Đi qua năm 2023 đầy khó khăn, thách thức, các hiệp hội ngành gỗ đã đặt ra nhiều mục tiêu và quyết tâm trong năm 2024. Trong đó chú trọng nâng cao vai trò, tiếng nói của hiệp hội; Tiếp tục những chương trình lớn để hỗ trợ doanh nghiệp thành viên; Xây dựng thương hiệu ngành gỗ và xem phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh (HAWA): Tiếp tục những chương trình lớn
Trong năm 2023, hoạt động nổi bật của HAWA là phát triển hội viên với 42 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện có lên 666 hội viên. Thứ hai là góp phần quan trọng vào việc cho ra đời Công ty tổ chức hội chợ Viforest Fair trên cơ sở 5 Hiệp hội: VIFOREST, HAWA, BIFA, DOWA, FPA Bình Định… Viforest Fair đã tổ chức thành công hội chợ HAWA Expo năm 2023 được đánh giá rất cao từ các bộ, ngành liên quan. HAWA cũng tổ chức nhiều đoàn giao lưu, kết nối thương mại với các nước và vùng lãnh thổ như Pháp, Mỹ, Đức… Chúng tôi cũng đã tổ chức 44 buổi kết nối huấn luyện giữa hội viên với hội viên, hội viên với các đoàn thể, hội viên với các cơ quan nước ngoài tới tham quan và làm việc…
Năm 2024 HAWA sẽ tiếp tục những chương trình lớn, đặc biệt là phát động lại chương trình DDS giai đoạn 2 để giúp truy xuất nguồn gốc gỗ, hỗ trợ Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc giải trình vấn đề thuế, giúp cho các hộ trồng rừng có cơ sở để hoàn thuế cũng như cơ sở để được đánh giá đúng sản phẩm của họ. Chúng tôi cũng tiếp tục tổ chức các đoàn đi tham quan và dự kiến tổ chức hội chợ nội thất nội địa trong tháng 10/2024.
Ông Võ Quang Hà – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA): Nâng cao vai trò, tiếng nói của hiệp hội
Năm qua, DOWA đã kết nạp thêm hơn 50 hội viên. Việc vận động doanh nghiệp (DN) tham gia hiệp hội là cách mà chúng tôi chia sẻ với họ những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên những việc chưa làm được cũng còn khá nhiều. Ví dụ như làm sao cho hội viên tiếp cận, thụ hưởng các chính sách đãi ngộ; làm sao để hỗ trợ hội viên vượt khó…
DOWA xác định, năm 2024 sẽ tiếp tục vận động hội viên chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tìm kiếm thị trường mới, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo công ăn, việc làm… Đặc biệt DOWA sẽ chú trọng nâng cao vai trò, tiếng nói của hiệp hội để các đề xuất chính sách được lắng nghe, tiếp thu và thực hiện. Chẳng hạn các chính sách về thuế, ngân hàng, xuất – nhập khẩu, lao động…
Ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA): Xây dựng thương hiệu ngành gỗ tập thể của Bình Dương
Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với các ngành, trong đó có ngành gỗ. Do vậy BIFA đã tổ chức rất nhiều sự kiện: trên 250 sự kiện xúc tiến thương mại, tiếp cận các nhà mua hàng, nhà cung cấp, các trang thương mại điện tử. Đồng thời có những buổi huấn luyện cho cộng đồng ngành gỗ về cải tiến sản xuất, thiết bị, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Đặc biệt, năm 2023 BIFA thực hiện được 2 vấn đề mang tính chiến lược. Một là cùng Sở Công Thương xây dựng được đề án phát triển ngành gỗ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hai là cùng với Sở Khoa học – Công nghệ làm nhãn hiệu tập thể ngành gỗ tỉnh Bình Dương, công việc đã đạt gần 90%. Trong thời gian ngắn nữa, Bình Dương sẽ có thương hiệu ngành gỗ tập thể. Năm 2024 các hoạt động của hiệp hội sẽ xoay quanh mục tiêu này.
BIFA sẽ cố gắng xây dựng một số nhà máy đạt tiêu chuẩn xanh và tập trung vào phát triển số. Đó là hai mục tiêu lớn của hiệp hội đối với cộng đồng ngành gỗ tỉnh Bình Dương.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIETFORES): Phát triển bền vững là con đường duy nhất
Năm 2023 có nhiều thách thức, khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô, một số phải đóng cửa. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 ước đạt 14,390 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022.
Năm 2024, các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc… có nhiều quy định hơn về tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ, về việc bảo vệ môi trường như EUDR, CBAM… Nếu không kiểm soát được rủi ro trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu, ngành gỗ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị trường xuất khẩu có thể ra lệnh trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ đề ra có nguy cơ không thể đạt được.
Năm 2024 đòi hỏi nỗ lực cao độ của các DN trong ngành. Phát triển bền vững là con đường duy nhất. Trách nhiệm của DN không chỉ tuân thủ các quy định về bảo vệ rừng, chống suy thoái rừng, giảm phát thải… mà còn phải định hướng, dẫn đường cho người tiêu dùng để hướng tới tiêu dùng xanh.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: Cải tiến công nghệ, gia tăng nội lực
Các DN Bình Định đã rất nỗ lực, chủ động trong suốt 2023 để có thể bám trụ, đảm bảo đời sống của đội ngũ nhân lực. Chúng tôi tận dụng khoảng trống không có đơn hàng để phát triển mẫu mã riêng, tìm kiếm thị trường, tìm hiểu công nghệ… Nhờ vậy, cuối năm, đơn hàng đã trở lại, đảm bảo sản xuất đến cuối quý I/2024.
Tuy nhiên, logistic đang vướng trở ngại, công tác vận chuyển hàng hóa đang chậm lại. Đây sẽ là trở ngại lớn trong năm 2024. Trước những thách thức mới, ngành gỗ Bình Định tiếp tục tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, chủ động tham gia các hội chợ quốc tế cũng như chủ động tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới như Úc, Dubai… Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cũng sẽ tổ chức hội chợ quốc tế chuyên về hàng ngoại thất để tạo cầu nối cho DN tiếp cận với người mua hàng thế giới. Khó khăn là động lực để cấu trúc lại hoạt động của ngành gỗ. Thời gian tới, với tinh thần “tự lực, tiết kiệm”, DN chế biến gỗ sẽ đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực, thu hút khách hàng, đặc biệt là phân khúc có giá trị cao.
Ái Như