Sở hữu hai thế mạnh là tay nghề lao động cao và nguồn nguyên liệu bản địa dồi dào, doanh nghiệp (DN) thủ công mỹ nghệ (TCMN) đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển chung của ngành nội thất. Cùng ngồi lại để có thể hiệp lực và có thêm giải pháp là cách mà các thành viên Ban chấp hành (BCH) HAWA triển khai để có thể khai phá và phát huy thế mạnh của khối DN này.
Với những đặc thù về thổ nhưỡng, địa lý, Việt Nam là quốc gia đang sở hữu nguồn nguyên liệu sản xuất các mặt hàng TCMN rất phong phú. Tiềm năng phát triển của ngành cực kỳ lớn”, ông Lai Trí Mộc – Ủy viên BCH HAWA nhận xét như thế tại buổi nói chuyện chuyên đề “Nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành TCMN Việt Nam”, do HAWA tổ chức sáng ngày 8/11.
Những khoảng trống bất định
Theo phân tích của ông Mộc, những ứng dụng của ngành về mặt nguyên liệu hiện nay khá đa dạng với lục bình, cói, mây… Trước xu hướng tiêu dùng bền vững, hướng đến những giá trị tự nhiên, sản phẩm làm ra từ các nguyên liệu này ngày càng được đón nhận. Tuy nhiên, gắn liền với cơ hội lại là thách thức. Những năm gần đây, nguyên liệu dành cho TCMN đều thiếu ổn định. Trước sự tranh mua của thương lái Trung Quốc, giá nguyên liệu lục bình miền Tây liên tục biến động. Cói ở Nga Sơn – Thanh Hóa và Vĩnh Long có sản lượng ổn định nhưng chất lượng đang giảm và giá thành khó cạnh tranh vì khai thác thủ công. Trữ lượng mây rừng tự nhiên đã giảm rất nhiều. Các dự án lớn để trồng mây lại không hiệu quả. “Với đà này, trong tương lai, khả năng cạnh tranh của DN trong ngành sẽ ngày càng khó”, ông nhận xét.
Hướng đến xây dựng các giải pháp thay thế, nhiều DN TCMN đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm nhiều nguyên liệu mới. Ví dụ, thân chuối của giống chuối đặc thù, có sợi dai, phổ biến ở khu vực đồi núi khu vực Khánh Hòa hoặc thủy trúc, loại cây kiểng mọc phổ biến ở các tỉnh Nam bộ. Hiện, thủy trúc được trồng theo những cánh rừng, bờ mương, hàng rào nhà… có thể sống ở các vùng khác nhau, không cần chăm sóc mà lại có thân chắc, đẹp với giá thành rẻ hơn cói. Theo ông Mộc, những nguyên liệu trên nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa thực sự được nghiên cứu ứng dụng bài bản, cần thêm thời gian để đi vào thực tiễn sản xuất.
Mở đường cho chuỗi cung ứng bền vững
Ông Trần Lam Sơn – Ủy viên BCH HAWA đánh giá, sự bất định trong nguồn cung nguyên liệu cho TCMN chỉ có thể giải quyết được khi có sự phối hợp bài bản giữa các nhà khoa học, các DN và một mô hình sản xuất tiến bộ. Bài học thực tiễn từ Vietnam Housewares Corp là một ví dụ.
Kết hợp với các chuyên gia thuộc Đại học Cần Thơ, Vietnam Housewares từng bước đưa cỏ năng tượng vào sản xuất hàng TCMN. Mất 5 năm nghiên cứu ứng dụng, phương pháp xử lý, phương án thu hoạch, phương án sản xuất… đơn vị này đã có thể thuyết phục được được những khách hàng khó tính ở thị trường quốc tế. “Nếu được đầu tư phát triển vùng trồng, giá thành năng tượng sẽ còn xuống thấp hơn, có thể chỉ bằng nửa giá cây lục bình để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm TCMN”, ông Sơn tính toán.
Không chỉ giải quyết bài toán nguyên liệu, mô hình sản xuất mà Vietnam Housewares kết hợp triển khai hướng đến bài toán sinh kế cho người dân đồng bằng. Cụ thể, với việc triển khai các tổ dạy đan, tổ chức đào tạo nghề đan cho người lao động, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm… người dân tham gia hợp tác xã có được 3 nguồn thu, từ việc bán nguyên liệu năng tượng, công việc đan sản phẩm và nguồn lợi thủy sản trên vùng trồng của họ. “Hiện sản phẩm năng tượng đã có mặt ở các siêu thị toàn cầu nhưng cơ hội vẫn còn rất lớn cho tất cả các DN TCMN. Ngành càng phát triển thì DN càng có lợi”, ông Mộc nói.
Theo ông Mộc, cũng như xuất khẩu đồ nội thất, mức độ cạnh tranh trong ngành TCMN không hề nhỏ. DN Trung Quốc không có nguyên liệu nhưng lại có khả năng thu mua rất lớn từ Việt Nam. Bangladesh cũng đang phát triển ứng dụng cỏ Vetiver, đan bện sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Do vậy, ngành TCMN Việt Nam phải thay đổi, tính toán được khả năng chủ động nguyên liệu. Ông nhấn mạnh: “Để khai thác được tiềm năng cần có sự nỗ lực của DN trong ngành. Thị trường cần sự sáng tạo các giá trị mới trong thiết kế, kết hợp các nguyên liệu với nhau và nhất là phải đáp ứng được các tiêu chí cân bằng môi sinh, phát triển bền vững…”.
Lấy mục tiêu “Tự cường trên chuỗi cung ứng” làm kim chỉ nam, ông Trần Lam Sơn cho biết, HAWA đang nỗ lực cùng DN trong ngành TCMN liên kết để có thể chủ động nguồn nguyên liệu. Nếu có thể phủ xanh năng tượng toàn bộ diện tích 1,8 triệu ha đất nhiễm mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long thì ngành TCMN đã có kho nguyên liệu rất lớn. Quan trọng hơn, loại cây trồng này còn có thể góp phần cải thiện chất lượng đất, giải bài toán cân bằng môi sinh. Đó là một thông điệp hoàn toàn đủ sức để thuyết phục người mua hàng thế giới.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hồng Quang – Ủy viên BCH HAWA cũng cho rằng, khi đã chủ động được nguồn nguyên liệu, liên kết là cách làm tốt nhất để DN trong ngành cùng phát triển, hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng các mặt hàng TCMN bền vững của Việt Nam. Mỗi DN đều có chuyên môn riêng nên có thể kết hợp cùng nhau để làm nên lợi thế cạnh tranh chung. “Thay vì ‘bao sân’ mọi công đoạn, DN trong ngành có thể chọn đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng. TCMN Việt Nam hướng đến không bán những gì có sẵn mà bán những thứ thế giới cần”, bà Quang nhấn mạnh.
Minh Khuê