Khép lại năm 2017, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt 8 tỷ USD giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Riêng sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chứng tỏ ngành gỗ đã về đích trước mục tiêu chiến lược của ngành đến năm 2020. Công bằng mà nói, sự thành công của ngành có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của ba trục: Chính phủ – Doanh nghiệp và doanh nhân – toàn dân.
Ở trục Chính phủ, chúng ta thấy rõ nhiều năm qua, Chính phủ luôn nhất quán trong việc xác định ngành chế biến gỗ là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và sẽ phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, chống biến đổi khí hậu. Nhà nước luôn đề cao và kêu gọi doanh nghiệp thực hiện công tác kiểm soát nguồn cung theo chuỗi. Dấu ấn quan trọng của Chính phủ trong năm 2017 là việc ký tắt Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT và Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp sửa đổi, bổ sung thêm chương Chế biến gỗ. Đây cũng là sự thừa nhận của Nhà nước về vai trò của ngành chế biến gỗ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến các chuẩn bị cần thiết để Hiệp định sớm được chính thức. Cùng với đó là sự chuaarn bị thể chế hóa Hiệp định thành các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp để tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những nỗ lực trên cho thấy, Chính phủ đề cao việc chuỗi sản xuất ngành gỗ và xác định, chuỗi sản xuất gỗ Việt Nam và chuỗi sản xuất hợp pháp, minh bạch khi bước ra thị trường thế giới.
Trục thứ hai: Doanh nghiệp. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phát triển rất lớn của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ những năm trở lại đây. Tầm vóc và doanh thu của ngành chứng tỏ đây là một trong những ngành mũi nhọn, nhiều tiềm năng phát triển. Trong năm 2018, dự báo nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ tăng 4%. Đó chính là lí do, doanh nghiệp khai thác và chế biến gỗ đang hướng đến con số xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm này. Để thực hiện được mục tiêu ấy, ngoài việc tạp trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, đầu tư chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, doanh nghiệp trong ngành còn phải mở rộng thị phần xuất khẩu.
Có lẽ, hiếm có ngành công nghiệp nào có dư địa phát triển tốt như ngành chế biến gỗ tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, mức phát triển của ngành luôn trên 10%. Vì điều này mà Chính phủ rất quyết liệt trong việc phát triển ngành nên đã và đang nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, nhất là việc phát triển nguồn cung hợp pháp. Biết điểm khó của doanh nghiệp chế biến gỗ mắc phải, Chính phủ cũng đã có kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển chuyên ngành này trong thời gian tới.
Với tất cả những kỳ vọng và hỗ trợ, Chính phủ cũng mong rằng các doanh nghiệp trong ngành tự tin, mạnh dạn đầu tư. Tất nhiên, như đã nói, khoản đầu tư này phải trên cơ sở phát triển công nghệ mới, tăng hàm chất lượng xám để nâng cao giá trị sản phẩm thay vì chỉ gia công, từ đó tăng thu nhập cho người lao động. Chính phủ cũng đề nghị doanh nghiệp tuân thủ các quy định đảm bảo nguồn cung hợp pháp của ngành. Chúng ta quyết liệt không đánh đổi vì bất cứ lý do nào, không chấp nhận con sâu làm rầu nồi canh để giữ và làm tăng uy tín của ngành. Được như vậy, cũng là việc chúng ta tăng uy tín quốc gia.
Để làm được điều đó, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào vấn đề tăng diện tích rừng trồng, quản lý rừng bền vững. Chính phủ luôn đồng hành và sẽ tiếp tục tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Hiện, trong cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, khu vực tư nhân chiếm 95%. Có khoảng 1.500 doanh nghiệp chế biến gỗ trực tiếp xuất khẩu, trong đó doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 450. Phân loại quy mô doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 93%. Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có điều kiện phát triển hơn, góp sức với ngành. Chỉ cần doanh nghiệp trong ngành vững tin và cố gắng, tôi tin tương lai của ngành chắc chắn sẽ là bức tranh tươi sáng hơn hiện nay rất nhiều.