ICT Trade Map cung cấp số liệu thương mại toàn cầu, chứa đựng thông tin chi tiết về dòng chảy thương mại của các sản phẩm và dịch vụ giữa các quốc gia. Khai thác số liệu trên hệ thống này giúp doanh nghiệp (DN) nắm bắt thông tin về thị trường xuất nhập khẩu, từ đó định hướng chiến lược phát triển kinh doanh.
Đúng như tên gọi Bản đồ thương mại, ICT Trade Map (International Trade Center Trade Map) là hệ thống thông tin trực tuyến được phát triển bởi Trung tâm Thương mại Quốc tế – ITC, nhằm trợ giúp những cơ quan xúc tiến hỗ trợ thương mại (TSI- Trade Support ) và DN trả lời các câu hỏi liên quan, hỗ trợ nghiên cứu thị trường chiến lược cho thị trường toàn cầu.
Phân tích toàn cảnh thị trường, cạnh tranh, xác định tiềm năng
Hệ thống này cung cấp dữ liệu thương mại chi tiết về xuất nhập khẩu của hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thống kê xuất nhập khẩu theo mặt hàng; tốc độ tăng trưởng; Thông tin về thị phần thị trường; Phân tích dòng chảy thương mại quốc tế; Các số liệu về đối tác thương mại… Ngoài số liệu thô, ICT Trade Map còn cung cấp những công cụ hỗ trợ trực quan như biểu đồ, bản đồ, tạo nhóm sản phẩm, nhóm thị trường,…để giúp người dùng dễ dàng theo dõi và phân tích xu hướng thị trường cho sát nhu cầu nghiên cứu.
ICT Trade Map giúp DN nắm bắt thông tin thị trường xuất nhập khẩu, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược chính xác hơn. Lợi ích nổi bật của hệ thống này là giúp DN tìm kiếm được thị trường tiềm năng khi tra cứu dữ liệu về các quốc gia có nhu cầu cao đối với sản phẩm của mình, xác định được rủi ro ở các thị trường, nhóm sản phẩm trong xu hướng bão hoà, giảm. Thậm chí, hệ thống còn cung cấp cả mã số thuế, mức độ tập trung (concentration) và cả các quy định về phát thải carbon…
Hệ thống cũng cung cấp số liệu về các quốc gia đối thủ cạnh tranh cùng ngành cùng một số chỉ số để phân tích, so sánh, từ đó giúp DN hiểu rõ về vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.
Sức mạnh của hệ thống hóa rất nhiều dữ liệu
ICT Trade Map hệ thống hóa rất nhiều dữ liệu thương mại sơ cấp và trình bày dữ liệu dưới dạng phân bổ thông tin theo sản phẩm hoặc quốc gia. Người dùng có thể tìm kiếm thông tin theo mã HS (Harmonized System) của sản phẩm hoặc theo tên sản phẩm. Hệ thống mã HS gồm khoảng 5.300 sản phẩm được thể hiện dưới dạng chỉ mục chia thành 99 chương, nhóm lại thành 21 ngành. 6 chữ số gồm 3 phần. 2 chữ số đầu tiên HS2 cho biết chương của hàng hóa được phân loại. Ví dụ 9403 là mặt hàng nội thất. 940360 là nội thất phòng khách và phòng ăn, 940350 là nội thất phòng ngủ, 940340 là nội thất phòng bếp, 940161 + 940169 là ghế khung gỗ.
Từ mã HS người dùng đưa ra, hệ thống sẽ cung cấp dữ liệu về lượng hàng xuất nhập khẩu, giá trị giao dịch, các đối tác thương mại cũng như thị phần của từng quốc gia… Người dùng có thể tạo biểu đồ thương mại, so sánh thị trường, xác định xu hướng thông qua các công cụ phân tích của hệ thống. Sau đó, tải xuống các báo cáo và số liệu để sử dụng trong nội bộ hoặc phân tích sâu hơn. Do vậy, khi khi sử dụng ICT Trade Map, DN cần lưu ý chọn đúng mã HS. Trong trường không chắc chắn về mã HS của sản phẩm, có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm mã HS tương ứng. Dữ liệu của ICT Trade Map được cập nhật liên tục, vì vậy người dùng cần theo dõi thường xuyên để có thông tin mới nhất.
Cách sử dụng
Để truy cập và khai thác số liệu từ hệ thống, DN cần truy cập vào trang web chính thức http://trademap.org, đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống. Sau khi nhập từ khóa tìm kiếm, người dùng sẽ thấy kết quả dưới dạng bảng dữ liệu. Bộ công cụ lọc dữ liệu theo các tiêu chí khác nhau giúp DN đến gần với mục tiêu số liệu của mình như khung thời gian; đối tác thương mại (quốc gia xuất hoặc nhập khẩu); giá trị giao dịch và khối lượng hàng hóa; các phân tích trực quan như biểu đồ cột, đường, và bản đồ địa lý giúp theo dõi xu hướng xuất nhập khẩu một cách rõ ràng hơn.
Nếu đăng ký từ các nước đang phát triển, ITC hỗ trợ người dùng miễn phí khai thác tới mã HS 6 số. Nếu từ các nước đã phát triển, chỉ xem được dữ liệu ở mức HS 4 số. Đối với người dùng trả phí, có nhu cầu phân tích chuyên sâu, ICT Trade Map cung cấp các công cụ phân tích nâng cao như: So sánh giữa nhiều quốc gia hoặc sản phẩm; Dự báo xu hướng xuất nhập khẩu; Phân tích thị phần của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế….
Ngoài ra, ICT Trade Map còn cung cấp thông tin về thuế giá trị tương đương áp dụng cho hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dữ liệu này được trích xuất từ cơ sở dữ liệu của Market Access Map – bản đồ tiếp cận thị trường của ICT. DN có thể tiếp cận các quy định về thuế quan cũng như các biện pháp tiếp cận thị trường, hiệp định thương mại và quy tắc xuất xứ… Trong bối cảnh các đòi hỏi về tiêu dùng xanh đang ngày một cao, nền tảng này cũng có thể giúp DN tìm kiếm được những quy định, chứng chỉ bền vững mà các thị trường nhập khẩu đang ứng dụng.
Ngoài công cụ Bản đồ thương mại ITC Trade Map, người sử dụng có thể liên kết tới các công cụ khác của ITC như Bản đồ bền vững, Bản đồ đầu tư, Tiềm năng xuất khẩu,…
Là một quốc gia xuất khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới, tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường quốc tế là đòi hỏi thiết yếu trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện vị thế. Việc khai thác dữ liệu từ hệ thống này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn có được cái nhìn toàn diện về xu hướng thương mại toàn cầu.
Phương Linh