Sau khi hoàn thiện năng lực sản xuất, hệ thống phân phối trong nước và tích lũy kinh nghiệm xuất khẩu dự án sang thị trường quốc tế, hành trình 18 năm của D’Furni đánh dấu bằng sự kiện mở văn phòng tại Mỹ. D’Furni US không chỉ cung cấp giải pháp nội thất rời mà còn là cầu nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đặc biệt là nội thất và vật liệu xây dựng.
Năm 2005, khi chính thức bước chân vào ngành nội thất, tôi không nghĩ 13 năm sau đó, năm 2018, D’Furni có thể xuất khẩu container đầu tiên sang Nhật. Càng không nghĩ, 5 năm sau đó, có thể mở văn phòng tại Mỹ, trực tiếp kinh doanh trên xứ người.
Người Mỹ cần, Việt Nam có
Con đường mới mang tính chiến lược của D’Furni khởi nguồn từ việc nhìn thấy cơ hội. Năm 2022, thị trường nội thất toàn cầu được Fortune Business Insights định giá hơn 516 tỷ USD. Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 3,91%, doanh thu của thị trường nội thất Mỹ được dự đoán lên tới 243,80 tỷ USD vào năm 2023. Nghĩa là, phần lớn doanh thu của ngành nội thất toàn cầu được tạo ra ở Hoa Kỳ. Bình quân, mỗi người Mỹ chi 727,6 USD cho nội thất. Phân khúc lớn nhất của thị trường Mỹ thuộc các sản phẩm nội thất phòng khách.
Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng nội thất lớn nhất cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đường đi của sản phẩm nội thất Việt Nam đến Mỹ, chủ yếu thông qua đơn đặt hàng của các nhà phân phối lớn. Việc gia công cho các nhà bán lẻ giúp doanh nghiệp (DN) có thể sản xuất với số lượng “khủng”. Với chi phí lao động còn rẻ và lợi thế nguyên liệu rừng trồng trong nước, DN có thể sống tốt với mô hình gia công. Nhưng, ngoài dấu chỉ địa lý “made in Vietnam”, nội thất đi theo con đường này phụ thuộc hoàn toàn vào thiết kế, số lượng đơn hàng, quy chuẩn… từ phía các thương hiệu lớn. Khi thị trường biến động, điển hình nhất là đợt lạm phát kéo dài như thời gian qua, DN sản xuất dễ rơi vào khó khăn, bế tắc.
D’Furni có nhà máy ở Việt Nam, có hệ thống phân phối hoàn chỉnh ở thị trường trong nước và khả năng lẫn kinh nghiệm xuất khẩu dự án sang thị trường quốc tế. Chúng tôi cung cấp nội thất cho các dự án trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão… với hàm lượng sản phẩm tự sản xuất từ 30 đến 70%, phần còn lại là nội thất đặt hàng các DN khác, tùy theo thiết kế và nhu cầu của công trình. Chủ đầu tư có thể tiếp cận D’Furni dễ dàng qua nhiều kênh online, offline ở chuỗi cửa hàng. D’Furni cũng đã theo đuổi việc bán đồ nội thất trên Amazon một thời gian dài.
Với kinh nghiệm lâu năm cung cấp nội thất cho dự án cho toàn cầu, chúng tôi quyết định tiếp cận thị trường Mỹ với một cách làm khác. Về cơ bản, D’Furni US tiếp tục cung cấp đồ nội thất rời cho các dự án. Trải nghiệm thực tế tại đây cho thấy, thị trường các dự án đang “khát” nội thất. Xứ cờ hoa đang có hàng ngàn, hàng vạn công trình cần nội thất, quy mô không nhỏ nhưng lại không đủ lớn để đặt hàng tính theo container từ phía nhà sản xuất các nước. Các dự án cũng không đủ lực để “nuôi” bộ phận mua hàng dù chỉ một dự án.
Thị trường Mỹ cũng cần đội ngũ lắp ráp nội thất hoàn chỉnh vào công trình. Điều này DN Việt Nam hoàn toàn có lợi thế. Nước Mỹ đang cần và Việt Nam thì đang có nguồn lực để cung ứng. Cơ hội tham gia phân phối nội thất trực tiếp tại Mỹ không hề nhỏ.
Chiến lược đúng, tỉ lệ sai sẽ rất thấp
Một trong những thử thách khi phân phối trực tiếp đến thị trường Mỹ là việc đầu tư R&D. Theo thiết kế, yêu cầu của công trình, khách hàng… DN cung ứng sẽ phải phát triển các sản phẩm phù hợp. Hàm lượng sáng tạo bỏ vào sản phẩm sẽ phải nhiều hơn, dù số lượng xuất khẩu không phải là con số lớn. Đây sẽ là cơ hội để DN Việt Nam đầu tư cho đội ngũ thiết kế, từng bước sở hữu thiết kế riêng, vươn lên các giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng nội thất toàn cầu. Ngành nội thất Việt Nam thông qua đó có thêm giá trị sáng tạo.
Cũng cần nói thêm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế đang phát triển và công nghệ sản xuất nội thất đã đạt được độ chính xác rất cao, cho phép nhà sản xuất có thể cung ứng nội thất chính xác theo công trình. Giới hạn địa lý vì vậy mà không còn gây trở ngại. Đồng thời, tuy số lượng nhỏ nhưng giá bán cho phân khúc dự án sẽ cao, mang về lợi nhuận tốt hơn so với việc sản xuất hàng loạt.
Nhu cầu đổi mới thiết bị trong các khách sạn ở Mỹ rất cao. Trung bình, sau 3 – 5 năm sẽ phải thay mới nội thất. Theo quan sát của tôi, hiện thị trường có không dưới 250 chuỗi khách sạn. Chỉ cần tiếp cận được một chuỗi khách sạn, tổ chức được đội ngũ tư vấn thiết kế, đội ngũ triển khai bài bản, chuyên nghiệp… có lẽ, DN cũng đủ việc làm cả năm. Trước lượng khách du lịch đổ về Mỹ hàng năm, thêm làn sóng di cư đến các thành phố có điều kiện sống thuận lợi hơn liên tục diễn ra… dẫn đến nhu cầu xây dựng ngày một tăng cao. Tôi dám khẳng định, bước tiếp cận trực tiếp đến thị trường Mỹ là hoàn toàn cần thiết và triển khai càng sớm, sẽ càng tốt cho DN nội thất Việt Nam.
Bên cạnh cung ứng nội thất, D’Furni US còn đảm nhận vai trò kết nối cung ứng (sourcing) nguồn hàng từ Việt Nam, không chỉ nội thất mà mở rộng sang lĩnh vực vật liệu xây dựng. Tôi tin chiến lược kinh doanh đúng mang lại kết quả đúng. Chiến lược không sai, tỉ lệ sai sẽ rất thấp. Do vậy, trong thời gian đầu tiên, đội ngũ D’Furni US tập trung triển khai công tác gây dựng kết nối, tìm hiểu thị trường, hoạch định chi tiết…
Kinh nghiệm rút ra là, với thị trường Mỹ, hệ thống chuỗi giá trị được phân chia rất rõ ràng công việc kinh doanh không thể một sớm một chiều. Các đối tác Mỹ thường chấp nhận cho đối tác thử ở những phần việc nhỏ trước, chứng thực được năng lực, gây dựng được uy tín thì sẽ có được kết nối lâu dài. Vì vậy, DN nội thất Việt sẽ phải chỉnh chu, chấp nhận đầu tư lớn và có hoạch định cụ thể, chia sẻ nguồn lực sang Mỹ một cách nghiêm túc.
Vũ Tiến Thập – Tổng giám đốc D’Furni