Các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như VNG, Viettel, VNPT, CMC… đều đang giương cao ngọn cờ chuyển đổi số (CĐS). Trong đó, FPT cũng đã xác định CĐS sẽ là mảng ưu tiên. Ông vui lòng cho biết, vì sao FPT lại chọn lĩnh vực này làm mũi nhọn phát triển trong thời gian tới?
– CĐS là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu. Việt Nam nói chung, các DN nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc vươn lên dẫn đầu dựa trên ứng dụng công nghệ mới. Đây chính là cơ hội và sứ mệnh của FPT để đóng góp cho quá trình chuyển đổi số quốc gia bằng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ “made by FPT, “make in Vietnam” để giúp các tổ chức, DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mang thêm nhiều giá trị cho cộng đồng và thúc đẩy hình thành nền kinh tế số.
Với hơn 30 năm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực từ quá trình tư vấn, triển khai các dự án công nghệ quan trọng cho các tập đoàn toàn cầu; năng lực công nghệ và hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số đa dạng, FPT quyết định tập trung chiến lược CĐS.
* Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay chẳng hạn, mô hình kinh tế vận hành trên ứng dụng công nghệ đang thể hiện được ưu điểm của nó?
– Sử dụng công nghệ góp phần giúp cho con người, DN vượt qua khủng hoảng. Mô hình kinh tế vận hành trên ứng dụng công nghệ giúp hạn chế số lượng người tập trung tại văn phòng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người nhưng vẫn giúp các DN vận hành hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu kinh doanh, sản xuất.
Không chỉ giúp các DN ứng phó với dịch bệnh, trong tương lai mô hình kinh tế vận hành trên ứng dụng công nghệ còn giúp DN phát triển bứt phá về năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, sự hài lòng của khách hàng và tạo ra sự cạnh tranh vượt trội trước các đối thủ. Ví dụ như việc ứng dụng công nghệ, số hóa các tác nghiệp, quy trình nội bộ có thể giúp DN giảm 90% thời gian phê duyệt bản cứng theo cách truyền thống, cắt giảm 50% thời gian giao dịch nội bộ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.
Với các DN đã số hóa cao mà việc sử dụng các công cụ trực tuyến, mô hình làm việc từ xa, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện… thì việc chuyển sang chế độ làm việc hoàn toàn từ xa không phải là một việc thay đổi quá lớn với họ vì đã trở thành thói quen, văn hóa. Vấn đề nằm ở sự sẵn sàng của mỗi người trong DN cũng như khách hàng, đối tác, chuỗi cung ứng của họ.
* Hiện, trong CĐS, DN Việt Nam mắc phải hạn chế lớn nào?
– Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong việc CĐS. Những lợi thế trên cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào CĐS.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào CĐS, phần lớn các DN vẫn còn khá nhiều băn khoăn. Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CTTT (Vinasa), một trong 3 vấn đề DN Việt Nam quan tâm nhất khi triển khai chuyển đổi số là nên bắt đầu từ đâu?
* Ví dụ của ông về việc CĐS đã giúp DN Việt Nam tinh gọn và tăng trưởng?
– Đã có nhiều DN chọn FPT tư vấn, triển khai chuyển đổi số và đạt được những hiệu quả vượt trội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Ngân hàng TMCP Quân đội… Như việc ứng dụng Hệ thống tự động nhận dạng và trích xuất thông tin từ hình ảnh do FPT.AI cung cấp cho Ngân hàng TMCP Quân đội, giúp đẩy nhanh quy trình nhập liệu từ vài phút xuống còn 2-3 giây mà vẫn đảm bảo chính xác.
Trong thời gian tới, FPT tiếp tục đầu tư phát triển các nền tảng, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ mới để giúp DN Việt Nam có thể ứng dụng ngay vào quá trình CĐS để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trải nghiệm khách hàng và tìm kiếm mô hình/cơ hội kinh doanh mới. Chúng tôi cam kết “Cùng khởi động – Cùng đầu tư – Cùng về đích” với DN Việt Nam.
* CĐS đã và sẽ tác động mạnh đến nhiều người, tổ chức, và văn hóa làm việc. DN chế biến gỗ phần lớn đang vận hành theo mô hình quản trị truyền thống, đậm chất gia đình. Theo ông, đây có phải là trở ngại lớn?
– Quan trọng là phải sẵn sàng thay đổi. Để CĐS thành công, cần phải biết truyền cảm hứng CĐS từ ban lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên.
Đồng thời, khi triển khai, DN cần dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản. Một là luôn luôn tập trung vào lợi ích đầu ra. Các ý tưởng, sáng kiến, dự án chuyển đổi số có thể được đề xuất, xuất phát từ các bộ phận, hoạt động khác nhau trong DN nhưng tất cả đều phải hướng đến lợi ích đầu ra, bao gồm cả lợi ích hữu hình cũng như lợi ích vô hình. Và các lợi ích này phải được lượng hóa.
Hai là phải liên kết chặt chẽ giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược CĐS. Chiến lược CĐS phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho chiến lược kinh doanh của DN. Ba là xác định lộ trình CĐS dựa trên phương pháp: Nghĩ lớn – Khởi động thông minh – Nhân rộng thần tốc. Trong đó, khởi động thông minh là việc phải xác định và tập trung những vấn đề có tính thiết yếu nhất với DN, lựa chọn các dự án triển khai có tính khả thi cao, và trong quá trình thí điểm thì lựa chọn các dự án đơn giản, dễ triển khai.
Việc vội vã đưa các kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp CĐS từ thế giới hay từ ngành khác áp dụng một cách máy móc có thể tạo ra thêm vấn đề thay vì giải quyết vấn đề và tạo thêm cơ hội.
* Cảm ơn ông về những trao đổi này!