Đồ ngoại thất chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây. Xu hướng này được thúc đẩy bởi những thay đổi trong lối sống, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến không gian thư giãn trong tổ ấm của mình.
Theo báo cáo từ Statista – công ty nghiên cứu thị trường của Đức, thị trường làm vườn đang phát triển mạnh, dự kiến đạt 80,86 tỷ USD vào cuối năm 2024. Thị trường ghi nhận hơn 80% các hộ gia đình ở Mỹ tham gia vào các hoạt động làm vườn. Người tiêu dùng phân khúc này đặc biệt quan tâm đến các dụng cụ làm vườn đa năng và hiệu suất cao, như xe đẩy gấp gọn, xẻng đa dụng hay các loại kéo cắt tỉa có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều loại cây khác nhau.
Mang thiên nhiên về nhà
Ghi nhận trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng đang theo đuổi tính thẩm mỹ và tính cá nhân hóa, hướng đến phong cách cổ điển, tự nhiên, thoải mái và gần gũi. Báo cáo ghi nhận người tiêu dùng đang dần chuyển hướng từ công cụ làm vườn truyền thống sang các thiết bị thông minh chạy bằng điện và những thiết bị công nghệ mang lại hiệu suất cao.
Đón đầu làn sóng tiêu dùng tiềm năng, nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam đã bắt đầu bước vào vùng đất mới. Họ nỗ lực đáp ứng việc nâng cao trải nghiệm ngoài trời và tạo ra không gian sống hấp dẫn xung quanh ngôi nhà. Bằng việc tận dụng nguyên liệu địa phương phong phú như tre, xơ dừa, rêu rừng và nhựa tái chế, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển một loạt các sản phẩm làm vườn thân thiện với môi trường. Có thể kể tới các loại chậu cây phân hủy sinh học, cọc leo cây, phân bón hữu cơ… là những mặt hàng phục vụ nhu cầu của nhóm tiêu dùng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Việc khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo và thực hành sản xuất bền vững mang đến các giải pháp sân vườn xanh, thân thiện với thiên nhiên đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh.
Khai thác thế mạnh địa phương
Bên cạnh đồ làm vườn, các sản phẩm phục vụ sinh hoạt ngoài trời như bàn, ghế ngồi, đồ sinh hoạt lửa trại, đồ phục vụ ăn uống cũng được người tiêu dùng tìm mua. Trong đó, các sản phẩm có thể gấp gọn, giúp người dùng tiết kiệm không gian là một lợi thế lớn. Theo Amazon, nếu đáp ứng được đòi hỏi này, các nhà bán hàng Việt Nam hoàn toàn có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thị phần.
Thành công trong việc thâm nhập thị trường ngoài trời là Công ty Kunjek, một trong những nhà sản xuất FDI lớn tại Việt Nam. Để đẩy mạnh được doanh số trên Amazon, Kunjek triển khai chiến lược khai thác thế mạnh địa phương. Thế mạnh của Kunjek là kệ kim loại, giá kệ, đồ nội – ngoại thất các loại… Trong năm 2022-2023, thương hiệu này bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm, không chỉ tập trung vào công cụ nhà cửa mà còn mở rộng ra các sản phẩm sân vườn và đồ ngoại thất với các sản phẩm nổi bật như bộ công cụ đốt lò, đồ gỗ như ghế và bàn gấp gọn… Lợi thế sản xuất hàng loạt của Kunjek được tối ưu hơn với chi phí sản xuất tại Việt Nam. Chiến lược đa dạng hóa này đã giúp Kunjek thành công khi thâm nhập thị trường Mỹ, trở thành nhà bán hàng uy tín trên Amazon.
Không chỉ Kunjek, khai thác thế mạnh địa phương, đa dạng hóa sản phẩm và tích hợp xu hướng tiêu dùng toàn cầu cũng là cách mà các thương hiệu đồ chơi bằng gỗ Chippi&Co hay nhà cung ứng sản phẩm gỗ cho nhà bếp Tidita gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đại diện Amazon Global Selling đánh giá, sự linh hoạt đã giúp các doanh nghiệp thích ứng rất tốt trong thời điểm thị trường suy giảm trước đây và phục hồi ngay khi tiêu dùng nội, ngoại thất tăng trở lại. Những thương hiệu này mạnh dạn khai thác thế mạnh về chuyên môn thiết kế cũng như nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên của Việt Nam, từng bước đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tạo ra mô hình bán hàng bền vững không chỉ giới hạn vào các mùa cao điểm.
“Nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu thay đổi rất nhanh của người dùng và tận dụng thế mạnh địa phương, sẽ giúp doanh nghiệp thành công trong việc định vị thương hiệu, phát triển lâu dài trên sân chơi thương mại điện tử toàn cầu”, đại diện Amazon Global Selling nhận xét.
Nhật Hào