,

Chuyên gia thương hiệu Trần Tuệ Tri: Thương hiệu xanh tạo lợi thế cạnh tranh

“Bên cạnh việc kinh doanh, doanh nghiệp nào xây dựng được câu chuyện thương hiệu gắn với phát triển bền vững thì sẽ có được thành công”- chuyên gia thương hiệu Trần Tuệ Tri khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Gỗ & Nội thất chung quanh những áp lực mà doanh nghiệp Việt phải đối diện khi thực hiện CBAM hay EUDR…

 

* Ngoài những quy định khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu hợp pháp, không phá rừng… thì xu hướng lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng sẽ là áp lực không nhỏ buộc các doanh nghiệp (DN) phải tích cực chuyển đổi, hiện đại hóa mô hình sản xuất. Theo bà, ngành chế biến gỗ nói riêng và các ngành sản xuất nói chung có cơ hội nào từ áp lực phải chuyển đổi này?

– Phát triển bền vững là tất yếu trong cạnh tranh. Các nước trên thế giới đều có những cam kết trong Hội nghị COP26, riêng Việt Nam cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều đáng nói là tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng ngày một nâng cao (ở các nước phát triển, thì đây là yêu cầu tất yếu).

Các DN cần có sự chuẩn bị để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh và đáp ứng được yếu tố xanh hóa. Có thể nói bên cạnh việc kinh doanh, DN nào xây dựng được câu chuyện thương hiệu gắn với phát triển bền vững thì sẽ thành công. ESG (viết tắt của 3 từ Environmental – môi trường), Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của DN đến cộng đồng) có nhiều tiêu chí, DN có thể chọn một số yếu tố làm đòn bẩy để làm tốt nhất.

* Theo bà, chuyển đổi xanh có thể trở thành một trong những thế mạnh để từ đó xây dựng thương hiệu ngành nội thất Việt Nam? Chẳng hạn nội thất xanh “made in Vietnam”?

– Chuyển đổi xanh có thể trở thành thế mạnh để xây dựng thương hiệu ngành nội thất Việt Nam. Chúng ta có thể xem xét định vị thương hiệu này. Vấn đề còn lại là chọn điểm mạnh nào để xây dựng câu chuyện trong lĩnh vực nội thất xanh bởi có nhiều yếu tố như vật liệu xanh, sản xuất xanh để giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu các chất độc hại…

Ví dụ: Việt Nam có thế mạnh về tay nghề của người lao động, giá thành sản phẩm cạnh tranh, nguồn nguyên vật liệu phong phú như tre, nứa… có thể tạo sự khác biệt và bền vững. Hoặc việc tái sử dụng đồ nội thất vì người Việt Nam có thói quen tiêu dùng là sửa chữa lại các vật dụng “lấy cũ làm mới” và tôn vinh giá trị của đồ cổ. Hay quy trình sản xuất tránh những chất độc hại, giảm phát thải nhà kính…

* Việc xây dựng thương hiệu xanh cho ngành gỗ cần bắt đầu từ đâu?

– Xây dựng thương hiệu xanh cho ngành cũng giống như xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm, một thành phố hay một quốc gia. Trước tiên cần tìm ra điểm mạnh, điểm yếu và điểm cân bằng. Đặc biệt, khi xây dựng thương hiệu xanh thì cần kể được câu chuyện xanh qua thiết kế, qua các yếu tố xanh như tín chỉ carbon và phải có giá thành cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, theo tôi, cần tập trung vào sáng tạo và thiết kế, con người tài năng, quản lý và xây dựng hệ sinh thái.

* Những kênh truyền thông nào ngành gỗ có thể tận dụng để kể về câu chuyện xanh hóa và mục tiêu phát triển bền vững này?

– Trước tiên cần có chiến lược truyền thông, trong đó phải có các thương hiệu biểu tượng để kể câu chuyện này. Tùy theo đối tượng phục vụ mà có chiến lược truyền thông phù hợp. Ví dụ với các khách hàng B2B thì thông qua các expo, chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị hội thảo… Với B2C thì xây dựng Flagship brand (tạm dịch: Thương hiệu hàng đầu) của Việt Nam, kéo theo các DN khác làm thành một “cửa hàng tổng” để giới thiệu và trưng bày sản phẩm; các kênh social media để lan tỏa…

* Trong tiến trình xây dựng thương hiệu xanh cho ngành nội thất, vai trò của nhà nước, các hiệp hội và từng DN sẽ thế nào?

– Đây sẽ là vai trò của tất cả cá nhân và tổ chức:

Với các cơ quan ban, ngành: Có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện,  tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí, ưu đãi về thuế, chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi cho DN cũng như người tiêu dùng. Các chương trình thúc đẩy giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon,…

Các hiệp hội: Đào tạo, huấn luyện giúp DN gia tăng kỹ năng về quy trình sản xuất xanh, thiết kế xanh, đóng gói xanh… Tổ chức hoạt động khuyến mãi cho “Ngày nội thất xanh” với nhiều chương trình, hoạt động, đổi cũ lấy mới, tái chế sản phẩm…

Cuối cùng là các DN, phải cùng nhau tạo hệ sinh thái nội thất xanh đẹp, giá cả cạnh tranh, tạo lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất.

* Như bà đã từng trao đổi, thương hiệu của ngành sẽ là một mắt xích trong hệ sinh thái của thương hiệu quốc gia. Việc xây dựng thương hiệu xanh cho ngành nội thất sẽ gắn với việc xây dựng thương hiệu Việt Nam như thế nào?

– Chế biến gỗ nằm trong top 5 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Như vậy, việc xây dựng thương hiệu cho ngành chế biến gỗ là cực kỳ cần thiết và sẽ là nền móng để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu quốc gia. Khi xây dựng được thế mạnh của ngành sẽ giúp tạo nên hình ảnh một Việt Nam phát triển xanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng GDP. Có thể lấy IKEA làm ví dụ. Nói đến IKEA là nói đến thương hiệu hàng đầu của ngành nội thất Thụy Điển. Nếu như chúng ta cũng xây dựng được những thương hiệu như thế sẽ kéo theo các DN trong ngành cùng vươn ra thế giới, đóng góp cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam.

* Xin cảm ơn bà.

Thủy Tiên thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác