,

Luật gia Ngô Bảo Lâm – Chánh văn phòng VBI Global: Tư duy sâu và đi cùng nhau để tạo nên giá trị mới

Hướng đến mục tiêu trở thành chiếc cầu nối cho các doanh nghiệp (DN) Việt mở rộng kinh doanh và đầu tư ở thị trường quốc tế, VBI Global hội tụ các nguồn lực phát triển kinh tế cộng đồng và xây dựng nền tảng giúp DN Việt phát triển bền vững. Theo ông Ngô Bảo Lâm, trong năm 2024, tổ chức này sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho một số ngành, trong đó có DN ngành nội thất tiếp cận khách mua hàng tại Hoa Kỳ.

 

* Tháng 4/2023, gần 2.000 khách mời đến từ 250 DN do người Việt làm chủ ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Việt Nam đã có dịp tụ hội ở Houston, Texas, Hoa Kỳ để cùng tham dự VBI Global Conference & Expo. Việc tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh khá ấn tượng này hướng đến mục tiêu nào, thưa ông?

– VBI Global là một tổ chức phi lợi nhuận, phi tôn giáo, phi chính trị được thành lập với mong muốn kết nối các doanh nhân Việt đang kinh doanh, đầu tư toàn cầu, cùng phát huy sức mạnh gắn kết để nâng cao uy tín cộng đồng người Việt. VBI Global Conference & Expo 2023 là sự kiện thứ ba, sau hai lần chúng tôi tổ chức thành công tại Washington DC và Los Angeles.

Sự kiện thành công nhờ đáp ứng được nhu cầu kết nối, mở rộng kinh doanh của các DN Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức, lạm phát khiến người mua hàng thắt chặt chi tiêu. Nhiều MOU được ký kết, nhiều mối quan hệ hợp tác đã được triển khai sau chương trình, tạo cơ hội cho các DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước. Vì sao các DN Trung Quốc luôn tạo được kết nối để có lợi thế chung còn DN Việt Nam thì chưa?

Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai VBI Global Conference & Expo, cũng ở Houston, vào tháng 5/2024, với quy mô lớn hơn rất nhiều lần. Sự kiện này tập trung hỗ trợ nhiều cho các DN Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng như nội thất, vật liệu xây dựng, nông sản thực phẩm và một số ngành nghề khác.

* Địa điểm này có gì khác biệt?

– DN Việt Nam đang hoạt động khắp mọi nơi trên toàn cầu nhưng trên bản đồ xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng tâm. Thị trường này còn khá nhiều tiềm năng, và hơn hết là chưa bị ảnh hưởng lớn bởi các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, sức mua vẫn ổn. Chính sách kiềm chế lạm phát hiệu quả đã giúp nền kinh tế này trụ vững và tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh đó, VBI Global có được hậu thuẫn lớn từ phía chính quyền địa phương. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đón nhận đội ngũ doanh nhân Việt Nam vào Hoa Kỳ, chính quyền Houston còn giới thiệu và tổ chức cho các DN Hoa Kỳ đến tham gia. Các hiệp hội DN ở Mỹ cũng sẽ kêu gọi thành viên tìm kiếm đối tác ở sự kiện này. Khi quy mô được mở rộng, chương trình cũng sẽ phong phú hơn, với các hoạt động kết nối giao thương, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, hoạt động tư vấn cho DN Việt Nam có thêm kỹ năng chinh phục thị trường quốc tế…

* Theo quan sát của ông, cơ hội để DN Việt Nam chinh phục khách hàng toàn cầu có lớn?

– Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng của các thương hiệu quốc tế. Khả năng sản xuất của các DN Việt Nam đã được xác thực qua việc cung ứng sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, khi nhìn lại khung giá trị mà các DN Việt Nam nhận được, các thành viên sáng lập VBI luôn tiếc nuối, vì sao chúng ta đa phần chỉ gia công? DN Việt Nam đang có những hạn chế nào?

Câu trả lời nằm ở kỹ năng kinh doanh. DN Việt chỉ tập trung vào thế mạnh sản xuất nhưng tư duy kinh doanh còn ngắn, còn phụ thuộc vào thiết kế và đơn hàng “cầm tay chỉ việc”. Những hạn chế đó chỉ có thể giải quyết được khi DN trang bị một tâm thế hoàn toàn khác trong kinh doanh, bước chân ra tiếp cận trực tiếp đến thị trường toàn cầu. Đó chính là lý do sau VBI Global Conference & Expo 2023, chúng tôi tổ chức chương trình kết nối tại TP.HCM, mời nhiều chuyên gia xuất khẩu sang Mỹ trong nhiều lĩnh vực đến chia sẻ kinh nghiệm. Những kiến thức “thực chiến” như pháp lý, thuế, tài chính, vận hành DN, văn hóa bản địa,… từ phía người đi trước giúp ích rất lớn cho DN.

* Cụ thể, những cái “khác” ấy là gì?

– Trong các hoạt động, VBI luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các DN Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu, tiếp cận người dùng bằng chính tên tuổi của mình. Công việc nghiên cứu và phát triển, tư vấn chiến lược tiếp cận thị trường khác với việc gia công, DN phải đi vào chiều sâu, bằng cách đảm bảo chất lượng, có khả năng chịu đựng về mặt tài chính và có tư duy xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Ngoài ra, DN còn phải có tầm nhìn xa, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nếu cứ giữ tư duy kinh doanh ngắn, xem đối tác như là nguồn lợi trước mắt thì rất khó để tồn tại. DN phải có tư duy mới và mở, có chiến lược kinh doanh cụ thể thì mới tiếp cận được thị trường toàn cầu.

Có một điển hình khá thú vị mà tôi có dịp tiếp cận là một thành viên của VBI Global, chuyên kinh doanh mảng vật liệu xây dựng. Sở hữu thế mạnh sản xuất tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển bền vững của mình, ông ấy thuê hẳn DN Mỹ làm dịch vụ sales. Hoạt động kinh doanh hiệu quả, công ty tiến đến sáp nhập đối tác của mình rồi từ đó sử dụng tiềm năng, nguồn lực, tiếp tục phát triển tại Hoa Kỳ và từng bước đi xa hơn. Điển hình này cho thấy, có nhiều cách tiếp cận để thành công ở thị trường quốc tế. Hội chợ chỉ là bước khởi đầu, DN đến với VBI để được hỗ trợ, để không cảm thấy đơn độc khi có cộng đồng đi cùng nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nỗ lực và sự sáng tạo của mình.

* Xin cảm ơn ông!

Việt Phương thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác