Đơn hàng thiếu trầm trọng, xuất khẩu ngành dệt may giảm đến 18,7%. DN nhỏ thiếu 40, 50% đơn hàng, DN lớn thì giảm 20% năng suất. “Chỉ riêng ngành dệt may đã có 2 triệu lao động trực tiếp và 1 triệu lao động gián tiếp chịu ảnh hưởng đến đời sống”, ông Tùng nói.
Vẫn có tín hiệu tích cực
Dệt may, chế biến gỗ… chỉ là một trong những ngành phải đối mặt với bài toán cân bằng đơn hàng và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch HAWA cho rằng dù tình hình xuất khẩu có giảm sút, nhưng vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Cụ thể, trong tháng 3, xuất khẩu nội thất tăng khoảng hơn 20%, dự kiến tháng 4 sẽ tăng lên 50%. “Ngành nội thất đã bắt đầu có đơn hàng trở lại, dù chưa nhiều. Dự kiến, những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu nội thất sẽ sáng sủa hơn hiện nay”, ông Phương chia sẻ. Theo đại diện cho tiếng nói của các DN nội thất Việt Nam, các DN hiện đang đối diện với thách thức lớn về tài chính.
Để hỗ trợ cho các DN có thêm động lực sản xuất, ông Phương đề xuất nhà nước hỗ trợ DN giảm áp lực tài chính, dòng tiền bằng các giải pháp cụ thể về giảm thuế, ưu đãi lãi suất. Đồng thời đầu tư vào công tác nghiên cứu thị trường, tạo điều kiện để các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản, khoa học và hiệu quả hơn. Trước mắt, ông Phương đề xuất xây dựng mô hình “Ngôi nhà Việt Nam” đặt tại cơ quan tham tán thương mại các quốc gia để DN các ngành xuất khẩu chủ lực có thể trưng bày sản phẩm của mình. Thông qua đó, có thêm cơ hội quảng bá hàng Việt đến các cơ quan nước ngoài.
Xét theo thành phần kinh tế, khối các doanh nghiệp FDI chiếm đến 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 4 tháng đầu năm với gần 80 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước giảm 11%, đạt 28,58 tỷ USD.
Đánh giá cao tiềm năng của ngành nội thất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thị trường ngành chế biến gỗ rộng mở, tiềm năng với 16 hiệp định thương mại tự do tại 60 thị trường các quốc gia trên thế giới. Cơ hội này cần được tận dụng triệt để bằng cách chủ động tiếp cận, xây dựng thương hiệu để các quốc gia đón nhận nhiều hơn đồ nội thất Việt Nam. Theo Bộ trưởng, giao thương ngành chế biến gỗ không chỉ một chiều mà có thể mở rộng bởi rất nhiều quốc gia sẵn lòng hợp tác cung ứng nguyên liệu cho Việt Nam như Timor-Leste, Indonesia… Tham tán thương mại tại các thị trường châu Á, châu Phi, châu Mỹ… đều rất sẵn lòng hỗ trợ để mở rộng thị trường.
Bộ trưởng tư vấn: “Kết nối chặt với kênh này, ngành chế biến gỗ hoàn toàn có thể có thêm lựa chọn về nguồn nguyên liệu hợp pháp, vừa có thể tiếp cận thị trường mới, mở rộng kênh phân phối”.
Thời gian tới, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều thách thức. Để có thể chủ động trước tình hình hiện nay, từng hiệp hội, từng ngành hàng, từng DN đều phải chú trọng công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử, tiếp cận với cơ hội xuất khẩu xuyên biên giới trên môi trường internet. “Tổng cầu sẽ tiếp tục giảm và đòi hỏi của người dùng sẽ tiếp tục tăng, nếu không đổi mới và chủ động, hàng hóa Việt Nam sẽ mất thị phần”, ông Diên nói.
THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU CHẬM LẠI
Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho rằng doanh số xuất khẩu hàng hóa toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay trong bối cảnh lãi suất cao và bất ổn tài chính gây áp lực lên môi trường kinh doanh vốn đã khó khăn do sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Theo dự báo của WTO, trong năm 2023, doanh số xuất khẩu toàn cầu tăng trưởng chậm, xuống mức 1,7%, tức thấp hơn mức tăng trưởng trung bình là 2,6% trong thập niên qua.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường chính trong quý I/2023
(ĐVT: tỷ USD)
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các tháng năm 2021 – 2023
(ĐVT: triệu USD)
(Nguồn: Tổng cục Hải quan và ước tính tháng 4/2023)
MINH KIÊN