,

Bước đi mới của gỗ mềm

Vân mịn, màu sắc sáng đẹp, thớ chắc, dễ chế tác và gia công, thuận lợi lắp đặt và vận chuyển… là những thế mạnh giúp gỗ mềm có thể chinh phục được các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất.

 

Biến chuyển mới

“Cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng nội thất, hai năm trở lại đây, gỗ mềm được các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ ưa chuộng nhiều hơn hẳn”, ông Peter Bradfield, chuyên gia tư vấn kỹ thuật gỗ đến từ Canada nhận xét. Đây là một biến chuyển nhiều bất ngờ của thị trường bởi gỗ cứng vốn luôn là lựa chọn ưu tiên của các nhà sản xuất nội thất.

Theo chuyên gia này, gỗ cứng đẹp, độ bền cao, có khả năng chống mối mọt, thích hợp thiết kế nội thất. Tuy nhiên, do thời gian sinh trưởng khá lâu nên hiện nay nguồn cung gỗ cứng hợp pháp không được tăng trưởng tốt như trước. Trong khi đó, gỗ mềm vẫn đảm bảo các điểm mạnh cần thiết mà khách hàng mua đồ nội thất cần như: tông màu sáng, vân phong phú, độ bền cao…, đặc biệt có sản lượng nhiều hơn gỗ cứng. Trong sản xuất, thao tác trên gỗ mềm dễ dàng hơn so với gỗ cứng. Nguyên liệu này không những dễ uốn cong để định hình mà còn dễ “ăn” màu, “ăn” keo nên có thể đáp ứng được các thiết kế phục vụ người trẻ. “Vì dễ thao tác nên thời gian gia công sản phẩm cũng được rút ngắn, giúp giảm chi phí sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN”, ông Peter Bradfield nhận xét.

Những khu rừng đạt chứng nhận quản lý bền vững với nguồn gỗ chất lượng ở tỉnh bang British Columbia, Canada

Gỗ mềm được thu hoạch từ các loài cây thuộc họ hạt trần, cây lá kim điển hình như cây họ thông, tuyết tùng, linh sam, vân sam, bách vàng… Chủ yếu được cung ứng từ khu vực Bắc Mỹ, nơi có chính sách phát triển rừng bền vững nên tính hợp pháp của gỗ mềm khá cao, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của các thị trường nhập khẩu nội thất khó tính cũng như đảm bảo xu hướng tiêu dùng thông minh, bền vững mà người trẻ hướng tới. Điển hình là chính sách quản lý rừng bền vững tại Canada.

Theo ông Trần Thanh Vẹn – Giám đốc quốc gia Canadian Wood, một phần của Forestry Innovation Investment (FII), tỉnh bang British Columbia, Canada: Chiến lược phát triển lâm nghiệp ở Canada khá đặc biệt với tầm nhìn phát triển môi trường hơn 200 năm, được hoạch định cụ thể từ rất lâu trước đây, nên tỷ lệ phá rừng hiện chỉ 0,02%. Chỉ riêng tại British Columbia, đã có 200 triệu cây mới được trồng mỗi năm. Theo đuổi mục tiêu lâm nghiệp bền vững giúp quốc gia này trở thành nhà cung ứng nguyên liệu gỗ hàng đầu thế giới. Hiện Mỹ là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất gỗ Canada. “Gỗ Canada vân mịn, thớ chắc, cho độ bền cao. Cấp độ gỗ đa dạng nên đa dụng, từ chế tạo nội thất đến nguyên liệu xây dựng, xây nhà cao tầng bằng gỗ”, chuyên gia tư vấn Peter Bradfield nhận định.

Cho gỗ thăng hoa

Năm 2022, xuất khẩu gỗ xẻ của Canada đạt 33,6 triệu m3, giá trị xuất khẩu 10,8 tỷ USD. Là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu, đất nước lá phong có chương trình xúc tiến thương mại cho gỗ nguyên liệu khá ấn tượng.

Khách dành nhiều sự quan tâm cho gỗ Canada

Theo ông Trần Thanh Vẹn, Canada làm rất tốt công tác kết nối DN với nguồn cung ứng. 5 năm trở lại đây, Canadian Wood đã tiến hành tổ chức hàng loạt hội thảo chuyên ngành chia sẻ ưu điểm thẩm mỹ, công dụng của các loại gỗ Canada nhằm tiếp cận các DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu; giới thiệu những chủng loại gỗ phù hợp với đặc trưng của từng thị trường để DN có nhiều lựa chọn. Đồng thời, tư vấn cách thức áp dụng hiệu quả những loại gỗ này vào từng dòng sản phẩm phù hợp cho các nhà thiết kế trong nước. Ông tiết lộ: “DN xuất khẩu đón nhận tốt nhưng tiềm năng cũng không ít ở khối DN sản xuất nội thất nội địa. Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu để tiếp cận khối DN trong nước”.

Ngoài ra, tổ chức này còn triển khai chương trình dùng thử gỗ Canada, cung cấp mẫu gỗ nổi tiếng như: Độc cần bờ Tây, linh sam Douglas, vân sam – thông – linh sam (nhóm SPF), tuyết tùng đỏ bờ Tây và bách vàng… để nhà máy dùng thử và nhận thấy rõ hơn các đặc tính, lợi ích, ưu điểm của gỗ mềm Canada khi áp dụng vào sản xuất đồ nội, ngoại thất. “Canadian Wood có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật sát theo các nhà máy, bao gồm tư vấn chọn lựa chủng loại gỗ phù hợp với loại sản phẩm, cách thức thi công và kiểm soát chất lượng hoàn thiện, góp phần giúp nhà máy nâng cao hiệu quả chi phí, đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng của họ”, ông Vẹn nói.

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu lượng gỗ nguyên liệu trị giá hơn 3 tỷ USD từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm 6,36 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn. Cùng năm, theo cơ sở dữ liệu Comtrade, Canada xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang Việt Nam đạt 13,55 triệu USD. Hiệp ước thương mại CPTPP vận hành, tạo điều kiện cho kim ngạch giao thương giữa hai quốc gia tăng trưởng nhiều hơn. Các chuyên gia trong ngành đang kỳ vọng, thời gian tới, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu nội thất sang Canada và ngược lại, nhập khẩu gỗ nguyên liệu nhiều hơn từ thị trường tiềm năng này.

Nguyên Minh

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác