,

Chuỗi cung ứng – thế mạnh của ngành nội thất Việt

Với một hệ sinh thái gần như hoàn chỉnh, ngành nội thất Việt Nam đã hội tụ được đủ các thành phần cần thiết của một chuỗi cung ứng. Vấn đề cốt lõi là phải phát triển chuỗi cung ứng ấy và làm chủ nó như thế nào để có thể phát huy được các thế mạnh, tạo nguồn lực cạnh tranh cho quốc gia.

 

Từ một gợi ý

Cách đây 6 năm, trong một hội nghị tại Trung Quốc do Hiệp hội Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) tổ chức, doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam được tiếp cận con số khá ấn tượng: 60 đến 65% sản phẩm nội thất của thế giới đang được sản xuất bởi các DN Trung Quốc. Phía sau con số ấy, nội dung cuộc hội thảo đưa ra vấn đề lớn: Đó là thời kỳ các DN Trung Quốc quay lại cung cấp cho thị trường nội địa – một thị trường rất lớn, đang bắt đầu tiêu thụ những sản phẩm nội thất cao cấp, trung cấp. DN Trung Quốc gần như cân bằng giữa xuất khẩu và thị trường trong nước. “Khi đó, các chuyên gia đặt ra câu hỏi, vậy vai trò dẫn đầu thế giới sẽ là nước nào?”, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA nhớ lại.

Câu hỏi đó, với những doanh nhân xuất khẩu đồ nội thất Việt Nam là một gợi ý lớn. Năm 2022, Mexico được dự đoán sẽ trở thành chuỗi cung ứng lớn cho ngành gỗ bởi vì phí logistics từ các nước khu vực châu Á tăng cao, lợi thế địa lý khiến các DN nội thất cho rằng sản xuất ở Mexico rồi đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ và Bắc Mỹ sẽ tiện và nhanh vì logistics thuận lợi, vừa không bị ràng buộc bởi các luật về thương mại. Đáng tiếc, sau hai năm, nhiều DN đã phải đóng cửa, quay về Việt Nam. Theo ông Khanh, nguyên nhân không chỉ khác biệt văn hóa mà ở Mexico không có một chuỗi cung ứng ngành gỗ hoàn chỉnh. Trong khu vực, hiện Trung Quốc và Việt Nam đang sở hữu được hệ sinh thái này.

Đối chiếu với những quốc gia có lực lượng lao động lớn như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… các chuyên gia trong hội nghị vẫn cho rằng, các quốc gia này không có khả năng có chuỗi cung ứng ngành gỗ mạnh, do ảnh hưởng từ Luật Công đoàn. Chẳng hạn như Ấn Độ, xưởng sản xuất có trên 300 công nhân bị kiểm soát rất chặt, hoặc ảnh hưởng do tôn giáo như trường hợp của Indonesia. Trung bình, một xưởng gỗ có quy mô 500 lao động trở lên mới được gọi là xưởng sản xuất trung bình. Như vậy, những nước như Bangladesh, Pakistan, thậm chí như Indonesia là nước Đông Nam Á đi trước Việt Nam, không thể xây dựng nổi chuỗi cung ứng.

Lợi thế dành riêng

Ngành nội thất Việt Nam may mắn hội tụ chuỗi giá trị với đầy đủ các thành tố, từ trồng rừng, khai thác sơ chế nguyên liệu, sản xuất, chế biến, nguyên phụ liệu, công nghiệp phụ trợ, hệ thống DN sản xuất vệ tinh… “Ở Việt Nam, các DN nội thất có được hệ sinh thái hoàn chỉnh cho công việc sản xuất nội thất. Chúng tôi chỉ tập trung vào thế mạnh của mình là sản xuất và kiểm soát chất lượng thành phẩm”, ông Jacob Bendtzen, nhà sáng lập SquareHome Việt Nam nhận xét. Theo vị doanh nhân này, Việt Nam hội tụ được nhiều lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực nội thất. Các nhà máy ở Việt Nam có trình độ sản xuất và mức độ tự động hóa khá cao, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về chất lượng từ người tiêu dùng nội thất quốc tế từ bình dân đến phân khúc trung cao và cao cấp. Đó chính là lý do ông cùng vợ quyết định lập nghiệp ở Việt Nam.

Tương tự, vị doanh nhân đến từ Ý, ông Angelo Moras – nhà sáng lập thương hiệu Curvetta, cũng quyết định đặt nền móng sản xuất ở Việt Nam thay vì quê nhà – quốc gia xuất khẩu nội thất hàng đầu thế giới. Các DN có thể tìm được ở Việt Nam nguồn nguyên phụ liệu, các nhà cung ứng thiết bị, các đơn vị gia công theo đặc thù đơn hàng…

Mất gần 20 năm để Việt Nam hình thành được chuỗi cung ứng của ngành nội thất. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, đây thực sự là thế mạnh hiếm có. Nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện này mà nhiều năm liền, ngành gỗ là một trong những ngành xuất siêu của Việt Nam và thậm chí xuất siêu trên 20-30% trên tổng xuất siêu của quốc gia. Ông khẳng định: “Chỉ khi có được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, tỉ lệ sản xuất trong nước cao hơn nhập khẩu, ngành mới có thể xuất siêu”.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận chuỗi cung ứng nội thất Việt Nam mới chỉ hoàn thiện trong công tác sản xuất, DN tập trung nhiều vào gia công đơn hàng. Theo ông Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland, nhiều mảng mới của ngành chưa phát triển, điển hình như phụ kiện cho khâu sản xuất tủ bếp hay xa hơn là khu vực cung ứng chế tạo máy cho ngành…, kiện toàn các lỗ hổng này sẽ cần thêm thời gian. Ông cho biết: “Chuỗi cung ứng ngành nội thất Việt Nam sẽ thực sự hoàn thiện và bền vững khi mà các DN Việt cải thiện và nâng cao được điểm yếu nhất hiện nay là năng lực bán hàng, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, phát triển năng lực thiết kế, quy tụ được đội ngũ sáng tạo, nhân lực trẻ…”. Chủ động được đơn hàng, DN sẽ tổ chức tốt ở các khâu, tối ưu hóa từ nguyên liệu, tổ chức sản xuất, quản trị,… Do đó, DN cần đầu tư được giá trị phân phối giúp DN ko lệ thuộc, phát triển bền vững hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, mất gần hai thập kỷ để xây dựng được chuỗi cung ứng cho ngành gỗ và nội thất. Chuyện khó nhất hiện nay là làm thế nào để giữ và phát huy, từng bước tiến đến mục tiêu tự cường trên chuỗi cung ứng. “Chỉ khi tự cường trên chuỗi cung ứng, ngành nội thất Việt Nam mới có nền tảng để phát triển bền vững”, ông Khanh nhấn mạnh.

Tuyết Mai

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác