,

Ông Vinh Nguyễn – Chủ tịch VBI Global: Doanh nghiệp Việt thừa khả năng thâm nhập thị trường Mỹ

Khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng thị phần tại Mỹ, ông Vinh Nguyễn cho rằng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nhanh chóng kết nối và thành lập trung tâm xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ để tiếp cận trực tiếp người dùng, tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng sau khi đã chứng thực năng lực ở vai trò gia công.

 

* Ngày 15/8, VinFast đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ – Nasdaq Global Select Market. Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận tại Việt Nam. Là người giữ vai trò kết nối các doanh nhân Việt trên đất Mỹ, ông đánh giá thế nào về sự kiện này? DN Việt Nam đã sẵn sàng bước ra sân chơi lớn?

– Việt Nam chính thức có một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ là sự kiện đáng tự hào. Mặc dầu thời gian đầu giá cổ phiếu dao động nhiều nhưng sau một thời gian, giá cổ phiếu sẽ ổn định ở mức phản ảnh sức mạnh thật, tiềm năng thật, tầm vóc và triển vọng phát triển tương lai của công ty. Đây là  hướng đi tất yếu để tiếp cận thẳng nhà đầu tư thế giới thay vì chỉ dựa vào nguồn lực tài chính trong nước hoặc dựa vào các quỹ đầu tư đơn lẻ.

Tôi sẽ không ngạc nhiên khi trong tương lai những DN như Vinamilk, Vietjet, Masan, FPT hoặc những công ty tầm vóc như thế sẽ tuần tự theo chân VinFast.

* Nhiều ý kiến trái chiều trong câu chuyện niêm yết của VinFast, tâm lý “nhược tiểu” vẫn hiện diện trong từng bước chân của người Việt khi bước chân ra thế giới. Theo ông, đây có phải là một trong những hạn chế?

– Cũng đúng thôi, vì đây là lần đầu một công ty Việt Nam mạo hiểm vào cuộc chơi mới, bập bẹ bước đi với nhiều thử thách, bấp bênh và rủi ro. Nếu nỗ lực của họ thành công, tức là sẽ gọi vốn được trên thị trường chứng khoán Mỹ, chắc chắn tư duy đó sẽ thay đổi và nhiều công ty khác từ Việt Nam sẽ mạnh dạn nhập cuộc.

Các thành viên VIB tại Mỹ

Tham gia vào thị trường chứng khoán Mỹ, các công ty Việt Nam không những gọi được thêm vốn từ bên ngoài, mà còn giúp họ làm ăn minh bạch theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Trước nhu cầu phát triển, tôi nghĩ các DN khác cũng nên chuẩn bị điều này, sẽ tốt hơn cho tương lai đất nước.

* Bên cạnh thị trường tài chính, là người “trực chiến” ở thị trường Mỹ, theo ông, khả năng trực tiếp thâm nhập thị trường Mỹ của sản phẩm Việt Nam thế nào?

– Tôi dám khẳng định một cách chắc chắn là các DN Việt Nam có thừa khả năng thâm nhập trực tiếp thị trường Mỹ. Cái khó hiện tại là họ thiếu “tai mắt” ở thị trường này để có thể hiểu và đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Ví dụ, DN sản xuất ghế mây và đưa hàng loạt sản phẩm sẵn có vào thị trường Mỹ, do không đúng thị hiếu của khách, hàng không bán được nên bị tồn kho. Ngược lại, nếu công ty có bộ phận bên ngoài đi khảo sát, tiếp cận với người tiêu dùng hoặc các công ty đầu mối để họ đưa thông tin, thiết kế, mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì hàng sẽ bán chạy.

Một vấn đề khác trong quá khứ là hầu hết các nhà sản xuất Việt Nam có quy mô nhỏ, không sản xuất được số lượng lớn cho nên nhiều lúc phải hợp tác với nhiều DN khác, đưa đến việc không kiểm soát được chất lượng đồng đều. Vấn đề không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà cả trong ngành nông nghiệp nữa.

* Theo ông, DN cần lưu ý những vấn đề nào khi xúc tiến thương mại vào thị trường Mỹ?

– Khi làm việc với các nhà đầu mối Mỹ, tôi thường nghe họ than phiền rằng các công ty Việt Nam hay hứa hẹn. Lúc nào cũng nói là chu toàn được, mặc dầu biết là không đủ khả năng cung cấp số lượng hoặc bảo đảm chất lượng, cứ hứa rồi tính sau. Có những trường hợp làm tốt lần đầu, đến đơn hàng thứ hai xuống cấp, làm mất lòng tin, rất khó để xây dựng lại. Tôi nghĩ, chúng ta cần xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc nhất.

Thị trường Mỹ rất quan trọng trong mục tiêu xúc tiến thương mại. Nhu cầu của thị trường Mỹ rất cao, đòi hỏi khắt khe từ người tiêu dùng lẫn các cơ quan kiểm định của Mỹ. Ví dụ, muốn đưa gạch bông vào thị trường Mỹ, nhà sản xuất phải gửi mẫu cho các phòng thí nghiệm đo độ bền, độ thấm nước, độ trơn trợt rồi phân loại để người tiêu dùng biết để so sánh với sản phẩm của các thương hiệu, quốc gia sản xuất khác, và dĩ nhiên giá thành sẽ tùy vào sự phân loại đó. Và một khi sản phẩm đã vào được thị trường Mỹ thì rất dễ để vào thị trường các nước khác trên phương diện chất lượng.

* Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu đồ nội thất sang Mỹ, nhưng phần lớn là gia công theo đơn đặt hàng. Liệu DN Việt Nam có khả năng kinh doanh nội thất trực tiếp tại thị trường Mỹ?

– Gia công theo đơn đặt hàng là bước đầu. Bước thứ hai phải hướng đến kinh doanh trực tiếp. Đây là bước rất quan trọng vì buôn bán trực tiếp với khách hàng, khả năng nắm bắt cơ hội và thị trường lớn hơn, DN kiểm soát được thị phần, tùy khả năng sản xuất và tiếp thị. Điều quan trọng là khi tiếp cận, DN sẽ hiểu rõ nhu cầu của thị trường và phân khúc mà mình muốn tiếp cận hay thâm nhập, từ đó việc sản xuất, kinh doanh cũng sẽ chủ động hơn.

Trước đây chúng ta phải cạnh tranh với đối thủ lớn là Trung Quốc. Nay vì căng thẳng chính trị, hàng Trung Quốc khó tiếp cận thị trường hơn. DN Việt Nam nên nhanh chóng chớp lấy thời cơ chiếm lấn thị phần. Muốn vậy, DN phải có đội ngũ chuyên nghiệp giúp tiếp thị ở Mỹ. Dùng người không đúng hoặc không chuyên nghiệp sẽ không mang lại kết quả như mong muốn hoặc sẽ đánh mất cơ hội.

* Cụ thể, cơ hội cho các DN nội thất lớn như thế nào tại Mỹ?

– Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Mỹ (National Association of Realtors), số nhu cầu bình quân cho nhà mới xây ở Mỹ mỗi năm là 1.500.000 hộ, từ căn hộ chung cư (condo), nhà phố (townhouse) đến nhà biệt lập (single family home). Nếu mỗi hộ cần một cái bếp, nghĩa là cần 1.500.000 bộ tủ bếp gỗ (kitchen cabinet) mỗi năm chỉ cho một phần phân khúc này. Và đó chỉ là nhà mới xây, chưa đề cập đến các căn hộ cho thuê, nhà cũ trao tay (5.000.000 căn/năm). Dù chỉ chiếm lĩnh một số phần trăm của những con số này, doanh số mang về cho DN nội thất Việt Nam tham gia cũng không hề nhỏ!

Các DN cần nghiên cứu thị trường, lập chiến lược nghiêm túc. DN Việt Nam có thể làm việc với các nhà đầu mối như Home Depot, Lowe’s, hay các công ty xây dựng lớn, các quỹ đầu tư vào căn hộ cho thuê, hệ thống khách sạn…  Nếu có thể thì thành lập mô hình trung tâm cung ứng dịch vụ chuyên cho ngành nội ngoại thất, với sự tham gia của nhiều DN nội thất kết hợp với nhau, vận hành trực tiếp tại Mỹ. Đây là mô hình cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Một DN không đủ sức lập một nhóm chuyên lo phần tiếp thị ở Mỹ thì các DN Việt Nam nên hợp tác thành lập một trung tâm cung ứng dịch vụ chuyên ngành để giúp các DN ngành gỗ thâm nhập vào các phân khúc liên quan đến sản phẩm gỗ.

Trung tâm có thể đi tìm khách hàng, lấy đơn hàng theo thiết kế của khách hay dùng thiết kế của các nhà sản xuất. Hoặc đi tìm Request For Proposal/Quote (RFP/RFQ) cho các thành viên chia nhau tham gia hay đấu thầu thực hiện.

* Để có thể vận hành và duy trì dự án hiệu quả, các DN tham gia cần chuẩn bị gì?

– HAWA hay một số DN quan tâm có thể thành lập trung tâm xúc tiến thương mại ngành gỗ ở Mỹ, thuê nhân sự điều hành. Hoặc VBI Global và một số thành viên có thể nghiên cứu và đưa ra dự thảo hỗ trợ.

Các DN tham gia sẽ đóng góp một số ít vốn đầu tư vào vận hành trung tâm. Như đã nói, lúc này là thời điểm rất thuận lợi cho các DN Việt Nam nói chung và cho ngành gỗ nói riêng để thâm nhập thị trường Mỹ, nhất là ngành gỗ. Mặt khác, Chính phủ Mỹ đang giúp đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển, để Việt Nam thành đầu cầu trong dây chuyền cung ứng cho Mỹ thay Trung Quốc. Nếu không tận dụng thời cơ này thì sẽ mất cơ hội tốt.

* Sắp tới, các hoạt động của VIB Global là gì, thưa ông?

– Mỗi năm VIB Global có 2 hội nghị thường niên. Hội nghị tới sẽ được tổ chức ở Houston vào ngày 3 và 4/5/2024. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn giao thương qua lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho doanh nhân hai nước gặp gỡ B2B. Chúng tôi cũng mong muốn lập một trung tâm xúc tiến thương mại ở Mỹ, quảng bá sản phẩm, dịch vụ Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

Victor Trần thực hiện


VBI Global là một tổ chức phi lợi nhuận, phi tôn giáo, phi chính trị được thành lập với mong muốn kết nối các doanh nhân Việt, kinh doanh, đầu tư toàn cầu và phát huy sức mạnh gắn kết để nâng cao uy tín cộng đồng người Việt. Trụ sở chính của VBI Global đặt tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. VBI Global hướng đến mục tiêu trở thành tiếng nói của doanh nhân Việt khắp nới trên thế giới, là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt kinh doanh và đầu tư, hội tụ các nhân tài Việt giúp phát triển kinh tế cộng đồng và xây dựng nền tảng giúp cộng đồng DN Việt phát triển bền vững.


 

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác