Chia sẻ và trải nghiệm tại AYFE

Chương trình Giao lưu doanh nhân trẻ ngành nội thất Đông Nam Á (AYFE) đã diễn ra tại thành phố Yogyakarta, Indonesia từ 23 – 26/8, do Câu lạc bộ doanh nhân trẻ Indonesia (IYFC) tổ chức. Với chủ đề chính của chương trình là “Bảo tồn văn hóa và di sản qua nhiều thế hệ”, Yogyakarta được chọn là nơi tổ chức bởi vì Yogyakarta chính là cái nôi của nền văn hóa Java – nền văn hóa lâu đời và phong phú nhất Indonesia.

Đây là sự kiện lớn nhất và duy nhất hằng năm của doanh nhân trẻ ngành nội thất khu vực Đông Nam Á. Có 43 đại biểu đến từ Singapore, Malaysia, Myanmar, Việt Nam và nước chủ nhà Indonesia tham gia chương trình. Tất cả đại biểu đều là thế hệ kế tiếp và là doanh nhân trẻ đang khởi nghiệp.

Anh Erick Luwia, Chủ nhiệm CLB IYFC đã nhấn mạnh: “Cách đây 3 năm, chúng tôi đã từng là những người xa lạ nhưng giờ thì đã là những người bạn tuyệt vời của nhau. Tôi hi vọng sự kiện AYFE hàng năm này luôn là nơi để mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ, học hỏi lẫn nhau để cùng xây dựng ngành nội thất Đông Nam Á cùng phát triển”.

Chia sẻ chuyên môn

Cùng là “đồng nghiệp” nên các bạn trẻ đã có rất nhiều điều để chia sẻ thông qua các hoạt động của chương trình, chẳng hạn như chia sẻ về sản phẩm và dịch vụ đang cung cấp, thị trường và các cơ hội hợp tác, kinh nghiệm về quản lý và sản xuất…

Anh Lê Xuân Hoàng Việt, đại diện Công ty Thịnh Việt, cho biết: “Là một trong những thành viên trẻ nhất, thông qua chương trình này năm ngoái lẫn năm nay, tôi đã thấy được bước tiếp theo của sự phát triển ngành nội thất không những ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Tôi còn nhận ra được sự khác biệt giữa các nước, điểm mạnh và điểm yếu, những thuận lợi và khó khăn của ngành nội thất từng nước. Quan trọng hơn hết, các đại biểu hầu như đều có những xuất phát điểm khác nhau về trình độ học vấn, về chuyên môn cho nên chúng tôi đã có khá nhiều điều học hỏi lẫn nhau”.

Trong chương trình, các đại biểu còn được giới thiệu về văn hóa Batik và trải nghiệm làm mặt nạ Batik – sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Indonesia. Từ một loại gỗ mềm của địa phương, dưới bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, họ chạm khắc và vẽ những chấm nhỏ bằng sáp, tô màu, sau đó nhuộm, và phơi nắng, những chiếc mặt nạ được hiện ra với những hoa văn rất độc đáo và cực kỳ tinh tế. Những mặt nạ Batik này tượng trưng cho sự bảo vệ và hạnh phúc, được cho là mang lại sự an bình cho ngôi nhà nơi chúng được trưng bày. Cũng như các sản phẩm mang đậm tính nghệ thuật Batik khác, mỗi chiếc mặt nạ gỗ này được vẽ tay hoàn toàn từ bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân nên rất hiếm khi trùng hợp nhau.

Anh William, đại biểu đến từ Malaysia, đã hào hứng chia sẻ: “Thật không thể tin nỗi, tôi đã hoàn thành được mặt nạ này. Nó quả thực là quá tỉ mỉ và mất khá nhiều thời gian. Người chủ của xưởng đưa màu cho tôi, ông ấy nói là hãy tô màu đỏ trước và màu xanh sau. Tôi rất tò mò về điều này khi phải tưởng tượng mặt nạ của tôi làm sẽ trông như thế nào. Sau đó, qua các công đoạn như xối màu đen, nhưng thực ra chỉ là màu nâu, rồi luộc và phơi nắng, mặt nạ đã hiện ra những màu sắc đỏ, xanh, đen khác nhau. Cảm giác lúc đó rất tuyệt vời”.

Ngoài ra, các đại biểu còn được chia sẻ thông tin về vải thương hiệu Sunbrella. Đây là dòng vải được biết đến chỉ để sử dụng cho các sản phẩm ngoại thất, nhưng ngày nay họ đã cung cấp ra thị trường những dòng vải cho các sản phẩm nội thất.

Trải nghiệm văn hóa

Cũng trong buổi làm mặt nạ Batik tại Gunung Kidul, các đại biểu trẻ còn được thưởng thức điệu múa của vua (người Indonesia thường gọi là satan). Đại biểu chủ nhà đã giải thích về điệu múa này là nhằm muốn gây sự chú ý với người dân luôn hướng về đức vua và xem cách ăn mặc cũng như phụ kiện mà nhà vua sử dụng để lấy đó là xu hướng tạo ra các sản phẩm thủ công. Không gian chúng tôi ngồi để xem múa cũng là ngôi nhà rất đặc trưng của người bản địa gồm 4 cột chính được chạm khắc rất cầu kỳ. Chính kết cấu này giúp cho ngôi nhà vững chắc dưới những tác động của thiên nhiên như gió, bão.

Nói đến Indonesia, núi lửa được xem là một loại “đặc sản” cần được trải nghiệm. Lava Tour đã cho chúng tôi biết thêm nhiều về sự hình thành, hoạt động và sự phá hoại của nó khi phun trào. Hầu như mọi vật dụng đều bị làm cho móp méo, đầy tro bụi. Điều gây sự chú ý đối với các đại biểu đó là bàn ghế trong nhà sau núi lửa vẫn còn vẹn nguyên khung gỗ.

Vùng Yogyakarta cũng rất nổi tiếng với các công trình kiến trúc của những ngôi chùa cùng những truyền thuyết thú vị đằng sau những ngôi chùa đó. Đoàn đã ghé thăm chùa Prambana, Borobudur. Riêng chùa Borobudur là một ngôi chùa Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ IX và là một trọng những đi tích Phật giáo lớn nhất thế giới với 9 tầng xếp chồng lên nhau bao gồm 6 vuông 3 tròn và trên cùng là một mái tròn, được trang trí bởi 2.672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật. Mái vòm được bảo quanh bởi 72 pho tượng Phật. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Khép lại AFYE 2017, anh Jake Tan, Chủ tịch CLB Doanh nhân trẻ Singapore đã gửi lời mời mọi người đến đất nước mình để tham gia AYFE 2018 với các vấn đề được chia sẻ về E-commerce với nhiều chuyến viếng thăm và làm việc với Google, Zalora, Lazada cùng hàng loạt những công ty high-tech khác.   

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác