Mang đến nhiều công nghệ chế biến gỗ từ các đơn vị cung ứng máy móc lớn trên thế giới, VietnamWood được các doanh nghiệp nội thất Việt Nam chờ đón hàng năm. Theo ông David Yang, triển lãm lần này bám sát mục tiêu chuyển đổi số mà Việt Nam đang theo đuổi.
* VietnamWood được xem là sự kiện phản ánh bức tranh ứng dụng công nghệ của ngành chế biến gỗ toàn cầu hàng năm. Theo ông, trong năm qua, công nghệ chế biến gỗ có những thay đổi gì nổi bật?
– Công nghệ sản xuất luôn thay đổi nhưng tốc độ thay đổi sẽ không quá nhanh để có thể năm sau khác hoàn toàn so với năm trước. Dựa theo định hướng chính sách chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam đến năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung nâng cấp số hóa các dây chuyền sản xuất để đạt được mục tiêu chuẩn hóa quy trình. Chính vì vậy, VietnamWood 2023 không chỉ trưng bày máy móc mà khuyến khích các nhà sản xuất quốc tế chia sẻ các giải pháp nhà máy và thiết bị kỹ thuật số cũng như dịch vụ tư vấn chuyển đổi và nâng cấp. Hy vọng nỗ lực này sẽ mang đến điều mới về công nghệ và phản ánh được xu hướng mới nổi của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
* Ông có thể kể một vài giải pháp nổi bật ứng dụng trong số hóa ngành nội thất?
– Khách tham quan sẽ được tiếp cận EVORIS – nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất nội thất của Dieffenbacher. Thương hiệu này đã mạnh dạn đưa công nghệ AI vào nhà máy gỗ. Nhờ vào ứng dụng theo dõi toàn bộ hoạt động của nhà máy, giám sát từ xa quy trình sản xuất… giải pháp của Dieffenbacher giúp doanh nghiệp (DN) tăng khả năng ứng phó với những biến động cũng như có khả năng mau chóng đưa ra quyết định đối phó với các nguy cơ.
Tiếp bước Dieffenbacher, imos AG mang đến iX 2023, một nền tảng kỹ thuật số “all in one”, giúp cho chuỗi thông tin trao đổi bên bán hàng với bên sản xuất đồng bộ với nhau. Khi sự giao tiếp hai bên không còn trở ngại, thông tin được bảo đảm không sai lệch từ thiết kế sản phẩm để cả hai có thể tùy chỉnh sản phẩm tốt hơn cũng như là việc tạo đơn đặt hàng “back-end” thuận lợi.
Bên cạnh đó, Hexagon – GCC Consultancy cũng mang đến ALPHACAM, giải pháp biến nhà máy thành nhà máy thông minh. Khách tham quan có thể trải nghiệm trực tiếp tại chỗ các công nghệ này.
* Có vẻ như giải pháp cho nhà máy thông minh đang được các DN quan tâm?
– Trong xu hướng toàn cầu hóa và tái cơ cấu chuỗi cung ứng, nhà máy thông minh đã trở thành mục tiêu chuyển đổi mà ngành sản xuất toàn cầu đang hướng tới.
Tôi nghĩ đó cũng là xu hướng phát triển mà ngành sản xuất Việt Nam cần hướng tới. Tiếp thu kinh nghiệm từ quốc tế là xu hướng sản xuất tại Việt Nam hiện nay nhưng chúng ta không thể tiếp thu toàn bộ mà phải sàng lọc cho phù hợp với giai đoạn phát triển để có thể ứng dụng các giải pháp phù hợp cho các ngành công nghiệp. Ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện là nơi xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, trong mục tiêu từng bước vươn lên top 3, việc vận hành nhà máy thông minh sẽ là yếu tố then chốt quan trọng.
* Theo ông, nhu cầu trang bị, cải tiến nhà máy để có thể triển khai mô hình nhà máy thông minh ở Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng đã đủ lớn?
– Trong những năm gần đây, xu hướng sản xuất toàn cầu bắt đầu đi vào Việt Nam, nhân công giá rẻ sớm muộn gì cũng không còn là lợi thế cạnh tranh. Do đó việc triển khai sản xuất thông minh hoặc tự động hóa công nghiệp sẽ là lựa chọn tất yếu. Điển hình như nhà máy chế biến gỗ Mau Son Industrial và nhà máy Associate Yang đã áp dụng quản lý kỹ thuật số, nhờ vậy giảm chi phí một cách hiệu quả và nắm bắt tình hình sản xuất nhà máy rõ ràng hơn. Tôi tin rằng nhà máy thông minh chắc chắn sẽ là xu hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai không xa.
* Thực tế sụt giảm đơn hàng suốt ba quý đầu năm 2023 theo ông có là rào cản khiến DN khó quyết định đầu tư máy móc trong giai đoạn này?
– Do nhu cầu thị trường toàn cầu chậm lại, đơn đặt hàng sụt giảm là một cảnh báo cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nói chung. Nhưng việc dậm chân tại chỗ của dây chuyền sản xuất không phải là một cuộc khủng hoảng mà là một bước ngoặt cho việc nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp Việt Nam. Tận dụng thời gian giảm đơn hàng để thực hiện kiểm tra máy móc cũ và tìm hiểu đưa kỹ thuật số vào sản xuất là chìa khóa để dẫn đến chiến thắng trong tương lai.
* Ngoài các nhà cung ứng máy chế biến gỗ nổi tiếng trên thế giới, VietnamWood 2023 còn quy tụ các DN trong hệ sinh thái chế biến gỗ như phụ kiện, ngũ kim… ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về đội ngũ nhà triển lãm này?
– VietnamWood xác định vai trò nền tảng hệ sinh thái chế biến gỗ. Ngoài máy móc chế biến, các linh kiện cơ khí và các công cụ cầm tay được sử dụng để chế tác các sản phẩm gỗ cũng được trưng bày bởi các thương hiệu quốc tế như J. Schmalz, KLEIN… Ngoài ra, nguyên liệu gỗ cũng là một điểm nhấn quan trọng của triển lãm với sự tham gia của Euro Forest, Global Timber, Baillie Lumber…
* Xin cảm ơn ông.
Thái Minh thực hiện