,

Lắng nghe vật liệu

Vật liệu có thể trở thành một phần quan trọng hơn nhiều trong cuộc sống hằng ngày, nó phản ánh cách con người nhìn nhận thế giới. Nhà thiết kế Bonnie Hvillum, người sáng lập Natural Material Studio nói vậy.

Từ năm 2018, Hvillum đã cùng studio nghiên cứu và thiết kế có trụ sở tại Copenhagen của cô vượt qua những giới hạn trong suy nghĩ về nguyên liệu để có thể mang đến những ứng dụng mới. Từ quần áo làm bằng than củi cho đến đồ sành sứ làm từ vỏ hải sản dư thừa, Natural Material Studio đã tạo ra các sản phẩm đặt trước bằng cách sử dụng vật liệu sinh học do chính mình phát triển.

“Vật liệu sản xuất hàng loạt quá đồng nhất”

Hvillum, một người đặc biệt coi trọng cách tiếp cận tuần hoàn, giải thích rằng: “Tôi thích làm việc từ khía cạnh “còn sót lại” hơn. Tôi muốn vật liệu đóng một vai trò tích cực trong cách chúng ta hiểu về thế giới. Tôi cảm thấy chúng ta đã trở nên quá quen thuộc và thoải mái”. Nhà thiết kế này cho rằng việc sản xuất hàng loạt đã trở nên quá thuận tiện – các vật liệu được sản xuất hàng loạt quá đồng nhất. Vải dệt bằng máy móc giống hệt nhau khi xuất xưởng, không có gì khác biệt cả. Về khía cạnh nào đó, chúng ta đã có một quy trình công nghiệp mà vật liệu trở nên khá trung tính. Cô cảm thấy chúng còn rất nhiều thứ cho chúng ta, rằng chúng có thể góp phần định hình cách chúng ta suy nghĩ, nói năng và nhận thức về thế giới.

Natural Material Studio hợp tác với hãng thời trang Moskal Design để tạo ra quần áo làm từ than củi

Natural Material Studio sử dụng sự kết hợp máy móc cơ khí đơn giản – chẳng hạn quy trình tương tự như “đánh kem” khi tạo ra B-foam có khả năng phân hủy sinh học – và nhiều kỹ thuật thủ công hơn. Ví dụ, Procel là một loại nhựa sinh học gốc protein, có thể phân hủy tại nhà, gồm chất làm mềm tự nhiên và chất nhuộm màu do studio phát triển, được chế tạo thành các tấm bằng phương pháp đúc thủ công. Khi nhắc đến những họa tiết ngẫu nhiên, độc đáo nổi lên trên bề mặt chất liệu do studio sản xuất, Hvillum cho biết chính những khía cạnh thủ công đã làm cho vật liệu trở nên đặc biệt.

Hvillum tin rằng phương pháp chế tạo chất liệu này có thể làm nổi bật giá trị vốn có trong tính chất của vật liệu. Cô nói thiết kế bền vững chỉ nên đóng vai trò là “cơ sở”. “Tôi tò mò hơn khi nói về vai trò thực sự của những vật liệu này. Chúng ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào, chúng khiến chúng ta nghĩ gì và làm gì cũng như cách chúng có thể góp phần biến đổi thế giới thay vì chỉ [tiếp cận thiết kế] bằng tư duy tuyến tính là thay thế một vật liệu này bằng một vật liệu khác hiện có, dù tất nhiên điều đó cũng cần thiết”, cô cho biết.

Chỉ khi chúng ta biết lắng nghe

Với nền tảng đào tạo chủ yếu là thiết kế tương tác, Hvillum trước đây đã thành lập một công ty tư vấn có tên Social Design Lab. Theo cô, công ty hiện không còn tồn tại này đã hỗ trợ các tổ chức chuyên nghiệp, bao gồm cả các đảng phái chính trị, với phương châm “làm sao cho họ có thể suy nghĩ một cách toàn diện hơn, hay “tư duy tuần hoàn”, như cách chúng ta gọi ngày nay, trong mọi khía cạnh nguồn lực, gồm cả nguồn nhân lực và vật chất”.

Hvillum giải thích về quyết định thành lập Natural Material Studio: “Tôi không chỉ trích mọi thứ. Các quy trình, lời khuyên, chiến lược và những thứ khác đang hỗ trợ rất nhiều. Tôi cần sự kết nối đó với thế giới tự nhiên”.

Bất chấp sự thay đổi, người sáng lập Natural Material Studio nhấn mạnh rằng sự tương tác giữa con người với nhau vẫn là cốt lõi trong hoạt động của cô. “Tôi rất tò mò và say mê với điều mà chúng ta gần như có thể gọi là khía cạnh nhận thức của những quá trình vô thức trong não chúng ta. Kiểu như, tại sao chúng ta lại trải nghiệm một số vật liệu theo cách này và những vật liệu khác theo cách khác?”.

Studio còn tạo ra những tấm vải co giãn làm từ gạch

Trong tuần lễ thiết kế Milan gần nhất, studio đã trưng bày Brick Textiles – những tấm vải co giãn được làm từ sự kết hợp giữa Procel và gạch tái sử dụng có độ xốp cao, vốn là rác thải từ các dự án phá dỡ. Theo Hvillum, dự án này có đặc trưng là những viên gạch “mềm” khác thường, gợi lên những cách nghĩ mới về nguồn tài nguyên hiện có.

Cô lạc quan rằng có thể thay đổi cách người tiêu dùng và nhà thiết kế nghĩ về vật liệu. “Thật hứng khởi khi nói chuyện với những người trẻ tuổi vì họ thực sự nhìn thế giới theo một cách rất khác. Những thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến xung quanh vấn đề bình đẳng xã hội – ví dụ như sự linh hoạt về giới tính – tất cả những điều này cũng truyền cảm hứng rất nhiều khi chúng ta nói về thiết kế, kiến trúc và nghệ thuật, bởi vì nó khiến chúng ta bắt đầu hiểu rằng những lĩnh vực này cũng có thể linh hoạt và bình đẳng. Tôi cảm thấy những phong trào mà chúng ta đang chứng kiến ở cấp độ văn hóa và xã hội thực sự có thể cung cấp thông tin cho chúng ta theo nhiều cách trong lĩnh vực thiết kế và kiến trúc – nhưng chỉ khi chúng ta biết lắng nghe”, Hvillum đúc kết.

Nguyên Minh (Nguồn: www.dezeen.com)

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác