Nhiệm kỳ VIII gắn liền với nhiều thách thức khách quan nhưng các hoạt động của HAWA trong thời gian nhiều biến động ấy lại rất hiệu quả. Theo ông Trần Quang Bảo, HAWA xứng đáng là tổ chức tin cậy của doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý.
* Ngành chế biến gỗ đang trải qua khoảng thời gian nhiều tác động. Đây cũng là lúc các hiệp hội ngành phải thể hiện được vai trò của mình. Ông đánh giá thế nào về các hoạt động của HAWA thời gian qua?
– Tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban chấp hành HAWA nhiệm kỳ VIII trong việc đồng hành với ngành lâm nghiệp, các hiệp hội chế biến gỗ trong cả nước đã xây dựng, định hướng, giúp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Nổi bật là việc đầu tư nguồn lực để xây dựng nền tảng giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ (HAWA DDS) giúp cộng đồng DN ngành gỗ hiện thực hóa việc tuân thủ pháp luật trong khai thác, buôn bán và chế biến nguyên liệu gỗ hợp pháp, phù hợp với các cam kết trong hiệp định VPA/FLEGT.
Thời gian qua, HAWA khá thành công khi kiến tạo nền tảng hội chợ dạng hệ thống chuỗi, từ online đến offline. Không chỉ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội lớn trong cả nước, HAWA còn chủ động liên kết, phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là các đối tác nước ngoài để nâng cao vị thế của ngành; chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức, mang lại làn gió mới cho công tác triển lãm, xúc tiến thương mại. Việc HAWA tổ chức tốt các hoạt động đó, giúp DN tiếp cận thị trường tiềm năng, tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường.
Tôi đánh giá cao các hoạt động mang tính tiên phong và dài hơi của HAWA như Giải thưởng thiết kế Hoa Mai, Hội chợ quốc tế HawaExpo, xuất bản ấn phẩm Gỗ & Nội thất… Với những gì đã thực hiện, HAWA xứng đáng là tổ chức tin cậy của các DN, là cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, Cục Lâm nghiệp nói riêng.
* Cụ thể, trong công tác kết nối giữa cơ quan chủ quản là Cục Lâm nghiệp với các DN trong ngành thì sao?
– HAWA đã có nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản thông qua Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; có nhiều đóng góp cho ngành trong “Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bền vững giai đoạn 2021 – 2030”… Ngoài ra, HAWA đã có nhiều văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất, ví dụ chính sách ân hạn thu thuế nhập khẩu nguyên liệu đến 275 ngày.
HAWA là nguồn cung cấp thông tin tin cậy, hỗ trợ cơ quan ban ngành trong quá trình đàm phán, thực hiện các thỏa thuận hoặc gia nhập các tổ chức quốc tế. Thông qua các hội nghị giao ban ngành gỗ, Cục Lâm nghiệp nhận được ý kiến của HAWA và các hiệp hội gỗ lâm sản trong cả nước, từ đó tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những chính sách hỗ trợ thiết thực. Điển hình như việc đề nghị Chính phủ bổ sung ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ vào danh mục các ngành được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; hay chương trình hỗ trợ vacxin, giúp DN ngành gỗ giảm khó khăn về tài chính, ổn định sản xuất, đưa ngành chế biến gỗ duy trì được phát triển trong đại dịch Covid-19.
* Thực hiện các chủ trương, định hướng về phát triển rừng trồng gỗ lớn, HAWA cũng đã có những chương trình khuyến khích, quảng bá sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước vào sản phẩm nội thất… Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?
– Đây là hoạt động rất phù hợp với thực tiễn sản xuất và chủ trương tái cơ cấu của ngành lâm nghiệp. Bởi, sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước vào sản xuất sản phẩm nội thất giúp ngành chế biến gỗ chủ động, giảm sự phụ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, giảm rủi ro về gỗ nguyên liệu bất hợp pháp, tạo lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh gỗ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng gặp nhiều rủi ro về nguồn gốc hợp pháp thì ngành lâm nghiệp đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản…. Các chương trình khuyến khích DN sản xuất nội thất sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước từ phía HAWA cần gắn liền với những chương trình khuyến khích sáng tạo như tổ chức các cuộc thi thiết kế nội, ngoại thất bằng gỗ keo, tràm… Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các đặc tính vượt trội của gỗ rừng trồng nội địa, sáng tạo trong công tác tuyên truyền về giá trị rừng trồng trong nước để người tiêu dùng thay đổi nhận thức về gỗ nguyên liệu rừng trồng, giảm nhu cầu tiêu dùng gỗ rừng tự nhiên.
* Dưới góc nhìn của cơ quan chủ quản, theo ông, HAWA cần có những hoạt động cụ thể nào phát huy vai trò của hiệp hội trong nhiệm kỳ tới?
– Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường, để hỗ trợ DN và ngành phát triển tốt hơn, HAWA cần tiếp tục phối hợp với Cục Lâm nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển lâm nghiệp và chế biến lâm sản; cập nhật và kịp thời phổ biến các quy định về gỗ hợp pháp, truy xuất nguồn gốc gỗ theo quy định của pháp luật và thỏa thuận quốc tế; tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN để các cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Trên các thế mạnh hiện có, HAWA cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu của ngành nội thất Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ các DN chế biến gỗ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước thông qua hoạt động tổ chức các hội trợ triển lãm hiệu quả và sáng tạo.
Hướng tới mục tiêu gia tăng nội lực cho DN, HAWA nên đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong DN, từ quản trị, sản xuất đến việc ứng dụng thương mại điện tử, đa dạng kênh bán hàng để mở rộng thị trường… Tôi khá ấn tượng với những thông điệp chuyển đổi mà HAWA đang chuyển tải đến cộng đồng DN trong việc gia tăng hàm lượng sáng tạo, đa dạng mẫu mã thiết kế, cải thiện năng suất, chuyển đổi xanh… hướng tới tự cường trên chuỗi cung ứng để ngành có vị thế và giá trị thặng dư tốt hơn.
Hoài Thương thực hiện