,

Chủ động với Net Zero

Với cam kết Net Zero từ Chính phủ và hoạt động xuất khẩu ngày càng mở rộng, việc chấp nhận “luật chơi” toàn cầu và chủ động để có thể đáp ứng những đòi hỏi về giảm thiểu carbon là cách ngành chế biến gỗ đi trước, đón đầu.

Cạnh tranh phát thải

Quyết định số 13 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ban hành có hiệu lực từ 1/1/2024, 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Tài nguyên Chính sách và Môi trường cho biết, đây là những doanh nghiệp (DN) đang để lại dấu chân carbon lớn nhất trong nền kinh tế. Danh sách này được xây dựng căn cứ vào mức độ phát thải của DN, có phát thải lớn trên 3.000 tấn CO2/năm. “Lâm Việt không nằm trong danh mục các DN bắt buộc kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện”, ông Nguyễn Lam – Tổng giám đốc Lâm Việt mở đầu câu chuyện của mình như vậy.

Theo ông Lam, với cam kết Net Zero từ Chính phủ, kiểm kê khí nhà kính là một trong những thành phần tất yếu của chiến lược phát triển bền vững, DN không thể đứng ngoài nên thay vì chờ đợi bị “áp”, việc chuẩn bị trước sẽ giúp DN có nhiều lợi thế hơn. Nhờ ứng dụng ERP trong quản lý sản xuất từ sớm nên việc truy xuất dữ liệu, vấn đề quan trọng nhất để các chuyên gia khảo sát, kiểm kê cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Các hoạt động tạo nên phát thải tại nhà máy cũng đều thể hiện được trên hệ thống.

Lâm Việt là một trong số DN chế biến gỗ Việt Nam đang chủ động có những chuyển đổi để đón đầu cho việc kiểm kê khí nhà kính. Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, xét về mặt kinh doanh quốc tế, với các quy định ngày một chặt chẽ hơn về hàm lượng carbon như hiện nay, phát thải thấp hay cao chính là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh tốt hay không trên thị trường quốc tế. Thực hiện việc kiểm kê ngay từ bây giờ chính là bước chuẩn bị kịp thời nhất cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Cần một lộ trình lẫn kịch bản

Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam – Tổng giám đốc KLINOVA cho biết, quy chế mới của châu Âu, tính theo cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (BCA), mỗi tấn sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này sẽ chịu thêm phí. Ngành gỗ hiện đã có ứng  dụng các chứng chỉ bền vững như PEFC, mới đây là các quy định của EUDR nhưng các quy chuẩn BCA sẽ còn sâu hơn, đi vào định tính, định lượng hơn là nguồn gốc xuất xứ. “Với cam kết từ COP26 từ Chính phủ, DN Việt Nam phải có lộ trình, kịch bản giảm phát thải chuẩn bị càng sớm càng tốt”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nam, vấn đề lớn của DN hiện nay là không có số liệu. Trước đây, các hoạch định chiến lược phát triển tương lai của DN chưa liên quan đến kịch bản giảm phát thải, tham gia vào các dự án bù trừ carbon hay thị trường carbon nên những vấn đề mởi mẻ này đang nằm ngoài các chính sách đầu tư từ DN. Do vậy, cần có lộ trình để DN có thể từng bước thích ứng.

Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn phát thải Nguyễn Truyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường cho biết, danh sách DN phải kiểm kê nhà kính sẽ được tiếp tục bổ sung. Dựa trên năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất, DN có hóa đơn tiền điện trên 1 tỷ đồng/tháng là đã chắc chắn thuộc diện kiểm kê. Do vậy, việc xác định phát thải, kiểm kê khí nhà kính là khó tránh. Để chuẩn bị cho câu chuyện này, DN phải thực sự chi tiết trong việc thống kê trong mọi khoản tiêu thụ năng lượng, từ khí, chất thải công nghiệp, xăng, dầu, gas… “Việc đơn giản nhất của giảm phát thải từ phía DN là giảm tiêu thụ điện”, bà Truyền tư vấn.

Theo chuyên gia Nguyễn Truyền, hiện có khá nhiều giải pháp lẫn đơn vị tư vấn sẵn sàng hỗ trợ DN trong việc kiểm kê và tối ưu phát thải. DN có thể áp dụng giải pháp quản lý tiêu thụ điện trung tâm, máy nén khí, hệ thống hút bụi, hệ thống năng lượng mặt trời… Tất cả các giải pháp trên đều có thể giúp DN tiết kiệm chi phí từ 10% đến 30% tùy thuộc vào kịch bản DN đưa ra. Thậm chí, các giải pháp còn có thể giúp DN chinh phục mục tiêu cao hơn là Net Zero. “Hiện đã có DN có thể triển khai hoàn thiện toàn bộ quy trình, chinh phục mục tiêu đưa phát thải về 0 chỉ trong vòng 66 tháng”, chuyên gia khẳng định. Tất nhiên, để có thể hòa mình vào sân chơi carbon quốc tế, chi phí đầu tư cho lộ trình 5 năm phấn đấu ấy lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả đầu tư, ông Nguyễn Lam cho rằng, đó là quyết định đúng đắn. Hiện 98% phát thải của DN đến từ sử dụng điện. Chỉ cần giảm tiêu thụ điện năng thì DN giải quyết được cả hai vấn đề, tiết giảm chi phí lẫn giảm phát thải carbon. Ông tư vấn: “Đầu tư hệ thống quản lý tiêu thụ năng lượng và năng lượng mặt trời là bước đầu tư đầu tiên và đơn giản nhất. Khoản đầu tư này mang đến DN lợi trước mắt luôn là hóa đơn tiền điện giảm, nghĩa là DN đã giảm chi phí vận hành. DN càng cải tiến thì càng tốt, càng có lợi thế cạnh tranh”.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, so với các ngành khác, ngành gỗ ít phát thải hơn nhờ hoạt động trồng rừng, tạo ra tín chỉ carbon. Đáng tiếc, DN sản xuất thì lại tiêu thụ năng lượng trong sản xuất khá cao, dẫn đến phát thải khí nhà kính cũng lớn. Do vậy, song song với việc tìm hiểu và chuẩn bị cho việc khai thác thế mạnh từ tín chỉ carbon, ngành gỗ sẽ phải quyết liệt với mục tiêu giảm phát thải. Trước mắt, Viforest sẽ triển khai chương trình chọn và kiểm định 6 DN trên toàn quốc. Dự án sẽ đi cùng các công ty tư vấn đến kiểm đếm mức phát thải carbon ở các nhà máy. Từ đó, tìm kiếm giải pháp cho các DN trong ngành trong tiến trình giảm phát thải. “Ngành gỗ tham gia sân chơi toàn cầu, tất cả DN đều phải chấp nhận luật chơi. Vấn đề là làm thế nào để thích ứng tốt nhất và chuyển đổi thế nào để có được lợi thế hơn”, ông Lập nói.

Nguyên Chương

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác