, ,

ACACIA: Nhân tố đổi mới ngành gỗ Việt

Các chuyên gia trong nước lẫn quốc tế đều đánh giá cao tiềm năng của gỗ keo tràm (Acacia). Nguồn nguyên liệu bản địa, hợp pháp này hoàn toàn có khả năng tạo nên những bứt phá cần thiết, tạo lực đẩy cho công nghiệp nội thất Việt Nam.

 

Con số thống kê chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 cho thấy hiện Việt Nam có tổng gần 14,7 triệu ha rừng. Theo chức năng, diện tích này được chia thành rừng phòng hộ (4,65 triệu ha, 31,8% trong tổng diện tích); rừng đặc dụng (2,16 triệu ha, 14,8%) và rừng sản xuất (7,8 triệu ha, 53,4%). Rừng sản xuất, chiếm phần lớn nhất trong bức tranh chung, là nơi cung ứng gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến, chủ yếu tập trung ở vùng Đông Bắc (2,42 triệu ha); Bắc Trung bộ (1,66 triệu ha) và Tây Nguyên (1,53 triệu ha).

Tương lai ở rừng trồng

Bà Lương Kim Anh, cán bộ nghiên cứu Forest Trends cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý rừng trồng chưa cao nên chưa thống kê hết được diện tích rừng trồng trên cả nước. Thực tế, các con số từ diện tích đến sản lượng đề có thể cao hơn thống kê rất nhiều.

Theo vị trí địa lý, Đông và Tây Bắc bộ đang sở hữu hơn 70% diện tích rừng trồng Việt Nam. Tập trung ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Quảng Nam… Phần lớn, diện tích này do ban quản lý rừng quản lý. Sau là hộ gia đình, góp thêm nguồn cung manh mún, nhỏ lẻ.

Rừng trồng tại Việt Nam chủ yếu là cây keo, cao su, thông, tràm, đước, điều, bạch đàn… trong đó, keo phổ biến nhất, với lượng gỗ khai thác có thể lên đến 20 triệu m3/năm. May mắn, các địa phương trồng nhiều keo như Thái Nguyên, Bình Định, Nghệ An, Tuyên Quang, Quảng Ninh… có vị trí gần nhau. Theo đánh giá từ Forest Trends, lợi thế này giúp ngành hình thành được các cụm cung ứng nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) chế biến tiếp cận thuận lợi hơn rất nhiều.

Với tính ứng dụng cao, sản phẩm làm từ gỗ keo tràm hiện đang khá phong phú và triệt để, từ sản xuất nội thất đến làm ván lạng, gỗ dán, dăm gỗ, viên nén… Thời gian qua, nhiều DN sản xuất nội thất, từ khối FDI lẫn khối DN nội đều đã dùng keo tràm làm nội thất xuất khẩu và được người dùng thế giới đón nhận. “Tương lai sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ keo tràm sẽ tăng, cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Tiềm năng phát triển nguyên liệu bản địa này là rất lớn”, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận định.

Mở rộng như thế nào?

Ông Đoàn Ngọc Giao, chuyên viên cao cấp Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cây keo vào Việt Nam từ những năm 1970. Hai mươi năm trở lại đây, việc trồng keo phát triển mạnh, lên đến hơn 2,7 triệu ha, chiếm hơn 70% diện tích rừng trồng. Đánh giá đây là loài cây bản địa giàu tiềm năng, Nhà nước cũng đã có những chiến lược phát triển tương ứng. Như việc chọn được hơn 100 giống từ 3 loài keo nổi bật, thích hợp với thổ nhưỡng. Kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn cũng xác định trọng tâm là trồng keo. Ngoài ra, còn hỗ trợ tín dụng, tài chính, tư vấn lẫn vật tư cho người trồng keo, DN trồng rừng lẫn DN khai thác…

Theo ông Giao, chiến lược phát triển nguyên liệu gỗ bản địa của ngành sẽ tiếp tục phát triển các chương trình hỗ trợ, nghiên cứu chọn giống cây trồng, duy trì 500.000 ha rừng trồng gỗ lớn và mục tiêu 2030 là có thêm 500.000 ha rừng trồng keo gỗ lớn. Ông Giao cho biết: “Bên cạnh tập trung quan tâm kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng gỗ lớn, Tổng cục sẽ triển khai đánh giá tác động chuyển hóa mục tiêu trồng rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Chính sách sẽ tạo điều kiện hình thành các liên kết giữa các hộ dân, hợp tác xã… để khắc phục nhược điểm là diện tích trồng manh mún, chia nhỏ như hiện nay”.

Song song với mục tiêu mở rộng, ông Trần Quang Bảo cho rằng nâng cao chất lượng gỗ, thời gian trồng sẽ tạo ra sinh khối nhiều, trực tiếp mang đến lợi ích cho lâm dân. “Phát triển rừng trồng gỗ lớn nhưng phải có chứng chỉ quốc tế, bền vững theo quy chuẩn thế giới”, ông Bảo khẳng định.

Hiện, ngành nông nghiệp đã cấp chứng chỉ cho 460.000 ha rừng rồng trong nước, hướng tới mục tiêu Việt Nam sở hữu 1 triệu ha rừng trồng có chứng chỉ. Chính sách đang hướng tới hỗ trợ việc tăng chứng chỉ rừng bền vững. Nhưng, theo ông Bảo, thách thức hoàn toàn không nhỏ. Khác với mô hình hợp tác xã, việc cấp chứng chỉ cho các diện tích trồng nhỏ lẻ nhiều khó khăn. Chi phí khảo sát cấp chứng chỉ cao, thủ tục phức tạp. Ông Bảo nói: “Cách tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh năng lực của các đơn vị quản lý rừng. Từ năm 2019, Việt Nam đã thành lập văn phòng chứng chỉ rừng, được quốc tế công nhận”.

Minh Trân

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác