,

Chuyển đổi để tăng năng suất

Talkshow “Chuyển đổi số ngành gỗ”, diễn ra sáng 25/5 tại TP.HCM, là hoạt động mở đầu của dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam”, do HAWA tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số trong sản xuất, nhận thức và bước đầu thực hành giảm thải carbon.

 

Kinh nghiệm đau thương

Năm 2008, ban lãnh đạo Hồng Ký, đơn vị cung ứng thiết bị cho các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ đưa ra một quyết định khó khăn: “Đập đi xây lại” toàn bộ hệ thống ERP “may đo” thiết kế riêng theo đặt hàng của DN để xây dựng lại hệ thống ERP theo quy chuẩn SAP toàn cầu. “Chi phí, thiệt hại không hề nhỏ nhưng đó là một quyết định đúng đắn”, ông Nguyễn Duy Toàn – Phó giám đốc, nhận xét về bước ngoặc lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của Hồng Ký như vậy.

Khá quyết liệt trong mục tiêu ứng dụng, xây dựng hệ thống công nghệ để vận hành và quản lý DN, Hồng Ký là một trong những nhà máy Việt Nam sớm đặt ra mục tiêu chuyển đổi số, ứng dụng robot vào sản xuất… Tuy nhiên, khi DN tăng trưởng hơn, lựa chọn chưa chính xác về mặt giải pháp trước đó đã dẫn đến việc hệ thống trở thành một chiếc áo chật, cản trở sự phát triển.

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ IRTECH, người sở hữu hơn 18 năm kinh nghiệm tư vấn, triển khai chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã có nhiều trường hợp chuyển đổi số nhưng thất bại, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Với ngành gỗ, câu chuyện triển khai hệ thống quản trị, sản xuất còn khó khăn hơn rất nhiều do đặc thù sản xuất nhiều công đoạn, nhiều vấn đề phát sinh, mất thời gian và nhiều sai sót. “Thị trường cung ứng công nghệ nhiều, giải pháp cũng nhiều. DN phải biết lựa chọn cái nào phù hợp”, ông Hùng nói.

Không chỉ công nghệ, chuyển đổi số là lộ trình xuyên suốt, kéo dài 3 – 5 năm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chuyển đổi nhận thức cả công ty, từ chủ DN đến đội ngũ quản lý, nhân viên… Do vậy, theo ông Nguyễn Duy Toàn, hành trình đó cần được xây dựng thành một chiến lược cụ thể, hội tụ đủ bốn yếu tố cốt lõi, gồm: Quyết tâm của lãnh đạo, người điều phối, đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và giải pháp phù hợp.

IOT, AI và hơn thế nữa…

Mang đến DN ngành gỗ phương cách xây dựng chiến lược chuyển đổi số theo mô hình kim tự tháp, ông Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, giá trị mô hình kinh doanh của DN sẽ nằm trên cùng dẫn dắt cho quy trình vận hành ở giữa và công nghệ, giải pháp nằm ở tầng cuối cùng, làm nền tảng. Sau khi các vấn đề bên trên được làm sáng tỏ, DN sẽ nhìn ra giải pháp nào thực sự cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Khôi – Giám đốc Công ty Công nghệ Viet Dynamic cũng cho rằng, đã có rất nhiều giải pháp ứng dụng IOT, trí tuệ nhân tạo vào ngành chế biến gỗ… Tuy nhiên, hiện trạng của ngành chỉ mới ở ứng dụng công nghệ ở mức trên 2.0, với sự phổ biến của cơ giới hóa. “Đáng mừng là không phải ngành sẽ đi từng bước theo lịch sử phát triển công nghệ để lên các tiêu chuẩn 4.0. Các DN hoàn toàn có thể tận dụng, phối hợp các giải pháp từ cơ giới hóa, tự động hóa đến xa hơn là IOT hay AI… trong nhà máy của mình”, ông Khôi tư vấn.

Do vậy, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ chọn công nghệ nào mà là việc thành lập ban/tổ chuyển đổi số, chọn người có chuyên môn phủ trách, tìm đơn vị tư vấn, thiết lập chiến lược chuyên nghiệp và trung thành với chiến lược đó. Cụ thể hơn, theo bà Trần Thu Trang, đại diện SIPPO Việt Nam, chuyển đổi số cần được bắt đầu từ mong muốn cụ thể của DN. DN muốn đạt được cái gì, thay đổi cái gì, phải có mốc thời gian cụ thể. “Phải có những con số cụ thể ở mục tiêu thì mới chuyển đổi được. Công nghệ chỉ hỗ trợ, chỗ nào lấy được “số” thì DN có thể bắt đầu ở đó. Mục tiêu ấy phải gắn chặt với hoạt động kinh doanh của DN”, bà Trang nói.

Cũng vì các giá trị cụ thể, thiết thực trong hoạt động kinh doanh của DN mà bước đầu, dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam” sẽ tập trung vào việc lắng nghe, khảo sát thực tế của DN. Sau đó, theo ông Phùng Đức Hoàng, đại diện ILO Việt Nam, đội ngũ chuyên gia chương trình sẽ tìm đơn vị cung ứng giải pháp, tạo mối liên hệ và hỗ trợ để DN có điều kiện để tiếp cận, triển khai các giải pháp thiết thực. Ông khẳng định: “Hỗ trợ này mang tính dài hạn, hiệu quả và giúp DN chủ động hơn trong quá trình nâng cao nội lực”.

Thời gian tới, dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam” sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động để mang đến các giá trị thực tiễn cho cộng đồng DN chế biến gỗ Việt Nam.

Lê Nguyễn

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác