Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Viforest, cho biết năm 2024 xuất khẩu sản phẩm gỗ và nội thất gỗ của Việt Nam vào Ấn Độ tăng trưởng đột biến từ 31 triệu USD lên mức 122 triệu USD (tăng 293% so với cùng kỳ). Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025 đã đạt 56,35 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường đông dân nhất thế giới
Theo đại diện Công ty Kiểm toán nội bộ và Cố vấn DN KPMG, Ấn Độ hiện là quốc gia sản xuất nội thất lớn thứ năm và tiêu dùng nội thất lớn thứ tư toàn cầu. Thị trường nội thất của quốc gia đông dân nhất thế giới này có nhu cầu rất đa dạng với nội thất gia đình, văn phòng, khách sạn và nhiều loại khác. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm CAGR giai đoạn 2025-2028 ước đạt 14%.
Tiềm năng của thị trường này còn rất lớn nhờ quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thu nhập khả dụng tăng và thị hiếu người tiêu dùng ngày càng thay đổi; niềm tin của nhà đầu tư giúp thúc đẩy mở rộng bán hàng đa kênh và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó là việc mở rộng hoạt động bán lẻ có tổ chức với sự gia nhập của các thương hiệu toàn cầu, sự trỗi dậy của thương mại điện tử dẫn đến sự phát triển của các nền tảng bán hàng đa kênh, đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và thương mại tăng lên cùng nhiều sáng kiến hữu ích của chính phủ…
Ông Rajesh Bhagat, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Worldex India, công ty xúc tiến thương mại hàng đầu của Ấn Độ, cho biết gỗ và nội thất là 1 trong 4 ngành tăng trưởng nhiều nhất của Ấn Độ thời gian qua. Do đó về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hai nước đều có thể hợp tác. Việt Nam cung cấp sản phẩm và sản xuất, Ấn Độ cung cấp thị trường tiêu thụ và đầu tư. Chính phủ hai bên đang phát triển quan hệ song phương nên sẽ có nhiều cơ hội trong thời gian tới.
Lối vào thị trường Ấn Độ
Có 2 lộ trình để tham gia thị trường Ấn Độ: Thứ nhất là cấp phép tự động và thứ hai là xin giấy phép. Quy định cấp phép chia ra theo từng nhóm đối tượng: Sản xuất, bán lẻ một thương hiệu, bán lẻ nhiều thương hiệu, bán sỉ.
Khi DN thành lập văn phòng liên hệ, không có hoạt động kinh doanh hay kiếm ra thu nhập, mức thuế suất sẽ là 0%. Khi thành lập văn phòng chi nhánh (chỉ dành cho các hoạt động được chấp thuận như thương mại, sản xuất), mức thuế sẽ là 35%. Mức thuế tại Ấn Độ dao động từ 22-30% đối với các loại hình DN khác nhau như công ty cổ phần, công ty con sở hữu toàn bộ, công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn.
Ấn Độ hiện đang áp dụng mức thuế quan 20%. Để được miễn thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), cần đáp ứng một số điều kiện nhất định, bao gồm cả tỷ lệ giá trị khu vực và sự thay đổi trong mã HSN (Harmonised System of Nomenclature, bộ mã 6 chữ số được thiết kế để chuẩn hóa cách phân loại và mã hóa hàng hóa). Nếu đáp ứng các điều kiện này, thuế nhập khẩu sẽ là 0%, nếu không mức thuế là 20%.
Quy trình chứng nhận BIS
Cục tiêu chuẩn Ấn Độ (Bureau of Indian Standards – BIS) là cơ quan chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia của Ấn Độ. Cơ quan này sẽ cấp chứng nhận chất lượng BIS cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Nhiều cơ quan, dự án nhà nước hoặc DN lớn của Ấn Độ có thể yêu cầu sản phẩm nội thất phải đạt tiêu chuẩn BIS để đủ điều kiện nhập khẩu dù có bắt buộc về mặt pháp lý hay không.
Để xin chứng nhận BIS, DN cần kiểm tra xem sản phẩm có thuộc Hệ thống chứng nhận sản phẩm mẫu I của BIS (Quy định đánh giá sự phù hợp năm 2018) được sửa đổi định kỳ hay không? Sau đó tiến hành 5 bước:
– Thu thập tài liệu cần thiết như thông số kỹ thuật sản phẩm, báo cáo thử nghiệm, chi tiết quy trình sản xuất và các tài liệu liên quan khác.
– Nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin của BIS.
– Tiến hành thử nghiệm sản phẩm tại phòng thí nghiệm được BIS phê duyệt.
– BIS xem xét giấy tờ và cấp giấy chứng nhận nếu tất cả các yêu cầu được đáp ứng.
– Tham gia chương trình giám sát hàng năm để đảm bảo sản phẩm tiếp tục tuân thủ các tiêu chuẩn của BIS.
Chứng nhận BIS và chính sách thuế là hai trong số những vấn đề được nhiều DN xuất khẩu quan tâm tìm hiểu. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động hướng dẫn chi tiết hơn về các vấn đề này để hỗ trợ DN hai nước hợp tác, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2030.
Các nhà nhập khẩu của Ấn Độ tham gia hội thảo cũng cho biết thêm xu hướng nội thất được yêu thích trên thị trường này là thiết kế tối giản, màu sắc trung tính, vật liệu phù hợp với khí hậu nóng, giường có ngăn cất đồ đạc…
Diệp Thảo