,

Ông Lã Tuấn, CPA, Co-Founder, Tổng giám đốc OneKey Business Solution: Mỹ đang giữ cơ hội tăng trưởng lớn của ngành nội thất Việt Nam

Cuối tháng 7/2023, sau hơn 1 năm hoạt động tại Mỹ, OneKey Business Solution chính thức ra mắt tại Việt Nam. Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu đang “khát” đơn hàng, giải pháp kinh doanh trực tiếp tại thị trường Mỹ mà OneKey mang đến được đánh giá khá cao.

 

* Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ J. Biden giữa tháng 9/2023 vừa qua là sự kiện nâng quan hệ 2 nước Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Giấc mơ chinh phục thị trường Mỹ trong thế chủ động, không chỉ là đơn vị gia công đơn hàng, một lần nữa lại được nhắc đến. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?

– Là một quốc gia tiêu dùng cao và hấp thụ tốt sản phẩm đến từ thị trường cung ứng các nước, Hoa Kỳ được xem là cơ hội lớn của các doanh nghiệp (DN) khắp thế giới. Riêng Việt Nam đã xem Hoa Kỳ là thị trường chủ lực suốt nhiều năm qua. Sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 44,2 tỷ USD. Thay vì thụ động đợi đơn hàng như trước đây, trực tiếp kinh doanh tại Mỹ lại là mục tiêu và giải pháp mang tính chủ động, rất cần được triển khai sớm bởi tiềm năng của thị trường này không hề nhỏ.

Tuy nhiên, trước khi chính thức kinh doanh, DN phải tiên liệu được những rào cản ở thị trường này. Trước tiên là những vấn đề pháp lý cực kỳ phức tạp. Trước đây, phần lớn DN Việt Nam phải nhờ người quen, hoặc nhờ trung gian giữ vai trò đại diện, nhưng những phát sinh khi hoạt động không chính danh cũng không ít. Tiếp đó, ở khâu thuê văn phòng, nhà xưởng, thuê nhân viên, DN cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. Sự khác biệt trong hệ thống pháp luật ở Mỹ có thể gây trở ngại không ít cho DN Việt Nam. Ví dụ, khi DN đóng cửa, ở Việt Nam, mọi chuyện kết thúc. Nhưng ở Mỹ, có đóng cửa rồi thì DN vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hợp đồng đã ký kết.

Chưa hết, chính sách việc làm cũng khác. Không như Việt Nam phải báo trước 30 đến 45 ngày, nhân viên ở Mỹ có thể nghỉ trong vòng 2 tuần báo trước mà không phải đền bù gì. Nếu không nắm rõ, DN phải đối diện những trở ngại rất lớn.

* Những vấn đề này có thể xử lý như thế nào?

– Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng không ở đâu, luật sư bận rộn như ở Mỹ. Phần lớn các hoạt động của DN đều sử dụng dịch vụ trợ giúp của các văn phòng luật. Chỉ có hiểu luật mới có thể sống và vận hành DN xuyên suốt, hiệu quả ở Mỹ.

Chứng kiến nhu cầu kinh doanh trực tiếp ở phía các DN Việt Nam, lại may mắn gặp được những người cùng chí hướng, chúng tôi quyết định thành lập OneKey, một DN đảm nhận vai trò trợ giúp DN kinh doanh tại Mỹ ngay từ những bước đầu tiên. Dựa vào mục tiêu của DN, cổ đông OneKey sẽ tư vấn loại hình thích hợp. Sau đó đồng hành với DN suốt quá trình vận hành, tư vấn cho DN từ khâu chuẩn bị nhà xưởng, thuê mướn nhân viên, xác định địa điểm đặt văn phòng thích hợp, cảng biển, chi phí kho bãi rẻ… đến ký kết hợp tác, xuất nhập khẩu, M&A, nhượng quyền…

Khi chưa đủ thời gian thâm nhập để thấu hiểu mọi ngóc ngách của thị trường, giá trị tư vấn là điều mà các DN Việt Nam sẽ cần hơn cả. Ví dụ, mức lương cho nhân viên, giá thuê bất động sản… những chỉ số bình quân này mỗi tiểu bang sẽ khác nhau, DN cần được hỗ trợ cụ thể để thích nghi tốt nhất. Sau khi DN ổn định, OneKey sẽ hỗ trợ báo cáo thuế và các báo cáo liên quan. Ngoài ra còn có thể tư vấn thêm mảng di trú để DN có thể đưa nhân viên sang làm việc hoặc các thủ tục xin cư trú ở Mỹ lâu dài.

Lộ trình chi phí dịch vụ OneKey rõ ràng ngay từ đầu. Chúng tôi thu phí cố định hàng tháng với các dịch vụ cụ thể và không phát sinh thêm để DN có thể hoạch định được lộ trình đầu tư của mình.

* Theo quan sát của ông, lực lượng DN Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ đã đủ lớn?

– Khách hàng mà OneKey hỗ trợ từ Việt Nam sang Mỹ kinh doanh trực tiếp trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, thẩm mỹ viện… Riêng ngành nội thất, nhu cầu mở DN tại Mỹ rất lớn.

Khả năng tiêu thụ nội thất của người Mỹ khá cao. DN nội thất có cơ hội tham gia thị trường trực tiếp, nhưng đòi hỏi phải có đầu tư lớn, chi phí marketing, phải có showroom, kho bãi, thậm chí là nhà xưởng thi công để khách hàng cần thì có hàng ngay. So với mô hình OEM, kinh doanh trực tiếp tại Mỹ giúp DN có được lợi nhuận tốt hơn, tránh được những rủi ro khi thị trường giảm sút đột đột. Chúng tôi từng chứng kiến những hợp đồng lỏng lẻo của các DN Việt Nam với nhà mua hàng ở Mỹ. Dù đã đầu tư lớn để sản xuất nhưng khi thị trường bất ổn, họ dừng mua hàng hay phá sản là DN Việt Nam chịu mọi tổn thất, rất đáng tiếc.

* Ông có thể nói rõ hơn những tiềm năng mà các DN nội thất Việt Nam có thể khai thác?

– Tôi quan sát thấy nhu cầu nội thất của khách hàng dự án khá nhiều. Dù số lượng nội thất trên một dự án không tính bằng container nhưng lợi nhuận khá hấp dẫn. Tiềm năng ở mảng này lớn vì rất nhiều dự án nhỏ chưa có điều kiện tiếp cận nhà cung cấp nội thất phù hợp.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là khoản đầu tư để vận hành một DN bài bản ở Mỹ không phải nhỏ. Bước đầu, nếu tập hợp được một nhóm các DN tiên phong trong ngành dưới pháp lý chính danh của một DN, cùng làm để chia sẻ đầu tư thì sẽ hiệu quả hơn.

* Việc này giống như thành lập và vận hành một trung tâm cung ứng nội thất Việt Nam ở Mỹ?

– Rất nhiều ngành cũng đang muốn làm trung tâm cung ứng hàng hóa ở Mỹ với sự tham gia của một số DN tiên phong. Ngành thực phẩm là ví dụ. Đây là con đường đúng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận khách hàng tốt hơn, thuận lợi hơn. Triển khai trung tâm cung ứng nội thất Việt Nam ở Mỹ là bước đi đầu tiên để DN thâm nhập thị trường tốt hơn. Mô hình này đòi hỏi tính hợp tác cao và vai trò định hướng của hiệp hội.

* Cơ hội dành cho DN sản xuất nội thất Việt Nam có bị ảnh hưởng trong bối cảnh người dùng thắt chặt chi tiêu như hiện nay?

– Như đã nói, Mỹ là thị trường tiêu thụ nội thất lớn, sức mua cao và thị hiếu thay đổi rất nhanh. Dân bản xứ sống dựa trên công việc, sẵn sàng dọn nhà khi có công việc phù hợp. Đồ gỗ giá rẻ, đơn giản, dễ lắp ráp dễ chinh phục khách hàng hơn. Đó là lý do IKEA thành công nhanh ở thị trường này.

Người dùng cần những thiết kế đơn giản, nhiều công năng, không quá cầu kỳ, tự lắp ráp được. Ngoài ra, dù so với sức mua thì mức độ trả hàng khá thấp nhưng DN cũng cần lưu ý vấn này và chuẩn bị cho đội ngũ thu hàng trả lại. DN phải cam kết đúng với nội dung quảng cáo…

Dù lạm phát và các lý do khách quan ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhưng theo quan sát của tôi, thời điểm hiện nay lại tốt cho việc kinh doanh nội thất, sức mua không ảnh hưởng. Lượng tiền mặt vẫn nhiều hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Các DN đang kỳ vọng ngân hàng sẽ giảm lãi suất để năm 2024 kinh tế có thể phục hồi.

Một cơ hội rất lớn cho ngành nội thất là vào năm 2026, Mỹ sẽ đăng cai tổ chức World Cup. Các ngành du lịch, lưu trú sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ để đón khách từ các nước nên nhu cầu nội thất chắc chắn tăng cao. Sẽ không quá lời khi nói rằng, Mỹ đang giữ cơ hội tăng trưởng lớn của ngành nội thất Việt Nam. Tiếp cận trực tiếp khách hàng trong giai đoạn này có thể tạo nền tảng cho DN Việt Nam đi những bước sâu hơn tiếp theo.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyên Minh thực hiện

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác