Xu hướng tiêu dùng của thế giới đang hướng về những sản phẩm có hàm lượng carbon thấp, lựa chọn nguyên liệu phù hợp, gia tăng hàm lượng sáng tạo. Tập trung vào xu hướng này là cách để ngành nội thất Việt Nam xác lập thêm thế mạnh cạnh tranh.
* Với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm cung ứng hàng hóa của thế giới. Trong đó, nội – ngoại thất và thủ công mỹ nghệ nằm trong danh sách những sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ông đánh giá thế nào về tiềm lực của ngành?
– Với riêng gỗ và sản phẩm gỗ, tôi nghĩ ngành vẫn có thể phát triển mạnh hơn rất nhiều. Nhu cầu thị trường thế giới lớn và phần cung ứng từ Việt Nam vẫn còn khá ít. Để có thể gia tăng thị phần, ngành cần tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả hơn.
Việc Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm cung ứng mới của thế giới sẽ tạo đà thu hút đầu tư nước ngoài. Cạnh tranh nhân lực sẽ tăng và lợi thế nhân công giá rẻ sẽ sớm mất đi. Chỉ có tăng năng suất mới giảm được giá thành và tạo thu nhập tốt hơn cho người lao động.
Mặt khác, dù thời gian qua, nỗ lực để thay đổi khá lớn nhưng ngành nội thất Việt Nam vẫn chưa có những bước đột phá, vẫn chủ yếu gia công cho đối tác nước ngoài. Thời gian tới, việc theo đuổi mục tiêu xây dựng đội ngũ thiết kế, marketing chuyên nghiệp để doanh nghiệp (DN) có thể bán hàng trực tiếp bằng thương hiệu của chính mình cần tiếp tục và mạnh mẽ hơn nữa.
Hướng đến tương lai, các hiệp hội cần chú trọng các hoạt động hỗ trợ DN gia tăng nội lực, củng cố các giá trị hiện có và trang bị những giá trị cạnh tranh mới.
* Mục tiêu gia tăng giá trị sáng tạo, xây dựng hệ thống phân phối, thương hiệu… bao hàm khá nhiều nhiệm vụ, từ hoạch định, giáo dục đến năng lực… Việc này đòi hỏi không ít thời gian…
– Công nghệ đang phát triển rất mạnh và có những phương thức để đi tắt, đón đầu thay vì từng bước tích lũy. Trong khi “công thức” cũ là đợi ngành giáo dục hình thành nên một đội ngũ thiết kế, sáng tạo hay DN sẽ nuôi đội ngũ thiết kế, tích lũy từng kinh nghiệm theo thời gian thì nay rất nhiều DN đã triển khai hợp tác với đội ngũ thiết kế quốc tế. Không dừng lại đó, theo quan sát của tôi, hiện Việt Nam cũng đã có đội ngũ thiết kế nội thất chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.
Khi những người có thế mạnh sản xuất kết hợp được với nguồn sáng tạo độc lập từ bên ngoài, hoàn toàn có thể giúp DN tạo ra những sản phẩm riêng, chủ động chào bán với các nhà mua hàng. Đây chính là thế mạnh cạnh tranh mới của ngành.
* Cụ thể tại DN của ông, phương cách hợp tác với đội ngũ sáng tạo được triển khai thế nào?
– Từ nhiều năm qua, Công ty Minh Thành hợp tác với thiết kế theo cách thức linh động. Có thể mua thiết kế hoặc hợp tác theo tỉ lệ doanh số. Sản phẩm được đặt hàng với số lượng càng lớn thì thu nhập của người sở hữu thiết kế càng cao. Cách làm này vừa tạo môi trường chủ động, vừa kích thích năng lực sáng tạo của thiết kế. Người sáng tạo phải tìm hiểu, nắm bắt xu hướng tiêu dùng để có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất.
Nói chung, ở góc độ DN, nhờ có đội ngũ thiết kế, họ sẽ tập trung vào việc sản xuất sao cho tinh gọn nhất, có hiệu suất nhất và bán hàng tốt nhất để đảm bảo lợi nhuận. Như vậy các nguồn lực đều được tận dụng đúng thế mạnh.
* Ông có nghĩ rằng bên cạnh nhân lực, nguyên liệu bản địa cũng là một trong những lợi thế lớn của ngành nội thất Việt Nam nhưng chưa được khai thác đúng mức?
– Nhà nước đã đề ra và đang bám sát mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn. Nỗ lực này sẽ giúp các DN sản xuất nội thất có điều kiện tiếp cận nguồn nguyên liệu bản địa nhiều hơn. Thực tế việc bán non gỗ rừng trồng, phục vụ xuất khẩu dăm gỗ có thể hạn chế khi lâm dân được bảo đảm quyền lợi tốt nhất. Trong ngành, đã có DN bắt tay cùng chủ rừng, cấp vốn đầu tư, bao tiêu sản phẩm… để lâm dân an tâm chăm sóc rừng đủ thời gian khai thác phục vụ cho sản xuất nội thất.
Những tiến bộ về chế biến gỗ thời gian qua cũng đang hình thành cơ hội mới cho việc gia tăng giá trị gỗ rừng trồng. Cụ thể là ứng dụng công nghệ chế biến mới để sản xuất gỗ kỹ thuật, có độ cứng cao, kháng mối mọt, ứng dụng được trong sản xuất nội-ngoại thất, đặc biệt là xây dựng. Thế giới đang hướng đến xu hướng tiêu dùng xanh, trách nhiệm. Người mua hàng ngày càng tăng lựa chọn những sản phẩm có hàm lượng carbon thấp. Đón đầu xu hướng này, nếu gia tăng hàm lượng công nghệ vào nguyên liệu, tôi tin giá trị của gỗ bản địa sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Hiện năng lực chế biến của các DN Việt Nam đã có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất gỗ kỹ thuật. Trong tương lai, đây là một cơ hội mới để phát triển ngành gỗ Việt Nam. Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đang kết hợp với ILO và SIPPO để hỗ trợ các DN trong ngành tiếp cận, làm quen với gỗ kỹ thuật, phát triển thị trường… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng chất lượng sản phẩm gỗ kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam. Con đường mới này không chỉ góp phần tạo đà tăng trưởng cho các DN chế biến gỗ mà còn là công cụ góp phần “xanh hóa” ngành xây dựng trong nước.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Hà thực hiện