, ,

Ngành gỗ và nội thất Việt 2024: 5 xu hướng phát triển

Với kết quả kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 79% kế hoạch đề ra năm 2023, ngành gỗ và nội thất năm 2024 cần có những thay đổi quyết liệt để chào đón sự khởi sắc trong biểu đổ tăng trưởng.

 

Dựa trên các thay đổi quan trọng trong nước và quốc tế, 5 xu hướng phát triển sau đáng tham khảo cho chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp (DN).

Khối FDI tăng mạnh từ Trung Quốc

Năm 2023, báo cáo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng và xu hướng phát triển giai đoạn 2020 tới 9 tháng năm 2023” vừa được Tổ chức Forest Trends phối hợp với các hiệp hội gỗ công bố, số lượng dự án FDI đầu tư mới tăng so với năm 2022, đứng đầu là Trung Quốc.

Những số liệu cho thấy bức tranh thị trường gỗ Việt sôi động hơn, tăng trưởng về số lượng và chất lượng. Các DN trong nước cần có chiến lược tổng thể để rút ngắn khoảng cách, tận dụng hiệu quả lợi ích khoa học – kỹ thuật và sức hút từ nhóm doanh nghiệp FDI.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải Quan đến hết tháng 11/2023, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tập trung vào Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, Mỹ chiếm hơn 50%. Đây là các nhóm thị trường “quen mặt” trong nhiều năm qua. Ở mọi lĩnh vực, sự phụ thuộc cố định luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường như tình trạng ngành xuất khẩu nội thất 3 năm qua. Mặc dù các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, tỷ lệ hàng tồn kho tại Mỹ giảm mạnh đang để ngỏ tín hiệu tích cực cho việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, các DN cần có hướng đi mới, đa dạng thị trường để bền vững đầu ra.

Sản phẩm nội thất và trang trí nội thất ứng dụng sơn mài với thiết kế trừu tượng thanh nhã của World of Art Craft được ưa chuộng tại châu Âu

Nắm bắt thực trạng này, nhiều đơn vị sản xuất đã bắt tay với các đối tác từ thị trường nhập khẩu lớn trên toàn cầu như Australia, Canada, Tây Ban Nha, Ấn Độ. Số liệu ghi nhận từ hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất Việt Nam năm 2024 – HawaExpo, cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ lượng khách đăng ký từ Ấn Độ, nhóm nước Trung Đông. Phát triển song song thị trường nội địa cũng là chiến lược được các chuyên gia kinh tế gợi ý cho DN.

Sự trỗi dậy bắt buộc của mảng thiết kế

Theo PGS-TS. Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài. Đối với đồ gỗ nội thất, chỉ số này cũng trên 70%. Năm 2024, đứng trước thực trạng kinh tế toàn cầu còn ảm đạm và xu hướng tiêu dùng hướng đến tính thẩm mỹ cao, việc phát triển năng lực thiết kế là xu thế bắt buộc diễn ra để một tên trúng 3 đích: Nâng cao năng lực cạnh tranh; đưa cơ cấu chuyển dịch đúng hướng từ gia công – sản xuất lên sản xuất – thiết kế; tăng cường định vị nội thất made in Vietnam trên thị trường quốc tế.

Từ năm 2021, số lượng thương hiệu thiết kế nội thất tăng đều. Ở mảng đồ thủ công mỹ nghệ, nhiều DN xây dựng hẳn đội ngũ thiết kế in-house như VietS, World Of Art Craft. Nhờ đó, bên cạnh các mẫu mã đáp ứng đa dạng gu thẩm mỹ thế giới, họ chủ động tạo ra bộ sưu tập giới thiệu ở hội chợ quốc tế hàng đầu như HawaExpo tại Việt Nam và nước ngoài như Ambiente (Đức). Cũng lần đầu tiên, các đơn vị thiết kế nội thất và cung cấp giải pháp sáng tạo liên quan sẽ được quy tụ và giới thiệu với khách quốc tế trong một không gian riêng biệt Creative Halltại White Palace Phạm Văn Đồng, trong khuôn khổ HawaExpo 2024.

Số hóa và xanh hóa

Năm 2024, Thông tư 04/2023 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chính thức có hiệu lực. Theo đó, các DN bắt buộc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm gỗ công nghiệp với các ngưỡng kỹ thuật về độ bền, nồng độ formaldehyde. Chính sách này hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm toàn ngành trong và ngoài nước.

Với khối xuất khẩu, năm nay vẫn còn nhiều thử thách với hàng loạt quy định mới từ các thị trường nhập khẩu trọng điểm. Đơn cử, quy định của EU về chống phá rừng, Nghị định 102 về hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam, thỏa thuận 301 giữa hai nước về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) do Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất, nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi nguồn cung từ thị trường Đức. Vì vậy, các DN chắc chắn phải tăng tốc để cải thiện hệ thống quản trị, chủ động minh bạch thông tin đầu ra – đầu vào bằng chứng chỉ, phần mềm hỗ trợ, tăng cường trách nhiệm giải trình để quản trị rủi ro, đồng thời phát triển sản phẩm mới có hàm lượng kỹ thuật, tính sáng tạo cao, thân thiện với môi trường… để tăng sức cạnh tranh.

Gian hàng liên tục đón khách tại HawaExpo 2023

Đẩy mạnh giao thương nội địa

Năm 2024 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại. Các hội chợ xuất khẩu quốc tế hứa hẹn mở rộng quy mô, hiện đại hóa cách thức tổ chức để nâng dần tầm vóc. Đơn cử như HawaExpo – Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất được đánh giá chuyên nghiệp nhất hiện nay thông báo sẽ nâng quy mô gấp 3 lần, quy tụ có chọn lọc với 80% DN gia công Việt Nam và thực hiện chiến dịch marketing toàn cầu nhằm thu hút 30.000 khách. HawaExpo diễn ra 6-9/3/2024 được kỳ vọng tạo ra đòn bẩy cho kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Uyên Bùi

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác