,

Nhận diện động lực tăng trưởng

Nền kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường, Việt Nam chịu tác động tiêu cực do cầu thế giới thấp khiến động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước đều gặp thách thức. Nhưng vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan.

 

Các chuyên gia kinh tế phân tích năm 2023 Việt Nam vượt qua vòng xoáy của nhiều “cơn gió ngược” đến từ kinh tế toàn cầu và những khó khăn trong nước. Nhờ vậy, sau quý I/2023 nền kinh tế bắt đầu le lói tín hiệu khởi sắc ở các bình diện từ tháng 5. Các bánh xe của “cỗ xe tứ mã” gồm đầu tư công, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đều có chuyển biến.

Nhiều cơ hội tăng trưởng

Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho biết từ giữa 2022 đến nay, Quốc hội, Chính phủ liên tục đưa ra nghị quyết trong hai năm 2022-2023 để đưa kinh tế Việt Nam “đi ngược”. Trong lúc thế giới nhiều biến động, Chính phủ đã áp dụng chính sách “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cố gắng ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính, giữ dòng tiền, kéo giảm lãi suất đồng thời kiểm soát lạm phát… Nhiều giải pháp về lý thuyết là đi ngược nhau nhưng lại khá thành công. Năm 2023 dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực. “Gần đây, đơn hàng trong các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ… đã trở lại. Đó là tín hiệu cho thấy xuất khẩu có thể cải thiện trong năm 2024 nhưng dự báo thị trường thế giới vẫn còn khó khăn” – TS. Trần Du Lịch nêu thực tế.

Trước những tín hiệu tốt, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) – ĐHQG Hà Nội, nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6%-6,5% mà Quốc hội giao là thách thức lớn nhưng có thể đạt được. Theo ông Việt, cơ hội và thách thức cho tăng trưởng là đan xen. Việt Nam đã và đang khẳng định có thể đi ngược để duy trì, phục hồi đà tăng trưởng bền vững. “Năm 2024, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, bên cạnh kỳ vọng sự lan tỏa của đầu tư công” – TS. Nguyễn Quốc Việt nói.

Phân tích cụ thể, ông Việt cho rằng thách thức của nền kinh tế đến từ đòi hỏi doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kích thích những xu thế tiêu dùng bền vững; cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thể chế. Đây cũng chính là những yếu tố giúp duy trì các động lực tăng trưởng, bảo đảm đạt chỉ tiêu GDP năm 2024 và những năm tiếp theo.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng nếu tận dụng tốt các cơ hội bên trong và bên ngoài, Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%. “Chúng ta phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, hỗ trợ DN trong nước phát triển, thúc đẩy nhiều hơn nữa đầu tư từ DN trong nước và đầu tư nước ngoài. Trong đó những định hướng, giải pháp lớn đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Quốc hội” – ông Hưng nói.

DN nỗ lực vượt khó

Ở góc độ DN, TS. Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA), phản ảnh năm 2023 cộng đồng DN phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù Nhà nước và các cơ quan hữu quan đã có nhiều nỗ lực trong việc kéo giảm lãi suất, tuy vậy cái khó nhất của DN hiện nay là tìm thị trường. “Chúng ta chỉ có một điểm sáng để tạo được sự tăng trưởng là việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản do giá cả thị trường tăng và chúng ta tạo được những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh như vậy, DN phải nỗ lực xoay sở để duy trì sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động” – ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Dự đoán năm 2024, Chủ tịch HUBA cho rằng khó khăn vẫn còn, buộc DN vẫn phải xoay sở. “DN kỳ vọng năm 2024 với sự tham gia tích cực, chủ động và khẩn trương của các cơ quan quản lý sẽ tập trung giải phóng các nguồn lực. Hiện nay, nguồn lực về vốn cơ bản thành công. Tuy nhiên, để cho nguồn vốn được hấp thu thì phải giải phóng nguồn lực đất đai, kết hợp với các cơ chế chính sách khác để đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu” – ông Hòa nói.

Chủ tịch HUBA cho biết thêm trong khó khăn, rất nhiều DN nỗ lực tìm cơ hội đi vào những thị trường mới, đưa ra những ý tưởng kinh doanh, sản phẩm mới và rất cần sự trợ lực. “TP. Hồ Chí Minh đang kích hoạt trở lại chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ DN trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tìm ra được những sản phẩm mới, thị trường mới, đón đầu chu kỳ quay trở lại trong 1 năm – 1,5 năm nữa. Tới lúc đó, với sự chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ có sản phẩm, hàng hóa để đẩy mạnh xuất khẩu” – TS. Nguyễn Ngọc Hòa kỳ vọng.

Riêng với chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ đã có tín hiệu tốt khi đơn hàng tăng trở lại từ tháng 7/2023 nhưng tính chung cả năm, tăng trưởng vẫn giảm so với năm 2022 và không có đột phá lớn. Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA cho biết thời gian tới HAWA sẽ cơ cấu tổ chức của mình thành các nhóm ngành hàng đồng thời tập trung xúc tiến thương mại cho các nhóm ngành hàng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… “DN ngành gỗ đang ở thế hệ của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xuất khẩu. Do chưa có nhiều nhân tố mới nên nhìn chung vẫn nhiều thách thức. Chúng tôi khuyến khích các DN trẻ không chỉ đầu tư sản xuất mà còn phát triển phần mềm, thiết kế, thương mại điện tử…” – ông Nguyễn Chánh Phương bày tỏ.

Linh Đan

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác