Trên thế giới hiện có trên 50 triệu phú và con số này được dự báo sẽ tăng với tốc độ bình quân hằng năm trên 8% trong những năm tới. Đây là tín hiệu tốt cho sự phát triển của ngành nội thất cao cấp. Nhưng, đòi hỏi của khách hàng ở phân khúc này cũng rất cao.
Bên cạnh giới nhà giàu ở phương Tây, số lượng người tiêu dùng cao cấp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng tăng nhanh, mở ra triển vọng lớn cho công nghiệp nội thất toàn cầu.
10% doanh số toàn ngành
Ở bất cứ đâu trên thế giới, phân khúc nội thất cao cấp đều đi theo những khuôn mẫu riêng, một phần gắn liền với sự phát triển của toàn ngành nội thất nhưng phần khác lại tách rời khỏi nó. Đồng thời, các ý tưởng thiết kế và đổi mới sản phẩm do các nhà sản xuất nội thất cao cấp đề xuất cũng luôn được các nhà sản xuất khác theo đuổi, vì vậy động thái của những người chơi cao cấp thường tác động đến toàn ngành.
Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Ý (CSIL) đã nghiên cứu về phân khúc này. Trong báo cáo Thị trường nội thất cao cấp thế giới, công bố tháng 6/2022, CSIL đã cho thấy các đặc điểm và xu hướng chính của phân khúc tiêu dùng nội thất này ở cấp độ toàn cầu. Theo ước tính của CSIL, thị trường nội thất cao cấp trên thế giới chiếm khoảng 10% thị trường đồ nội thất toàn cầu, xét về giá trị. Ước tính này đề cập đến một phạm vi rộng, bao gồm rất nhiều người chơi tham gia vào lĩnh vực này: các công ty công nghiệp tập trung vào phân khúc cao cấp, các công ty tập trung vào phân khúc trung bình/trung bình cao nhưng có cả phân khúc cao cấp trong danh mục đầu tư; các công ty tập trung vào đồ nội thất thiết kế, cũng như những công ty tập trung vào phong cách cổ điển.
Nghiên cứu cho thấy, tiêu dùng nội thất cao cấp ở các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ có những đặc trưng khác nhau. Người tiêu dùng châu Âu nghiêng về thiết kế/phong cách đương đại, trong khi ở Bắc Mỹ, sức hấp dẫn của đồ nội thất cổ điển nói chung vẫn mạnh hơn. Điều này cũng đúng với Trung Quốc, nơi đồ nội thất bằng gỗ cẩm lai truyền thống vẫn được một số nhóm người tiêu dùng giàu có đánh giá cao.
Người tiêu dùng Bắc Mỹ và Trung Quốc có cùng đặc điểm là mức độ “số hóa” đặc biệt cao, vai trò của phương tiện truyền thông mạng xã hội và những người có ảnh hưởng giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Công trình phi nhà ở tăng lợi thế
Điểm qua các cửa hàng cao cấp, hầu hết thị trường nội thất cao cấp có đối tượng tiêu dùng chủ yếu là nhà riêng, nhưng vai trò của thị trường phi nhà ở cũng có liên quan phần nào. Đặc biệt, các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng sang trọng (shopfitting) là một trong những phân khúc quan trọng nhất đối với nội thất cao cấp của thị trường phi nhà ở.
Trước đại dịch, thị trường nội thất cao cấp phi nhà ở đang phát triển nhanh chóng và được chứng minh là đối tượng khách hàng tiêu thụ quan trọng của nhiều công ty nội thất cao cấp. Điều này cũng được phản ánh trong thực tế là nhiều người chơi trong lĩnh vực đồ nội thất từ trung cấp đến cao cấp đã tham gia vào thị trường này và sự cạnh tranh ngày càng tăng lên trong những năm qua.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch đã làm gián đoạn xu hướng này khi một số phân khúc phi nhà ở có nhu cầu quan trọng bị giảm đột ngột. Hiện nay, sự phục hồi dường như đang diễn ra. Trong đó, du thuyền xa xỉ là một trong những phân khúc có hiệu suất cao nhất. Trong bối cảnh đại dịch, những trải nghiệm sang trọng, riêng tư, thân mật hơn được ưu tiên hơn và du thuyền xa xỉ đáp ứng tốt nhất nhu cầu này.
Không dễ để có thể tham gia vào phân khúc nội thất cao cấp. Đòi hỏi tuyệt đối và tổng hòa các điều kiện như công năng, vật liệu, độ tinh xảo, thẩm mỹ… tụ hội trong thiết kế tinh tế, độc đáo là điều mà không phải doanh nghiệp sản xuất nội thất nào cũng có thể đáp ứng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận tương xứng chính là động lực lớn để các doanh nghiệp toàn cầu nỗ lực tham gia thị phần trong sân chơi này. Với tất cả những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp nội thất có lẽ cần thiết sẽ phải tiếp tục dịch chuyển, tập trung hơn vào công tác phát triển sản phẩm (R&D) mới có thể đáp ứng được.
Minh Tuệ (Theo World Furniture online)