Sở hữu kinh nghiệm hơn 20 năm về chuỗi cung ứng, tư vấn, sản xuất và nguồn cung… ông Vince Trần từng làm việc tại Walmart, Weave Services, KPMG, Mondelez International, Colgate Palmolive và DB Schenker. Ông cũng là Chuyên gia Chuỗi Cung ứng với Chứng nhận APICS và là Cử nhân Kỹ thuật Hóa học. Trao đổi với Gỗ & Nội thất, ông cho rằng, chiến lược hoàn thiện và tự cường chuỗi cung ứng chính là lựa chọn giúp ngành chế biến gỗ Việt Nam gia tăng nội, tự tin phát triển bền vững và theo đuổi các giá trị cao hơn.
* Ngành nội thất Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nửa đầu 2024. Theo ông, sức mạnh nào giúp ngành có khả năng sớm phục hồi?
– Có cơ hội làm việc cho tổ chức toàn cầu Canadian Wood Việt Nam – cơ quan Chính phủ tỉnh British Columbia (B.C.), tôi có cơ hội quan sát hoạt động của nhiều DN trong lĩnh vực nội ngoại thất cả sản xuất, thương mại, lẫn bán lẻ trên thế giới… Những chia sẻ này theo quan điểm cá nhân, tại Việt Nam, nỗ lực của những người làm nghề thời gian qua không hề nhỏ. Khi thị trường thiếu đơn hàng, các DN dành thời gian tìm kiếm thị trường mới, đầu tư thiết kế mới, tối ưu hóa sản xuất… Đó là những hoạt động mang lại giá trị lớn, không chỉ giúp ngành vượt khó mà còn là nền tảng để hướng đến việc phát triển tốt hơn trong tương lai.
Trong khoảng thời gian nhiều biến động vừa qua, tôi đánh giá cao những đóng góp của các hiệp hội, đặc biệt là HAWA, đã thể hiện vai trò là một tổ chức ngành nghề năng động, với nhiều sáng kiến trong việc thúc đẩy sự phát triển. Các chương trình xúc tiến thương mại, các hội thảo và cung cấp thông tin thị trường cũng như các hoạt động vận động chính sách, đề xuất giải pháp và hỗ trợ DN giải quyết khó khăn trong kinh doanh… đều được tổ chức đúng thời điểm, đúng trọng tâm và thiết thực, gắn liền với nhu cầu và lợi ích của DN.
* Việc tìm kiếm thị trường mới đã giúp DN có thể vượt khó. Nghĩa là cơ hội ở thị trường toàn cầu dành cho các nhà cung ứng nội thất Việt Nam vẫn còn khá lớn?
– DN Việt Nam có khả năng cung ứng sản phẩm nội ngoại thất đa dạng, phù hợp cho cả thương hiệu lớn ở nhiều phân khúc khác nhau. Ngành sản xuất nội ngoại thất xuất khẩu ở Việt Nam đã phát triển bài bản, nhiều dư địa phát triển nếu biết chú trọng công tác phát triển khách hàng.
Thời gian qua, các chương trình kết nối giao thương, triển lãm quốc tế do HAWA triển khai đã để lại ấn tượng mạnh mẽ vì sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức triển lãm chưa xứng tầm với quy mô và tiềm năng. Nếu HAWA có thể tác động với các cơ quan hữu quan để trong tương lai có được địa điểm tổ chức hội chợ quy mô hơn và thuận tiện hơn thì sẽ rất hữu ích. Bên cạnh đó, mục tiêu hoàn thiện chuỗi cung ứng, từng bước kinh doanh theo phương thức chủ động cũng nên được đánh giá để có hành động chuyển mình phù hợp.
* Ông có thể chia sẻ cụ thể về việc chủ động trên chuỗi cung ứng?
– Chúng ta có thể tham khảo công nghiệp dệt may Hàn Quốc. Từ vị trí gia công, các doanh nhân Hàn Quốc từng bước nắm bắt thị hiếu, đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chủ động nguyên vật liệu, tiến đến tổ chức thành công hệ thống phân phối toàn cầu… Khi giá nhân công ngày một cao hơn, họ là người chủ động dịch chuyển khâu sản xuất sang các quốc gia lân cận và vẫn làm chủ chuỗi phân phối của mình…
Trở lại câu chuyện của Việt Nam. Nếu lấy nhà máy là tâm điểm thì chuỗi cung ứng ngành nội thất cần có sự phát triển ở cả hai phía. Đầu tiên, là phần hữu hình với nguyên liệu, phụ liệu đầu vào… DN phải làm chủ được nguyên liệu, từ xu hướng tiêu dùng, cách thức khai thác, chứng chỉ… Tiếp đó, ở phía bên kia sẽ là xây dựng các giá trị gia tăng như phát triển sản phẩm, hệ thống phân phối, thương hiệu… Nghĩa là, phải nắm rõ mảng khách hàng mình muốn phục vụ là ai, họ cần dịch vụ gì, và mình cần hoạt động với mô hình thế nào. Đó chính là chủ động trên toàn chuỗi cung ứng.
Khách hàng của Canadian Wood là những DN chủ động tìm nguồn nguyên vật liệu mới, đưa ra những sản phẩm mới. Sự chủ động này giúp họ luôn có đơn hàng, và có kế hoạch mở rộng sản xuất trong hơn hai năm qua, dù đó là giai đoạn khó khăn của ngành.
* Theo ông, lợi thế nào giúp Việt Nam có thể làm chủ chuỗi cung?
– Việt Nam có một phần gỗ rừng trồng trong nước nhưng thực tế cũng nhập khẩu gỗ từ nhiều nước trên thế giới để đáp ứng nhu cầu mua phong phú và lớn của thị trường quốc tế. Canadian Wood có sứ mệnh giới thiệu gỗ (như Hemlock, Douglas Fir) tới nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà thiết kế và nhà phân phối. Tôi và đồng nghiệp ở Canada có điều kiện tiếp cận nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Chúng tôi nhận ra, các nhà bán lẻ luôn tìm kiếm sản phẩm mới với mẫu mã mới và nguyên liệu mới đa dạng và bền vững hơn. Đó chính là lý do, Canadian Wood nỗ lực giúp các nhà sản xuất tiếp cận được nguồn gỗ mới để đa dạng nguồn cung.
Tại Việt Nam, Canadian Wood sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia để hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà thiết kế phát triển sản phẩm giúp họ thử nghiệm gỗ Canada. Trên hành trình theo đuổi mục tiêu ODM của ngành nội thất Việt, Canadian Wood sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nhà thiết kế và phát triển sản phẩm mới tại Hoa Kỳ để xây các chương trình đào tạo miễn phí, giúp các DN phát triển sản phẩm mới hiệu quả hơn, giúp ngành nội thất Việt Nam độc lập hơn trong chuỗi giá trị nội thất toàn cầu.
* Xin cảm ơn ông.
Hoàng Hoa thực hiện