Việt Nam nên thâm nhập thị trường cao cấp bởi chúng ta có rất nhiều lợi thế về nền tảng khi là nước xuất khẩu gỗ top đầu thế giới. Chúng ta sẽ nhanh chóng khẳng định được vị thế nếu tham gia chuỗi cung ứng nội thất cao cấp cho thị trường quốc tế.
* Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm trở thành áp lực cho ngành chế biến gỗ trong năm 2023. Bước sang năm mới, theo đánh giá của ông, triển vọng phục hồi của ngành thế nào?
– Khó khăn sau đại dịch Covid-19, lại thêm cuộc khủng hoảng chính trị đã giáng thêm một đòn chí mạng vào nền kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu nói riêng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu gỗ. Tôi nghĩ, tình hình vẫn còn rất khó khăn vì chiến tranh, khủng hoảng chính trị vẫn đang leo thang và mở rộng.
Tất nhiên chúng ta phải tìm mọi biện pháp để thích nghi và tìm cơ hội để tồn tại, phát triển. Trước mắt, DN Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ hệ thống, quy trình và cả triết lý kinh doanh để thích ứng và mở rộng thị trường. Không nhất định phải bám víu vào một phân khúc, một thị trường cố định. Chiến lược lâu dài có thể là phân bổ lại nguồn lực và lập liên minh, tạo chuỗi cung ứng mạnh và bền vững. Các lợi thế về chính sách, nhân công giá rẻ trước sau gì cũng mất, chất lượng sản phẩm trong đó hàm lượng về sáng tạo hay độ tinh vi, tay nghề cao sẽ là lợi thế mới với lao động Việt Nam.
* PT&T Wood là thương hiệu sản xuất bàn ghế hàng đầu cho các dự án cao cấp trên thị trường. Ông đánh giá thế nào về phân khúc này? Đây có phải là mảnh đất chứa đựng niềm hy vọng cho các DN sản xuất nội thất Việt Nam?
– PT&T Wood sản xuất bàn ghế cao cấp hơn 10 năm nay. Hiện tại thị trường này ngày càng tốt hơn vì khách hàng càng chú trọng đến chất lượng và thẩm mỹ, tin dùng sản phẩm có tên tuổi. Vì vậy đây là mảnh đất tiềm năng để các DN theo đuổi. Như đã nói, lợi thế nhân công giá rẻ sẽ dần mất đi vì mức thu nhập của người Việt đang tăng, đặc biệt ứng dụng tự động hóa trong sản xuất đã làm thay rất tốt với các công việc đơn giản. Việt Nam nên và sẽ thâm nhập thị trường cao cấp này bởi chúng ta có rất nhiều lợi thế về nền tảng khi đang là nước xuất khẩu gỗ top đầu thế giới. Chúng ta sẽ nhanh chóng khẳng định được vị thế nếu tham gia chuỗi cung ứng nội thất cao cấp cho thị trường quốc tế.
* Kinh nghiệm của PT&T Wood trong việc thâm nhập thị trường quốc tế là gì?
– Để được chấp nhận xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao, PT&T Wood đã phải tự chứng minh năng lực bằng cách R&D những sản phẩm tốt trước khi có đơn hàng cụ thể. Các nhà mua hàng quốc tế khá kỹ lưỡng trong vấn đề kiểm tra năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra truyền thông cũng phải được tổ chức bài bản. Hoạt động này rất cần thiết để đối tác tiềm năng có thể biết, tìm đến mình một cách nhanh chóng khi có nhu cầu và cơ hội hợp tác.
Một cơ hội khác nữa, là DN Việt Nam có thể tham gia xuất khẩu không gian nội thất, mang đến một dự án hoàn thiện cho khách hàng quốc tế.
* Cần thỏa những điều kiện nào để có thể xuất khẩu cả không gian nội thất, thưa ông?
– Xuất khẩu dự án được hiểu là xuất khẩu những không gian nội thất, trong đó có thiết kế và cung ứng nội thất hoàn thiện cho dự án. Điều này đòi hỏi hàm lượng chất xám cả trong quản lý, vận hành và trong sản phẩm. Nó yêu cầu DN phải có năng lực quản trị ở mức độ cao và am hiểu về lao động, tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Đây là một thử thách nhưng tôi tin rằng DN Việt đủ sức làm được nếu có sự chuẩn bị.
Điều kiện tiên quyết là DN phải có nền tảng sản xuất tương đối ổn định, có sự chuẩn bị tốt khâu R&D và xây dựng những liên minh trong và ngoài lĩnh vực phù hợp như truyền thông, cung ứng thiết bị và lao động tiêu chuẩn quốc tế.
* Nghĩa là, kết hợp các thế mạnh của từng DN với nhau để tạo nên một không gian tổng hòa, đáp ứng trọn gói cho khách hàng quốc tế?
– Sẽ rất tuyệt vời nếu DN có thể liên minh bằng các thế mạnh của mình cho các đơn hàng trọn gói, đặc biệt là các dự án quốc tế lớn. Nội thất gồm rất nhiều sản phẩm chủng loại liên quan như gỗ, nệm, kim loại… hiếm có DN làm tốt mọi thứ và dù làm tốt cũng khó có thể nổi trội, có bản sắc ở mọi lĩnh vực mà họ tham gia. Thêm nữa, ở mỗi thế mạnh mà DN có được, mỗi thương hiệu là một câu chuyện hấp dẫn, một bản sắc sinh động để kết hợp thành một bức tranh tổng thể chất lượng và đẳng cấp.
* Ngoài xuất khẩu, DN nội thất liệu có cơ hội ở thị trường nội địa?
– Thị trường nội địa đã và đang là mục tiêu thâm nhập của rất nhiều DN sản xuất, gia công đồ gỗ khi mà xuất khẩu bị chững lại và có đà giảm. Với mức thu nhập ngày càng cao và nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tốt thì những sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ đang là nhu cầu thật sự mà trước đó khách hàng trong nước không có cơ hội tiếp cận.
* Xin cảm ơn ông.
Huy Khang thực hiện