Đại diện hãng nội thất IKEA cho biết bất kể nhà cung cấp thu mua gỗ từ đâu đều phải đạt chứng nhận FSC, để đảm bảo việc kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch bình quân mỗi năm đều trên 10 tỉ USD, đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 ở châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,18 tỷ USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh nhu cầu thị trường sụt giảm, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tới thời điểm này, khi được yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ, doanh nghiệp mới chỉ xác minh được bảng kê sản phẩm, chưa xác minh tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) khi xuất khẩu theo thông tư 26.
Trong khi đó, thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn về việc kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Quy định mới của EU sẽ cấm nhập khẩu những sản phẩm gỗ và cao su từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020. Điều này buộc các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà thua mua thắt chặt hơn các quy định mua hàng từ các nhà cung ứng.
IKEA, hãng nội thất hàng đầu thế giới đã có mặt trên toàn châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Úc và Châu Á với doanh thu từ 45 – 50 tỷ USD từ năm 2019 đến nay, cũng tích cực thắt chặt quy định với các nhà cung ứng của mình, trong đó có Việt Nam.
Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á của IKEA đã có một vài chia sẻ với báo chí trước thềm sự kiện Vietnam International Sourcing.
*Phóng viên: IKEA đánh giá và định vị Việt Nam như thế nào trong chuỗi cung ứng của IKEA vào thời điểm hiện tại?
– Ông Giafar Safaverdi (IKEA): Việt Nam là một thị trường cung ứng chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA. Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập-khẩu, cùng với nhiều lợi thế trong lĩnh vực logistics đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàncầu của chúng tôi.
* Ông nhận xét gì về các sản phẩm đồ nội thất có xuất xứ từ Việt Nam?
– Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam thông qua hoạt động thu mua, cung ứng từ năm 1993 và liên tục mở rộng hợp tác với các đối tác cung ứng khác nhau trong nước suốt thời gian vừa qua.
Trên toàn cầu, chúng tôi không ngừng phấn đấu trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp của mình để tạo ra các sản phẩm chất lượng và an toàn nhất cho người tiêu dùng, bất kể chúng được sản xuất ở đâu.
Vì thế, các nhà cung cấp của IKEA tại Việt Nam cũng cùng chia sẻ tầm nhìn, văn hóa và giá trị trong việc tạo ra các sản phẩm nội thất nhàở được thiết kế với chất lượng tốt, tiện dụng, với giá cả hợp lý và mang tính bền vững cao.
* Để trở thành đối tác của IKEA, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí gì?
– Chúng tôi lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và hoài bão nhằm tạo nên ảnh hưởng tích cực. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng tiêu chuẩn IWAY – Bộ Quy tắc Thu mua, Cung ứng có trách nhiệm – là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của IKEA.
IWAY là cách IKEA cùng các nhà cung cấp đảm bảo hoạt động tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, dịch vụ, vật liệu và linh kiện có trách nhiệm, bằng cách xác định các kỳ vọng và cách thức làm việc rõ ràng đối với các nhà cung cấp, đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và cả phúc lợi động vật.
Thực hiện các tiêu chuẩn IWAY cũng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc đối với tất cả các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ khi làm việc với IKEA. Bộ quy tắc IWAY mong muốn đem lại giá trị việc làm có ý nghĩa cho tất cả người lao động và góp phần đem lại thay đổi tích cực tại cộng đồng địa phương trong toàn bộ chuỗi giá trị của IKEA trên toàn cầu.
Đối với IKEA, các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi đóng vai trò then chốt, cùng chúng tôi khám phá những cách thức mới để vận hành và phát triển hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội và môi trường, đồng hành trong việc giải quyết thách thức và hợp tác nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực.
* Hiện nay Việt Nam đang vươn lên là một trong những thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới. Ông có kỳ vọng gì về việc tìm kiếm, nhập khẩu nguồn hàng từ Việt Nam?
– Việt Nam là một thị trường cung ứng gỗ quan trọng cho các nhà cung cấp của IKEA. Nơi đây cung cấp một lượng lớn gỗ keo (gỗ Acacia) – loại gỗ sẫm màu có nguồn gốc được chứng nhận bởi Hội Đồng Quản Lý Rừng (FSC), phù hợp với các sản phẩm bàn ghế ngoài trời của chúng tôi. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu thu mua gỗ cao su với nhiều ứng dụng trong việc sản xuất đồ nội thất.
Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã làm việc cùng các đối tác khác nhau ở Việt Nam để cải thiện công tác quản lý rừng bền vững. Bất kể nhà cung cấp của chúng tôi thu mua gỗ từ đâu, để giảm thiểu rủi ro gỗ không đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, bao gồm cả yêu cầu về pháp lý, chúng tôi yêu cầu các đối tác chỉ cung cấp và sử dụng nguyên liệu từ gỗ được FSC chứng nhận.
Chúng tôi hy vọng có thể xây dựng và chia sẻ kiến thức để cải thiện hoạt động tìm nguồn cung ứng gỗ song hành với việc quản lý rừng bền vững, từ đó nâng cao sinh kế và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm sẵn sàng đón nhận mọi thay đổi về điều kiện cung ứng từ các thị trường khác nhau trên thế giới.
* Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, đưa hàng vào sâu hơn thị trường Thuỵ Điển và châu Âu?
– Hiệp định EVFTA là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà sản xuất nên tập trung vào việc duy trì các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cao và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng cũng như sở thích của khách hàng toàn cầu để phát huy lợi thế sẵn có. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới phân phối mạnh và tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững để tận dụng tối đa cơ hội mà Hiệp định mang lại.
* Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Doanhnhantrevietnam