Ngày 25/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức “Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực miền Trung và Tây Nguyên phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời cho biết thực trạng của việc tuyển sinh nhân lực trong lĩnh vực này đang gặp phải nhiều khó khăn, số lượng cũng như chất lượng ngày càng giảm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị
“Chúng tôi luôn luôn trăn trở về nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn. Các đơn vị cùng hợp lực lại để có cách tiếp cận mới, nhìn ra nhiều góc nhìn mới, sáng tạo hơn. Mọi cái bắt đầu từ ý tưởng mới mẻ, cách tiếp cận mới mẻ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhu cầu nhân lực của ngành Nông nghiệp và PTNT trong khu vực, Hội nghị đã nghe các báo cáo, tham luận của đại diện lãnh đạo các địa phương, các trường Đại học trong khu vực, các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổng Giám đốc UNIFARM Phạm Quốc Liêm phát biểu tham luận chủ đề “Đào tạo nhân lực nông nghiệp đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới”
Các báo cáo tham luận đã chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030.
Nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết: Quảng Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Tính đến cuối năm 2022, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 450.000 người (trong đó, lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản là 245.000 người, trong số này đã qua đào tạo đạt xấp xỉ 49%).
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình xác định:
Về lao động nông nghiệp và phát triển nông thôn, số lượng người cần đào tạo, nâng cao năng lực khoảng 91.000 người, nội dung đào tạo tập trung vào kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phát triển thị trường, thương hiệu, tiếp cận chuyển đổi số, nhất là cho đội ngũ quản trị hợp tác xã; năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm…
Đại diện HAWA – Ông Nguyễn Hoài Bảo và đại diện cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trao đổi thảo thuận hợp tác
Về công tác cán bộ, bổ sung đội ngũ để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là kiểm ngư, kiểm lâm. Thực hiện đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức nông nghiệp và phát triển nông thôn 270 người.
Nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý chất lượng, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm. Nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế về nông lâm thủy sản khu vực miền Trung và Tây Nguyên, việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn khu vực này được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định như sau:
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải gắn với thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt là tiếp cận áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến và thương mại hóa sản phẩm.
Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành; coi việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới cơ chế chính sách, tuyển dụng.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng.
Vùng Tây Nguyên: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Nguồn: Báo điện tử Dân Việt.