Tại talkshow Chuyển đổi số và giảm phát thải carbon trong sản xuất, do HAWA phối hợp cùng ILO tổ chức ngày 8/6, các chuyên gia đã mổ xẻ cặn kẽ các vấn đề về chi phí đầu tư, cách thức giúp doanh nghiệp chuyển đổi số sao cho hiệu quả.
Ấp ủ dự định chuyển đổi số (CĐS) từ 2 năm trước, nhưng đến nay, bà Nguyễn Thị Linh Vy – Giám đốc quản lý sản xuất Công ty Imity vẫn chưa thực hiện vì nhận thấy doanh nghiệp (DN) mình có quy mô nhỏ, và một số DN khác đã thực hiện nhưng không thành công.
Chuyển đổi số càng sớm càng tốt
Sự e ngại của bà Vy cũng là tâm lý của khá nhiều DN gỗ nhỏ và vừa tại Việt Nam. Với kinh nghiệm 15 năm tư vấn CĐS cho DN, trong đó có DN ngành gỗ, ông Hà Tất Thắng – Giám đốc Quốc gia của Techworld Solutions Vietnam đánh giá, có tới 50% DN hội viên của HAWA chưa mạnh dạn đầu tư cho CĐS. Trong số này, đa phần là các DN có quy mô nhỏ làm hàng gia công. Trong khi đó, các DN lớn vẫn đang ở giai đoạn cân nhắc đầu tư phần nào trước, phần nào sau.
Ông Thắng chia sẻ, với các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia, đa số đều thành công khi triển khai hệ thống quản trị DN, bởi họ có tầm nhìn rõ ràng, có quy trình được chuẩn hóa và đưa ra những yêu cầu rất cụ thể. Trong khi đó, đây lại chính là những điểm yếu của DN Việt Nam khi thực hiện CĐS, khiến cho tỷ lệ thất bại của DN Việt lên tới 50%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, DN dù lớn hay nhỏ, vẫn nên bắt tay vào CĐS càng sớm càng tốt để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Nhiều câu chuyện thực tế đã được chia sẻ, cho thấy lợi ích của CĐS trong việc hỗ trợ DN đi nhanh hơn và xa hơn. Ông Lê Xuân Tân – Giám đốc Công ty TNHH Happy Furniture cho rằng, không thể có một giải pháp chung áp dụng cho tất cả DN, vì mỗi nhà máy có điều kiện, nguồn lực khác nhau. Với DN nhỏ, việc CĐS có thể thực hiện từng bước. Trong đó, việc cần làm trước là đánh giá hiện trạng để xác định nhu cầu, rồi tìm đối tác tư vấn, triển khai giải pháp phù hợp.
Ông Tân cho biết: “CĐS đã được đặt ra cách đây 3-4 năm, nhưng do nóng vội nên chưa có nhiều DN thành công. CĐS không phải chỉ là mua một phần mềm, mà là một chặng đường dài. DN cần có sự kiên nhẫn và phải xác định được năng lực, nguồn lực, mục tiêu… để từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp”.
Các chuyên gia cũng chỉ ra, với sự phát triển của công nghệ, hiện có rất nhiều giải pháp phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng của DN. Theo đó, trong bất kỳ dự án CĐS nào của DN, sự quyết tâm của ban lãnh đạo sẽ có vai trò quyết định cho sự thành công.
Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA là một ví dụ điển hình. Ông Trần Anh Vũ – Phó phòng Logistics Công ty AA cho biết, từ năm 2009, AA đã bắt đầu CĐS với phần mềm SAP và liên tục cập nhật các phiên bản mới. Khó khăn nằm ở chỗ ngành gỗ Việt Nam có những đặc thù riêng, nên việc áp dụng SAP là chưa đủ. Do đó, AA đã phát triển một đội ngũ để viết các phần mềm vệ tinh xoay quanh phần mềm trung tâm là SAP.
Theo ông Vũ, ban lãnh đạo AA rất quyết tâm và gần như không ngại về vấn đề chi phí cho CĐS. Chỉ riêng việc đầu tư cho SAP, công ty đã chi ra khoảng hơn 40 tỷ đồng, chưa kể các giải pháp xung quanh đó. Tuy nhiên, sự đầu tư này đã cho thấy nhiều lợi ích khá rõ ràng, đó là khả năng quản lý tới tận chân công trình, quản lý được từng sản phẩm và tạo ra được sự thúc đẩy tiến độ công việc trong nội bộ công ty. Hiệu quả là không còn tình trạng công việc bị dồn ứ, việc thất lạc hàng hóa, sai sót trong sản xuất cũng giảm xuống mức thấp nhất…
Giải bài toán chi phí
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh, ông Lê Duy Khánh, đại diện của Công ty CP Tập đoàn DAT chỉ ra 3 dạng phát thải carbon tại các DN.
Thứ nhất là phát thải trực tiếp thông qua việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu, than cho hoạt động sản xuất.
Thứ hai là phát thải gián tiếp thông qua việc sử dụng năng lượng điện. Bởi 46% năng lượng điện tại Việt Nam đến từ các nhà máy nhiệt điện than, 15% từ các nhà máy nhiệt điện dầu, phần còn lại là thủy điện và các nguồn năng lượng khác.
Thứ ba là ngoài việc sử dụng điện và nhiên liệu hóa thạch, DN còn sử dụng nguyên liệu đến từ những công ty có phát thải, hoặc sản phẩm của DN sau khi đến tay người tiêu dùng có tạo ra phát thải.
Trên cơ sở các dạng phát thải này, ông Khánh đưa ra nhiều cách thức giảm phát thải cho DN như thay đổi hành vi người lao động để tiết kiệm điện, nước; thay đổi công nghệ, thiết bị để sử dụng năng lượng hiệu quả; quản lý, tái chế, thu hồi chất thải; trồng rừng; sử dụng năng lượng tái tạo…
Bên cạnh giải pháp CĐS như đã nêu ở trên, việc tận dụng khoảng không trên mái để lắp đặt hệ thống điện mặt trời là giải pháp phù hợp với hầu hết DN. Hiện tại Chính phủ đang rất khuyến khích mô hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu.
Tuy nhiên, chi phí vẫn là rào cản lớn cho DN khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. Để giúp DN tự tin hơn trong việc này, ông Khánh cho biết, DAT có liên kết với một số đối tác tài chính, các đơn vị này sẽ đầu tư 100% chi phí lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái, bao gồm đầu tư ban đầu và chi phí vận hành trong 20-25 năm, sau đó sé bán lại lượng điện sản xuất ra cho nhà máy với giá thấp hơn 20-30% so với giá của Nhà nước.
Ông Khánh cũng tiết lộ, vào năm 2023, DAT đã triển khai thành công một dự án tại khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai với công suất 3,7 MW. Dự án này đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ cho nhà máy từ nguồn năng lượng mặt trời
tái tạo và đã đi vào vận hành thương mại vào cuối năm 2023.
Thu Hiền