, ,

Thị trường tủ kệ bếp năm 2025 – 2026: Nhạt và “xanh”

Những mảng màu thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của gỗ, nhạt nhưng phải chống bám bẩn, chống trầy xước và dễ lau chùi là một trong những đòi hỏi mà người dùng tủ kệ bếp đang đặt ra cho các nhà sản xuất.

Lớp hoàn thiện trong suốt

Hoa Kỳ hiện là thị trường tiêu thụ tủ kệ bếp lớn nhất thế giới. Theo nghiên cứu từ Freedonia, nhu cầu về tủ bếp tại Mỹ tăng trưởng trung bình 2,9%/năm, sẽ đạt giá trị 20,9 tỷ USD vào năm 2026. Đây cũng là thị trường mang tính dẫn dắt xu hướng tiêu dùng.

Ông Prakash Kumar, Trưởng phòng Tiếp thị, đơn vị Sơn gỗ hoàn thiện và keo dán, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, AkzoNobel

Theo ông Prakash Kumar, Trưởng phòng Tiếp thị, đơn vị Sơn gỗ hoàn thiện và keo dán, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, AkzoNobel, người tiêu dùng Mỹ thường yêu cầu các bề mặt truyền thống. Họ ưa chuộng các loại sơn phủ trong suốt để có thể thấy vân gỗ tự nhiên. Đó được gọi là lớp hoàn thiện trong suốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thế hệ người dùng trẻ muốn nội thất hiện đại hơn. Tủ bếp cũng không ngoại lệ, hiện đang chuyển dần sang các lớp hoàn thiện có sắc tố sáng hơn với màu sắc hiện đại hơn.

Người dùng tủ kệ bếp đang chuyển dần màu gỗ tự nhiên sang các màu sắc hiện đại, tươi sáng

Đồng quan điểm, ông Đặng Vũ Tường, Trưởng phòng Dịch vụ Kỹ thuật Quốc gia, đơn vị Sơn gỗ hoàn thiện khu vực Châu Á, AkzoNobel, cho biết, người dùng đòi hỏi những gam màu tự nhiên nhưng điểm chung hiện nay là sắc sẽ nhạt. Điều này đòi hỏi khả năng hoàn thiện lớp bề mặt sẽ khó khăn hơn. Vì bản thân bề mặt gỗ tự nhiên vốn đã có nhiều cấp độ màu khác nhau. “Đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi phải nghiên cứu làm thế nào để giữ được sắc nhạt tự nhiên trên nền gỗ mà vẫn kiểm soát được tính đồng đều trên toàn bộ bề mặt sản phẩm”, ông Tường nói.

Với dòng sản phẩm tủ kệ bếp màu, theo ông Tường, những màu cơ bản và phổ biến như trắng, xám… không còn được ưa chuộng. Thay vào đó là màu đen hoặc xanh. Những màu này đòi hỏi nhà cung ứng sơn phủ bề mặt cho gỗ phải phát triển được những dòng sơn mới với hàm lượng màu cao.

Đội ngũ R&D của AkzoNobel đã sáng tạo nên rất nhiều bề mặt cho lớp phủ tủ kệ bếp

So với các mảng sản phẩm khác, tủ kệ bếp không thay đổi quá nhanh mà sẽ cần vài năm nữa có thể phát triển một xu hướng màu. Theo dự đoán của ông Tường, có khả năng màu nhũ vàng, nhũ bạc, nhũ đồng sẽ là xu hướng trong những năm tới.

Tính kỹ thuật cao

Bên cạnh màu sắc, chất lượng bề mặt cao, khả năng bảo vệ bề mặt khó bị trầy xước, chống bám vân tay, bụi bẩn… là những tiêu chí mà bất cứ nhà cung ứng tủ kệ bếp nào cũng phải đáp ứng. “AkzoNobel phải đầu tư rất nhiều cho việc phát triển các bề mặt hoàn hảo cho sản phẩm tủ kệ bếp, với hệ sơn chống trầy (anti-scratch), ít bám bẩn, ít bám dấu vân tay, dễ lau chùi”, ông Chris Lee, Giám đốc kinh doanh đơn vị sơn gỗ, khu vực Đông Nam Á, AkzoNobel chia sẻ.

Tủ kệ bếp là một ngành đặc thù, hoàn toàn khác với các mảng nội thất khác, đòi hỏi hoàn thiện trên bề mặt sản phẩm này cao hơn. Nguyên nhân là do sản phẩm sẽ được sử dụng trong môi trường có nhiều tác động bởi các chất khác như dầu mỡ, chất tẩy rửa… Môi trường của bếp có nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt, thay đổi liên tục trong quá trình nấu nướng nên đòi hỏi bề mặt sơn phải thích ứng. Đồng thời, sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, người dùng tự lắp ráp nên phải đảm bảo màu sắc đồng đều trên tất cả các sản phẩm trên chuyền sản xuất. Đội ngũ kỹ thuật của AkzoNobel phải đến tận các nhà máy sản xuất tủ kệ bếp để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý tất cả những đòi hỏi này, đảm bảo chuyền sản xuất của nhà máy được thông suốt, đồng đều màu sắc, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.

AkzoNobel không chỉ là nhà cung ứng sản phẩm mà còn là đối tác chiến lược, đồng hành phát triển mẫu cùng các nhà sản xuất tủ kệ bếp ngay từ khâu chào mẫu, đến sản xuất và hậu mãi. Nhiều năm qua, phòng Labđội ngũ phát triển sản phẩm mới của AkzoNobel đã phát triển nhiều bề mặt độc đáo, phục vụ cho khối doanh nghiệp sản xuất nội thất đang hoạt động tại Việt Nam. Với lợi thế sở hữu một trung tâm nghiên cứu màu sắc đặt tại Hoa Kỳ, AkzoNobel nắm bắt được rất nhanh chóng xu hướng tiêu dùng ở thị trường này. “Phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ của AkzoNobel cũng là nơi nắm được các quy định sử dụng hóa chất dành cho thị trường này sát nhất, kiểm soát và loại trừ các hoạt chất không được phép dùng trên sản phẩm nội thất, giúp doanh nghiệp sản xuất có thể ngăn ngừa những rủi ro về mặt kinh doanh khi xuất khẩu sang Mỹ”, ông Chirs Lee cho biết.

Ông Chris Lee – Giám đốc kinh doanh đơn vị sơn gỗ, khu vực Đông Nam Á, AkzoNobel

Theo ông Chirs Lee, nguyên vật liệu cấu tạo thành sơn phụ thuộc vào tính chất và yêu cầu từ phía khách hàng. Với định hướng phát triển theo mục tiêu bền vững, đội ngũ phát triển sản phẩm sẽ lựa chọn những nguyên vật liệu để phù hợp với những đòi hỏi mà khách hàng yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo được sự thân thiện với môi trường. Hiện tất cả các dòng sản phẩm sơn của AkzoNobel đều đảm bảo đạt các quy chuẩn nhập khẩu vào những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Ông khẳng định: “Với các loại sơn UV, AkzoNobel đảm bảo quá trình sơn phải dễ thi công, khô nhanh, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm thời gian và hạn chế phát thải ở mức tối đa. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch ứng dụng hệ sơn gốc nước vào mảng sơn gỗ để nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm nội, ngoại thất”.

Phương Mai thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác