,

Những biến số phía sau doanh số

Giá nhân công Việt Nam vẫn còn rẻ hơn, nhưng nhân lực sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của ngành so với quốc gia dẫn đầu thị trường nội thất toàn cầu là Trung Quốc. Để hoàn thiện và tự cường được trên chuỗi cung ứng nội thất, ngành cần giải pháp gia tăng hiệu suất để có thể giữ vững được thế mạnh sản xuất song song với đầu tư cho các giá trị vô hình như thiết kế, thương hiệu…

 

Sau một năm sụt giảm bất ngờ, ngành nội thất Việt Nam đã ghi nhận được những tín hiệu phục hồi tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024. Phần lớn, doanh nghiệp (DN) đã đạt được 50% kế hoạch của năm. Tuy logistics vẫn còn nhiều ngăn trở, tình hình căng thẳng chính trị giữa các quốc gia vẫn đang tiếp diễn nhưng những tín hiệu tích cực ở thị trường toàn cầu, đặc biệt là việc lãi suất tiếp tục giảm đã giúp khách mua hàng cởi mở hơn với tiêu dùng. Với đà sản xuất hiện nay, mục tiêu xuất khẩu cho năm 2024 của ngành hoàn toàn trong tầm tay bởi những tháng cuối năm, doanh số xuất khẩu bao giờ cũng nhiều hơn.

Nền tảng của chuỗi cung ứng

Ngành gỗ vẫn đang thống kê tăng trưởng bằng con số xuất khẩu hàng năm. Việc đo đếm này tốt nhưng theo tôi, nó chưa đủ. Bởi, doanh số xuất khẩu không thể phản ánh được đầy đủ hiện trạng của ngành, cũng như việc theo đuổi con số ấy chưa gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững.

Khi đơn hàng bắt đầu nhiều hơn, việc tuyển nhân công cho các nhà máy đang tương đối khó. Kịch bản sản xuất này cũng đã được dự đoán nên Woodsland đã tranh thủ thời gian thấp điểm, sản xuất dự trù từ những tháng đầu năm. Thế nhưng, với làn sóng dịch chuyển cung ứng sang Việt Nam, các khoản đầu tư nước ngoài vào chế biến gỗ cũng như các ngành sản xuất khác sẽ tiếp tục tăng, nên vấn đề lao động sẽ ngày càng thách thức. Thực tế, DN chế biến gỗ thường khó tuyển công nhân hơn vì phải theo đuổi chính sách lao động phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu, như việc giới hạn thời gian tăng ca chẳng hạn, sẽ khó cạnh tranh nhân lực hơn. Woodsland cũng như các DN chế biến gỗ khác đã phải chuyển nhà máy đến các tỉnh phía Bắc để có thể chủ động trong việc tổ chức nhân lực.

Woodsland đáp ứng công suất lớn các đơn hàng. Ảnh: Công Đạt

Có tiềm lực về nguyên liệu, chính sách đồng hành, nhân lực trẻ, giá nhân công… nhưng năng suất lao động vẫn đang là hạn chế của DN Việt Nam. Đối chiếu với Trung Quốc, giá nhân công Việt Nam đang rẻ hơn nhưng năng suất lại thấp hơn và phần lớn DN chỉ tham gia phân khúc giá rẻ, bình dân, trung cấp có giá trị thặng dư không cao. Như vậy, Việt Nam không có lợi thế nhân công so với người dẫn đầu thị trường nội thất toàn cầu là Trung Quốc.

Tiếp tục so với năng suất các quốc gia trong khu vực sẽ thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 chỉ bằng 11,3% Singapore; 23% Hàn Quốc; 24,4% Nhật Bản; 33,1% Malaysia; 59,1% Thái Lan; 60,3% Trung Quốc; 77% Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines. Hiện năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar, Lào. Cải thiện và gia tăng năng suất cho DN trong ngành là mục tiêu cần phải được đề ra hàng đầu trong thời gian sắp tới.

Trong sản xuất công nghiệp, năng suất được quyết định bởi nhiều yếu tố và  nhân công chỉ là một phần. Đầu tư công nghệ là yếu tố quan trọng không kém. Thực tế, DN Việt Nam chưa mạnh về tài chính, 4 năm qua lại liên tiếp đối mặt với thách thức, từ Covid-19 đến lạm phát, chiến tranh… nên việc DN chưa đầu tư mạnh vào công nghệ cũng là điều dễ hiểu. Đồng thời, quy mô chưa đủ lớn, chưa thiết lập được kế hoạch sản xuất liên tục… cũng là yếu tố khiến DN chưa tự tin vào những khoản đầu tư lớn, dài hơi như máy móc, thiết bị…

Tích tiểu thành đại

Như đã nói, lợi thế nhân công giá rẻ hiện nay sẽ mất đi trong 5 đến 10 năm tới. Nếu công tác đào tạo, nâng cao năng suất lao động và cải tiến sản xuất, đầu tư hệ thống công nghệ để có một nền tảng sản xuất tốt… không được chú ý ngay từ bây giờ, DN Việt Nam có nguy cơ mất vị thế.

Cũng cần lưu ý rằng, khi năng suất tăng lên, giá cả của DN trên thị trường gia công cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Nhưng, câu chuyện năng suất của ngành nội thất Việt Nam không đơn thuần là phục vụ cho mục tiêu sản xuất giỏi. Hiện, gia công vẫn là mô hình phổ biến trong các DN nội thất Việt Nam. Ngành có khả năng xuất khẩu hàng tỷ USD nhưng hầu như không thực sự tiếp cận được thị trường mà bị động chờ đơn hàng. Đã đến lúc DN trong ngành cần chú ý đến những giá trị khác, phải xây dựng được đội ngũ thiết kế, bán hàng, marketing… Quan trọng không kém là trang bị kỹ năng bán hàng. DN cần chú ý cả thị trường 100 triệu dân trong nước. Bảo vệ thị trường trong nước là bước quan trọng, song song với việc chủ động kinh doanh quốc tế.

Tất cả những giá trị này là điều kiện cần phải có để DN nội thất Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng một cách chủ động, thay vì bị động chờ đơn hàng và sụt giảm bất ngờ khi thị trường quốc tế thiếu ổn định. Đây là một chiến lược phát triển mang tính bền vững. Năng suất phải đi kèm với hiệu suất, lợi nhuận…

Tất nhiên, với xuất phát điểm là gia công, hội tụ được những yếu tố cần thiết để có thể tự cường trên chuỗi cung ứng là mục tiêu dài hạn. Dấn thân vào hành trình này, DN có thể bắt đầu từ những con số nhỏ nhưng là giá trị cao. Tôi đã thấy được những DN Việt xuất khẩu sản phẩm nội thất tự thiết kế với thương hiệu của riêng mình. Chủ DN ấy cho biết đơn hàng số lượng không nhiều, nhưng thặng dư trên đơn hàng đó có tỉ lệ rất đáng phấn đấu. Ngành nội thất Việt Nam tập hợp được những DN như vậy, mở rộng được cộng đồng có cùng mục tiêu, trong tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể tự cường.

Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác