,

Áp lực kép

Song song với chi phí logistics, giá nguyên liệu trên đà tăng tạo áp lực cho doanh nghiệp khối sản xuất khi nhu cầu ở thị trường nội thất thế giới đã có tín hiệu khả quan.

Ngay từ tháng đầu của năm 2024, khi đơn hàng bắt đầu trở lại, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cả nước chưa kịp mừng thì đã đối mặt với nỗi lo: Giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đã tăng cao. Đây là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của DN Việt Nam và ngành chế biến gỗ. Đến tháng 3/2024, giá cước vận chuyển sang châu Mỹ, châu Âu có giảm nhưng vẫn cao hơn bình quân những năm trước khoảng 20%. Ghi nhận sơ bộ từ các DN trong ngành cho thấy, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang các thị trường trên đang ở khoảng 4.000 – 4.500 USD/container và bị áp phụ phí khoảng 1.500 – 3.000 USD/container. Tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ đang tăng 70%. Riêng hàng đông lạnh đi châu Âu đang tăng gần 4 lần.

Gánh nặng Biển Đỏ

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do báo Người Lao Động tổ chức, bà Lê Thị Thanh Minh – Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua mũi Hão Vọng (châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cước tàu tăng do kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển từ châu Á sang châu Âu.

Không chỉ cước, các phụ phí cũng đang leo thang, tăng không báo trước khiến DN xuất nhập khẩu bức xúc. Cũng như những xáo trộn thời Covid-19, căng thẳng Biển Đỏ còn kéo theo tình hình thiếu container rỗng, giá container rỗng cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn, chậm trễ. Đó là chưa kể, những biến động trên thế giới cũng khiến giá dầu thô tăng, ảnh hưởng chi phí đầu vào cho DN.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã làm việc với các DN, hiệp hội, logistics để có các giải pháp tích cực như xem xét tuyến đường thay thế bằng đường tàu hoặc kết hợp đa phương tiện đường bộ, đường tàu biển, đường sắt… Tuy nhiên, căng thẳng Biển Đỏ có thể khó kết thúc sớm. DN xuất khẩu sẽ cần có kế hoạch ứng phó”, bà Lê Thị Thanh Minh nói.

Chủ động để vượt khó

Không chỉ logistics, một áp lực không nhỏ khác, tác động trực tiếp đến giá thành là nguyên liệu cũng đang trên đà tăng. Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,143 triệu m³, trị giá 373,7 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, các thị trường cung ứng nguyên liệu chính cho ngành chế biến gỗ Việt Nam bao gồm: Trung Quốc, EU, Thái Lan, Mỹ, Chile… với các chủng loại gỗ lớn như: thông, tần bì, dương, sồi, bạch đàn, cao su…

Trong tháng 3/2024, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ về Việt Nam tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 20 tháng qua, đạt 78 nghìn m3, với trị giá khoảng 31 triệu USD, tăng 60,5% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ đạt 152,44 nghìn m3, với trị giá 62,77 triệu USD, tăng 45,9% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Bà Lê Thị Bích Cảnh – Giám đốc Công ty Gỗ Mỹ Đức cho biết, nguồn cung gỗ từ Mỹ có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, nên vẫn giữ vai trò quan trọng với DN sản xuất đồ nội thất Việt Nam. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường có tính pháp lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ phục hồi trong năm 2024.

Bà Lê Thị Bích Cảnh – Giám đốc Công ty Gỗ Mỹ

Theo bà Cảnh, giá gỗ nguyên liệu đã và đang tăng khá nhanh, chênh lệch 20% – 30% so với giai đoạn thấp điểm năm 2023. Kết thúc tháng 3, tháng mua hàng trọng điểm của các đơn vị nhập khẩu nội thất quốc tế, DN chế biến gỗ nhận được khá nhiều đơn hàng. Đây là động lực cho thị trường nguyên liệu cũng sẽ sôi động hơn trong mùa sản xuất sắp tới. Do vậy, các DN nội thất cần có chiến lược tổ chức nguyên liệu phù hợp. Hiện, giải pháp sử dụng nguyên liệu thay thế, đơn cử như nguyên liệu rừng trồng trong nước đang được các DN chú ý.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngành nội thất đang có những đầu tư nghiêm túc cho khâu thiết kế, ngành gỗ cũng đang ghi nhận nỗ lực của các DN trong việc thử nghiệm và ứng dụng nhiều nguyên liệu gỗ mới, kết hợp thêm các nguyên liệu ngoài gỗ để vừa có thể tiết giảm chi phí, vừa gia tăng giá trị sáng tạo. “Điều này cho thấy sự năng động của các DN sản xuất đồ nội thất Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng của ngành trong thời gian tới”, bà Cảnh nhận xét.

 

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến xuất khẩu, “Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được phê duyệt.

Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Ngành lâm nghiệp đang hướng đến mục tiêu đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Tất cả nguồn nguyên liệu gỗ đều có chứng chỉ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Minh Kiên

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác