Không chỉ Lacey Act, FSC hay FLEGT… các DN chế biến gỗ sẽ phải đối mặt với hàng loạt các quy định mới, từ CBAM tới EUDR hay mới đây nhất là Chiến lược thương mại xanh của hải quan Mỹ. Công tác sản xuất sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe hơn như đảm bảo truy xuất nguồn gốc, hạn chế phác thải carbon, dùng vật liệu xanh… Đứng trước các quy chuẩn mới, DN chế biến gỗ Việt Nam phải có những bước chuẩn bị rốt ráo để có thể thích ứng.
Tháng 8/2023, AkzoNobel, đơn vị cung ứng sơn và các giải pháp bề mặt nhận được đơn hàng từ một doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ lớn. Nhà máy cần giải pháp cho bề mặt có hiệu ứng kim khí (mech-effect), có khả năng kháng nước, độ bền cao, nguyên liệu gốc nước, an toàn, thân thiện với môi trường và đặc biệt là giảm thiểu phác thải để có thể phục vụ cho khách hàng phân khúc cao cấp ở Mỹ. “Đây là yêu cầu có tính chất thử thách lớn, để đáp ứng được, đội ngũ kỹ thuật của AkzoNobel phải nghiên cứu hàng tháng trời mới có thể tìm ra giải pháp cho khách hàng”, ông Tee Loi Gan, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật, đơn vị sơn gỗ, khu vực Nam Á, AkzoNobel nhận xét.
Không đi quá nhanh
Ngoài yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, theo ông Gan, đơn hàng này thể hiện tính chuyển đổi của DN xuất khẩu nội thất, trước xu hướng sản xuất xanh. Xuất khẩu nội thất từ lâu đã gắn liền với các mục tiêu bền vững, cụ thể là sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, không chứa các hợp chất gây hại cho sức khỏe… nhưng nhu cầu tiêu dùng bền vững từ phía người dùng lẫn những kiểm soát ngày càng gắt gao hơn từ phía các cơ quan quản lý đang đặt ngành trước những đòi hỏi mới. Mục tiêu tổng thể trong tham vọng khí hậu của EU là tính trung lập về khí hậu vào năm 2050. Do vậy, sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu, trong đó có nội thất, không những phải được sản xuất trên đất rừng trồng hợp pháp mà còn gánh trên đó giá trị hàm lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất. “Cùng với đòi hỏi từ phía người dùng đã đề cao tính bền vững hơn trước, các tiêu chuẩn mới đặt ra nhiều thách thức cho DN Việt Nam. Thời gian vẫn còn nhưng nếu không sớm chuẩn bị, nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh là hoàn toàn có thật”, tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, nhận xét.
Trước ví dụ điển hình cho việc mất lợi thế cạnh tranh là sự sụt giảm đột ngột đơn hàng của ngành dệt may về tay đối thủ cạnh tranh là Bangladesh, các DN sản xuất nội thất Việt Nam phần nào đã có những dè chừng nhất định. Tuy nhiên, cách thức đầu tư và chiến lược chuyển đổi khá thận trọng. Ông Dwayne Wood, Tổng giám đốc Kaiser Việt Nam cho biết từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, Kaiser đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường của quốc gia sở tại và đòi hỏi của thị trường nhập khẩu. “Chúng tôi theo đuổi các đòi hỏi phát triển bền vững nhưng không áp lực phải tiên phong mà đầu tư theo nguyên tắc đón đầu. Nghĩa là sẽ tìm kiếm các giải pháp để vượt hơn các đòi hỏi hiện tại của thị trường nhưng cũng không đi quá xa để đảm bảo khoản đầu tư của mình được tối ưu”, ông chia sẻ.
Đối tác xanh, quy trình xanh
Nói về các quy chuẩn mới trong Thỏa thuận xanh châu Âu, ông Dwayne cho biết nhà máy cũng đã có chiến lược phù hợp. Trong đó việc chọn lựa đối tác tương đồng là quan trọng nhất bởi sản xuất nội thất đòi hỏi DN phải quy tụ được một hệ sinh thái với hàng loạt nhà cung cấp, đối tác khác nhau. “Với nhà cung ứng sơn, chúng tôi chọn AkzoNobel, thương hiệu đảm bảo các tiêu chuẩn xanh khắt khe nhất của thị trường thế giới…”, đại diện Kaiser nhận xét.
Theo người điều hành Kaiser, đối tác cung ứng xanh sẽ giúp DN đảm bảo việc “xanh hóa” toàn quy trình sản xuất của các DN nội thất. Đồng quan điểm, ông Tee Loi Gan cho biết với lợi thế của một thương hiệu có quy mô toàn cầu, nhiều nhà sản xuất nội thất sẽ mặc định giới thiệu AkzoNobel tới khách đặt hàng như một “bảo chứng” gắn liền với sự an toàn, thân thiện với môi trường và chất lượng.
Thực tế, AkzoNobel hiện có 4.000 nhà khoa học đang nghiên cứu và làm việc để thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. AkzoNobel tập trung thử nghiệm, cải tiến các quy trình để giảm thiểu chất thải rắn và tiết kiệm năng lượng cũng như các tài nguyên khác. Từ đó thương hiệu này tạo ra một tiêu chuẩn xanh cho các sản phẩm sơn, cung cấp các dòng sơn sinh thái cao cấp và sản phẩm sơn chất lượng cao. Các dòng sơn phủ bề mặt nội thất không nằm ngoài tiêu chuẩn ấy. “Quan trọng là chúng tôi hợp tác với DN sản xuất rất chặt chẽ, tổ chức các buổi đào tạo, huấn luyện về cách sử dụng, cải thiện hiệu năng để DN có thêm lợi thế cạnh tranh. Như vậy lựa chọn đối tác như AkzoNobel là giải pháp hiệu quả vì vừa đáp ứng những đòi hỏi về chứng nhận quốc tế, vừa được hỗ trợ kỹ thuật để cùng chinh phục các giải pháp sản xuất xanh”, ông Gan nhấn mạnh.
Người đứng đầu mảng sơn nội thất của AkzoNobel cho biết, so với các quốc gia khác như Singapore hay Indonesia, thị trường Việt Nam có đặc thù khác biệt là sự năng động. DN nội thất thường xuyên yêu cầu phải cung ứng mẫu trong thời gian ngắn. Do vậy đội ngũ kỹ thuật của AkzoNobel luôn phải hành động thật nhanh để đáp ứng.
Nhờ chính sách phát triển nhân lực phù hợp, AkzoNobel có được đội ngũ kỹ thuật lành nghề với không ít thành viên đã gắn bó hơn 20 năm. Lợi thế này giúp họ có thể chinh phục được các đòi hỏi không ngừng nâng cao của các DN sản xuất nội thất. Ông Tee Loi Gan dự đoán: “Trong tương lai, với định hướng về phát triển bền vững đã được cam kết cụ thể ở COP26, các chính sách của Chính phủ Việt Nam sẽ tiến dần tới các tiêu chuẩn sản phẩm thân thiện, an toàn cao hơn, DN nội thất phải xanh cả khi xuất khẩu lẫn phục vụ thị trường nội địa. Do vậy, những đòi hỏi từ phía DN sản xuất nội thất sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa”.
Thanh Xuân